1. Fansipan (Lào Cai)
Khung cảnh kỳ vĩ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: theglobejogger> |
Với độ cao 3.143m, đỉnh núi Fansipan - “nóc nhà Đông Dương”, không chỉ là đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà còn là “đích ngắm” của nhiều phượt thủ, dân leo núi. Núi Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm trên ranh giới giữa Lai Châu và Lào Cai. Người Mông ở đây gọi đỉnh Fansipan là Hủa Xi Pan (có nghĩa “phiến đá khổng lồ chênh vênh”).
Các nhà địa chất học cho rằng Fansipan được hình thành khoảng 100 triệu năm trước đây, từ kỷ Phấn Trắng - Đại Trung Sinh. Ngọn núi hùng vĩ này sở hữu hệ động thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Tùy theo cung đường bạn chọn để chinh phục Fansipan dễ hay khó, sẽ mất 2-4 ngày để đặt chân lên đỉnh núi và chạm vào đỉnh mốc làm bằng inox dựng trên đó.
Ngày nay, những du khách không có thời gian cũng như sức khỏe để đi rừng, leo núi vẫn có thể tận mắt chứng kiến khung cảnh hùng vĩ, choáng ngợp từ đỉnh Fansipan nhìn xuống nhờ hệ thống cáp treo mới được khánh thành tháng 2/2016.
2. Yên Tử (Quảng Ninh)
Chù Đồng trên núi Yên Tử. Ảnh: vietravel |
Ở khu vực phía bắc, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) cũng khá nổi tiếng và là điểm chinh phục của nhiều bạn trẻ. Không cao như Fansipan, nhưng hành trình leo núi Yên Tử cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị khi được khám phá hệ thống động thực vật đa dạng nơi đây. Được mệnh danh là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”, núi Yên Tử là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông khi ông từ bỏ ngai vàng. Cũng tại đây, ông lập ra dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam gọi là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Trên núi thiêng Yên Tử có chùa Đồng (được làm toàn bộ bằng đồng), nằm ở điểm cao nhất của núi là độ cao 1.068m so với mực nước biển. Chùa Đồng được công nhận là “ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á”. Từ khi tuyến cáp treo Yên Tử được xây dựng năm 2001, núi Yên Tử càng trở thành điểm hành hương, chiêm bái nổi tiếng của nhân dân cả nước.
3. Pu Si Lung (Lai Châu)
Núi Pu Si Lung. Ảnh: Hachi8 |
Trong giới phượt, Pu Si Lung là ngọn núi có nhiều mâu thuẫn nhất. Vì thế, đây cũng là ngọn núi được “gọi tên” rất nhiều lần. Theo số liệu quốc gia, núi Pu Si Lung cao 3.076m và là ngọn núi cao thứ 3 Việt Nam. Nhưng cũng có thông tin từ phượt thủ cho rằng độ cao chính xác của Pu Si Lung là 3.775m. Và chính Pu Si Lung (chứ không phải Fansipan) mới là đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Pu Si Lung là khối núi nằm tại biên giới Việt – Trung, thuộc tỉnh Lai Châu. Phần đỉnh núi nằm ở huyện Mường Tè cao 3.076m, còn toàn bộ khu vực có đỉnh núi cao 3.775m nằm bên phần đất mà Trung Quốc tự nhận là của họ sau chiến tranh năm 1979.
Nếu là một người leo núi có kinh nghiệm, chinh phục Pu Si Lung không khó, nhưng muốn leo núi, bạn phải xin giấy phép của đồn biên phòng tỉnh Lai Châu. Và việc này thì không hề dễ dàng.
4. Bạch Mộc Lương Tử
Hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử. Ảnh: kenhdulich |
Là ngọn núi cao thứ 4 Việt Nam, cái tên Bạch Mộc Lương Tử (3.045m) cũng được nhắc đến khá nhiều. Dãy núi này đóng vai trò là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Bạch Mộc Lương Tử còn được coi là một trong những “thiên đường săn mây” tuyệt đẹp. Vào mùa mây, từ đỉnh núi Muối hùng vĩ, bạn có thể chiêm ngưỡng cả một biển mây trắng xóa bồng bềnh, mộng ảo như chốn thần tiên.
5. Tà Chì Nhù (Yên Bái)
Biển mây mênh mông ở Tà Chì Nhù. Ảnh: Đức Lê |
Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m, nằm trong khối núi Pú Luông, thuộc địa phận huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Với những người đam mê xê dịch, đây là một trong những điểm đến trong mơ của cuộc đời. Đặc biệt trong mùa mây (tháng 10 đến tháng 2 năm sau), Tà Chì Nhù trở thành cái tên “hot”, tỏa ra sức hút mãnh liệt nhờ vẻ đẹp của biển mây ở lưng trời.
Chinh phục Tà Nhì Nhù mùa mây, du khách sẽ thấy khung cảnh vừa hoang sơ vừa thơ mộng của thiên nhiên kỳ vĩ. Nơi ấy có những con ngựa thong dong gặm cỏ trên thảo nguyên xanh rộng lớn, có những biển mây ôm ấp, quấn quýt bên núi mãi không rời như một tình yêu chan chứa, nồng nàn.
