1. Nước mía
Nước mía chỉ được ép từ thân cây mía, bỏ thêm vài quả quất cho dậy mùi thơm dễ chịu nhưng lại là một trong những món đồ uống hấp dẫn nhất ngày hè. Vị ngọt tự nhiên mát lạnh, màu xanh vàng tươi rói, ngon mắt sẽ làm cho cái nắng nóng oi bức khó chịu ở Hà Nội dường như vơi phần nhiều.
Nước mía thơm thơm, ngọt mát, có giá khoảng trên dưới 10.000 đồng. Ảnh: Đức Quân
Cách đây vài năm, trào lưu uống nước mía siêu sạch với nhiều mùi vị độc đáo như đào, dâu, cam... từng khiến nhiều người tò mò. Thế nhưng, nước mía truyền thống giản dị, chân phương mới thực sự có chỗ đứng lâu dài trong lòng thực khách. Không chỉ ngon, nước mía còn có nhiều tác dụng tích cực với sức khỏe như chống oxi hóa, chống sỏi thận và tăng khả năng miễn dịch.
Nước mía được bán ở hầu khắp các con phố, ở cổng trường học và ở các khu dân cư. Thế nhưng, hương vị nước mía ở Hàng Vải hay quán nhỏ gần chợ Hàng Da là được nhiều thế hệ người Hà Nội nhung nhớ nhiều nhất. Một cốc nhỏ có giá khoảng 10.000 đồng, cốc lớn 15.000 đồng. Ở Hàng Vải, hiện nay khách có thể uống kèm với trân châu và dừa nạo.
2. Thạch dừa
Xuất hiện cách đây khoảng 10 năm từ một quán nhỏ trên phố Hàng Cót, thạch dừa nhanh chóng trở thành món ăn hot nhất khi hè đến. Phần thạch dừa ngọt nhẹ, mát mát được bỏ vào phía bên trong quả dừa non, phía bên trên phủ một lớp cốt dừa và được giữ trong tủ lạnh cho tới khi có khách gọi. Khi ăn, nhiều người thích phần cùi dừa non ngòn ngọt, mềm mềm dính liền với miếng thạch mát lạnh.
Thạch dừa ngon nhất ở quán trên phố Hàng Cót và Hàng Than.
Trước đây, thạch dừa được làm với số lượng hạn chế nên rất nhanh hết. Nhưng sau đó một thời gian, cửa hàng đã mở rộng sản xuất nên hầu như thực khách chẳng bao giờ rơi vào tình huống phải ngậm ngùi ra về. Duy chỉ có điều diện tích quán rất nhỏ, đa số khách gọi mang về.
Sau này, từng có một thời gian thạch dừa được bán khắp nơi trong Hà Nội, nhưng cũng bởi thế mà chất lượng không đồng đều. Trong số đó, hàng thạch dừa ở Hàng Than (cơ sở 2 ở Nguyễn Khắc Nhu) cũng có chất lượng tốt, không thua kém gì ở Hàng Cót. Ưu điểm lớn của quán này là không gian rộng rãi, ai thích ngắm phố xá có thể ngồi ở Hàng Than, còn nhóm đông bạn bè có thể qua Nguyễn Khắc Nhu, có người trông xe cẩn thận.
3. Trà chanh
Rộ lên khoảng năm 2010, trà chanh nhanh chóng lọt vào top những món ăn đặc sản Hà thành. Trà chanh chỉ được chế biến đơn giản từ trà lá (hoặc trà mạn, tùy quán), thêm chút đường, vài lát chanh cùng mấy viên đá; thế nhưng lại có thể khiến cơ thể sảng khoái hơn hẳn chỉ sau khi uống mấy ngụm.
Trà chanh Nhà thờ là địa điểm đông khách mỗi khi hè về. Ảnh: Tuấn Mark
Ban đầu, từ một quán ở phố Chợ Gạo, chân cầu Chương Dương và một quán ở phố Đào Duy Từ, trà chanh đã lan đi khắp các ngóc ngách Hà Nội, đâu đâu cũng treo biển hiệu, từ khu vực trung tâm cho tới ngoại thành.
Có hẳn một khu vực ở Hà Nội khi đó mà hàng nào cũng có bán trà chanh, đó là ở gần Nhà thờ Lớn. Ngồi nhâm nhi cốc trà chua chua, ngọt ngọt, thanh mát và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang từng là thú vui của nhiều bạn trẻ thủ đô.
4. Tào phớ
Với thế hệ 7X, 8X, hẳn sẽ khó quên được những gánh tào phớ của các chú bán hàng đạp xe, chở theo một hộp gỗ, bên trong là nồi tào phớ trắng ngà, nóng hổi và mịn màng. Tào phớ khi đó chỉ được ăn với nước đường, bỏ thêm một vài bông hoa nhài thơm thoang thoảng nhưng lại khó quên đến thế.