6. Tà Xùa (Yên Bái)
Hành trình gian nan chinh phục Tà Xùa. Ảnh: Lê Bảo Linh |
Tỉnh Yên Bái cũng có một ngọn núi khá nổi tiếng là Tà Xùa. Tà Xùa còn là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Dãy Tà Xùa hùng vĩ được hợp thành từ ba đỉnh núi cao tựa sát vào nhau với đặc trưng là “đầu rùa” và “sống lưng khủng long”.
Vách núi hiểm trở của Tà Xùa. Ảnh: Hòa Ngô Huy |
Bởi vậy, chinh phục ngọn Tà Xùa không phải hành trình mà dân không chuyên dám thử sức và đủ sức để giành “chiến thắng”. Đoạn đường nguy hiểm nhất là khi đi trên sống lưng khủng long. Chỉ cần sơ sẩy một chút, bạn có thể bị những cơn gió mạnh quất ngã xuống vực sâu mà không có gì có thể cản lại.
Nhưng bù lại, bạn sẽ tận mắt được chiêm ngưỡng thảm hoa rừng như: đỗ quyên trắng, hồng, đỏ, lùn, táo mèo, bạch châu cũng như vô số loài hoa dại khiến cho Tây Bắc thêm mơ màng, mộng ảo.
7. Núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)
Núi Hồng Lĩnh. Ảnh: hivietnam |
Núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là hình ảnh quen thuộc của các chiến sĩ khi vượt Trường Sơn vào nam chiến đấu. Ngọn núi này cũng được nhắc đến trong bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” với vẻ hết sức thơ mộng: “Hồng Lĩnh ơi, đỉnh cao mây vờn…”. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu trưng cho tỉnh Hà Tĩnh.
Điều đặc biệt là núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, đều nằm hết trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Ngày nay, trên núi có hàng trăm ngôi chùa, đền, miếu, trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút người dân cũng như du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
8. Núi Langbiang (Lâm Đồng)
Núi Langbiang là điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Ảnh: thuthachviet |
Đối với người dân Lâm Đồng, núi Langbiang là một nhân chứng đẹp về chuyện tình yêu của chàng K’lang và nàng H’biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho. Núi còn có tên là Lâm Viên, nằm cách Đà Lạt 12km về phía bắc. Đây là nơi nghỉ dưỡng, trốn nóng lý tưởng của du khách.
Tại núi Langbiang, mọi muộn phiền đều tan biến. Xung quanh chỉ còn màu xanh bạt ngàn của trời, núi, mây ngàn và dòng sông Đankia mềm mại ôm ấp dưới chân núi. Không chỉ được thưởng đãi bằng những khung cảnh thơ mộng của tự nhiên, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động khác như leo núi, đi bộ, nhảy dù, tìm hiểu các loài chim, thú...
9. Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Được biết tới là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986 m), nùi Bà Đen thuộc thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Từ xa, bạn có thể dễ dàng nhận ra núi Bà Đen nhờ hình dạng chiếc nón úp giữa đồng bằng.
Núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử Núi Bà, sở hữu phong cảnh hữu tình, hang động, chùa chiền và gắn liền với nhiều truyền thuyết. Núi Bà Đen vừa là điểm hành hương nổi tiếng linh thiêng ở miền Nam, vừa là điểm đến yêu thích của dân phượt. Đây cũng là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh.
Có 3 cách chinh phục núi Bà Đen là đi cáp treo, dùng máng trượt hoặc đi bộ leo núi. Với dân phượt, có 5 cung đường phổ biến là: phượt đường chùa, phượt đường cột điện, phượt đường ống nước, phượt đường Ma Thiên Lãnh, phượt đường núi Phụng và Hồ Chí Minh. Dù bằng cách nào, bạn cũng sẽ có được cơ hội cảm nhận thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và trong lành nơi đây.
10. Núi Chứa Chan (Đồng Nai)
Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ 2 ở Đông Nam Bộ. Ảnh: mytour |
Núi Chứa Chan (núi Gia Ray) cao 837m, là ngọn núi cao thứ 2 Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen) nằm ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Từ xa nhìn lại, núi Chứa Chan có hình bát úp. Lúc bình minh hoặc hoàng hôn, trên đỉnh núi thường có những mảng mây trắng nhỏ bay lãng đãng tạo nên khung cảnh thơ mộng, dễ khiến du khách đắm say.
Khung cảnh choáng ngợp trên đỉnh núi. Ảnh: mytour |
Dù không phải là ngọn núi cheo leo, hiểm trở nhưng hầu như không có đường mòn dẫn lên núi. Do đó, các trekker phải tự phát cỏ cây, rẽ lối mà đi. Nếu không định hướng tốt, bạn sẽ chỉ đi quanh một chỗ. Từ đỉnh núi Chứa Chan, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh đẹp như chốn thần tiên. Đó là cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, rộng lớn, những ghềnh đá xối tung bọt trắng xóa và cảm giác như với tay là chạm tới bầu trời…
Thanh Thúy