Tào phớ nước đường - món ăn gợi nhớ về tuổi thơ trong tâm trí nhiều người. Ảnh:Thanh Tùng
Sau đó ít lâu, tào phớ được ăn chung với sữa đậu nành, thay vì nước đường để thơm hơn và cũng để dịu bớt vị ngọt. Một số hàng sáng tạo cho thêm thạch đen, dừa khô hay dừa tươi. Vài năm trở lại đây, với sự ra đời của nhiều thương hiệu tào phớ, món ăn này được biến tấu rất phong phú, nhiều vị và cũng rất nhiều màu sắc bắt mắt, thu hút được giới trẻ.
Một trong những hàng tào phớ vỉa hè xuất sắc ở Hà Nội bây giờ là một quán nhỏ, nằm gần trường THCS Nghĩa Tân. Ở đây, ngoài tào phớ, thạch đen, chủ quán còn cho thêm thạch găng xanh rêu rất hấp dẫn. Hương vị hài hòa, vừa phải nhưng khiến ai đã ăn thử thì luôn muốn ăn nữa.
5. Kem
Không phải nói nhiều về độ phong phú của các loại kem ở Hà Nội, từ kem que, kem ly cho tới kem ốc quế, kem hộp hay kem xôi. Các thương hiệu kem nước ngoài cũng có mặt trong thành phố từ cách đây khá lâu như kem Newzealand, kem Fanny, kem Haagen-dazs, Baskin robbins...
Thế nhưng, địa chỉ đỏ cho tín đồ kem ở Hà Nội - kem Tràng Tiền - thì chưa bao giờ vơi khách. Khách ăn ở đây phải đứng ăn vội vàng nơi vỉa hè, hay trong khuôn viên xưởng chật chẹp, bức bối. Kem thì chỉ dăm ba loại truyền thống như cacao, vani, sữa dừa, cốm, đậu xanh... nhưng lại có sức hút kỳ lạ, hằn sâu trong tâm trí người dân thủ đô hàng chục năm qua. Kem Tràng Tiền ngày nay đã có công ty, đóng gói và phân phối sản phẩm đi khắp Hà Nội nhưng dường như nhiều người tin rằng, chỉ ăn ở đúng địa chỉ mới có được hương vị chuẩn nhất.
Kem Tràng Tiền là một trong các món đặc sản Hà Nội nổi tiếng nhất. Ảnh: Lozi
Ngoài kem thông thường, kem xôi cũng trở thành món ăn đổi vị cho những ai không ưa sự nhàm chán. Một vài viên kem vani ngọt dịu, dễ tính được chọn để làm nguyên liệu chính cho món này; đi kèm là một chút xôi dẻo, màu xanh xốm ngon mắt. Khi lớp kem bên trên chảy ra, quyện vào lớp xôi bên dưới, hương vị của món ăn trở nên hợp vị lạ lùng.
Thực khách có thể ăn kem xôi ở Hồng trà sủi bọt đầu phố Phan Chu Trinh, quán đầu đường Cát Linh hay Hai Bà Trưng.
6. Caramen
Caramen được làm trứng gà, sữa tươi cho vị ngọt béo ngậy, bùi bùi, mịn màng. Khi ra quán, để hút được nhiều khách, các chủ quán đã cho thêm thạch, nước cốt dừa và để màu sắc và mùi vị thêm phong phú. Thêm chút đá sẽ khiến caramen dễ ăn hơn mà không bị ngấy.
Caramen thập cẩm ngọt bùi khó tả. Ảnh: bee.net
Caramen không phổ biến như các món ăn kể trên nhưng cũng không quá khó để tìm được quán không khách. Nổi bật nhất là quán nằm trong chợ Nguyễn Công Trứ. Khu chợ bình dân, có phần xộc xệch nhưng lại trở nên rất nổi tiếng nhờ món bánh giò và caramen. Dường như chẳng ai tới đây mà chỉ gọi một món thôi cả.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số thực khách cho ý kiến rằng caramen ở đây không còn hương vị thực sự đặc biệt như trước đây nữa. Hàng thạch dừa ở Hàng Than cũng có bán món ăn này và được khá nhiều người gọi.
7. Rau câu
Thạch rau câu cốt dừa là món ăn ghi đậm dấu ấn trong tâm trí của nhiều lứa học sinh khu vực Đống Đa với khá nhiều gánh hàng nhỏ quanh các cổng trường trong khu vực. Về sau, món ăn này không được "sủng ái" nhiều như trước, những người bán hàng cũng chuyển hướng kinh doanh, chỉ một người duy nhất đã quyết định mở quán tại gia đình.
Thạch rau câu không cần đá nhưng vẫn mát lạnh, giải nhiệt. Ảnh:Nguyên Chi
Thời gian đầu, chỉ có những khách quen là tìm đến, nhưng về sau, thực khách ùn ùn kéo tới quán nhỏ ở phố Phương Mai, đặc biệt là mùa hè. Nhiều hôm tới muộn, khách sẽ phải ra về đầy nuối tiếc.
Về cơ bản, thạch ở đây có màu sắc và mùi vị không quá đặc sắc nhưng ăn quen sẽ bị "nghiện", lâu lâu không qua là thèm kinh khủng. Lớp thạch nâu óng, cứng vừa phải, thoang thoảng mùi bí đao được đặt trong những chiếc cốc mang dáng dấp từ thời bao cấp.
Chúng được đặt trong tủ lạnh cho mát. Khi dùng, chủ quán cho thêm thứ cốt dừa tự nấu sền sệt, thơm thơm và ngọt lịm. Ăn kèm với thạch rau câu phía dưới tạo nên mùi vị rất khó lẫn. Giá của một cốc thạch bao nhiêu năm cũng không thay đổi nhiều, chỉ vài nghìn đồng một cốc.
8. Sữa chua
Nếu chỉ là sữa chua không thì có lẽ không thể khiến nhiều thực khách "tâm phục khẩu phục" đến thế. Ở Hà Nội, có khá nhiều loại sữa chua được biến tấu, nhưng nổi bật nhất là sữa chua mít. Mới rộ lên khoảng 3 năm trở lại đây, sữa chua mít cũng được lan đi khắp các hàng quán giải khát Hà thành.
Sữa chua mít có thể làm dễ dàng ở nhà với các nguyên liệu đơn giản.
Ngoài sữa chua hộp thông thường (loại có đường), chủ quán cho thêm sữa đặc, thạch, mít dai xé sợi và một số loại hoa quả khác, trộn đều với đá bào. Không quá phức tạp nhưng không nhiều hàng có thể đạt điểm tốt cho món ăn này. Thời gian đầu, địa điểm đông khách nhất là quán Hoàng Anh ở đầu phố Bà Triệu.
Ngoài sữa chua mít mới nổi ít lâu, giới trẻ Hà Nội còn biết tới sữa chua tự làm của quán Ông Già ở phố Lò Đúc. Sữa chua ở đây đều là loại tự làm, không phải loại hộp bán sẵn, có 3 dạng: cứng, dẻo và mềm với nhiều hương vị hấp dẫn. Dù chất lượng không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng sữa chua Ông Già vẫn khiến nhiều thực khách phát thèm khi hè về.
9. Trà sữa
Cách đây khoảng gần 10 năm, cơn sốt trà sữa Đài Loan từng khiến thế hệ học sinh thời đó mê mệt. Nổi tiếng nhất thời đó là thương hiệu Feeling tea có mặt ở những vị trí đắc địa nhất trong thành phố. Trà sữa phảng phất vị trà, ngòn ngọt vị sữa, lẫn những hạt trân châu đen óng, dai dai, mềm mềm rất hấp dẫn.
Trà sữa sau đó cũng có rất nhiều mùi vị như đào, táo, dâu, dưa bở... Hai quán trà sữa nổi tiếng đến tận bây giờ là Hồng trà sủi bọt ở Phan Chu Trinh và quán ở phố Triệu Việt Vương.
Gần đây, giới trẻ Hà Nội "hâm mộ" trà sữa Thái Lan. Ảnh: Nguyên Chi
Hiện nay, có khoảng gần 10 quán trà sữa Thái được giới trẻ quan tâm như Aroi ở Nguyến Thiếp, một số quán ở Hàng Lược, Đào Duy Từ và Lý Thường Kiệt...
10. Hoa quả dầm
Hoa quả dầm được làm từ nhiều loại hoa quả thái nhỏ, miếng vuông vức, vừa miệng; cho thêm chút nước cốt dừa, sữa đặc và đá bào trộn đều. Mùi vị tươi ngon của từng loại qủa nhiều màu sắc, hòa quyện với nhau tạo nên món ăn đã khát, giải nhiệt mà rất dễ ăn.
Hoa quả dầm nhiều màu sắc, ăn không ngán. Ảnh: Didau
Cả con phố Tô Tịch nhỏ xíu, gần hồ Gươm cũng nhờ các hàng hoa quả dầm mà trở nên nổi tiếng. Dọc con đường chỉ khoảng vài chục mét nhưng có đến hàng chục cửa hàng lớn nhỏ, khách ngồi chật kín hai bên vỉa hè, nhất là trong những ngày nóng nực.
Ngoài địa chỉ này, bạn có thể tìm tới cửa hàng Hồng sinh tố, vốn nổi tiếng với món cacao trứng ở phố Hàng Hòm. Cửa hàng nhỏ xíu, không có bàn ghế khang trang nhưng lượng khách trung thành của quán cũng không hề ít. Có lẽ do sự chuẩn bị kỹ càng, tinh tế của món ăn mà dù vị trí không mấy thuận lợi nhưng vẫn thu hút được nhiều người mách nhau tới thưởng thức hoa quả dầm.
Theo Ngoisao