1. Da cháy nắng tiềm tàng nguy cơ ung thư
Nếu như những ngày mùa đông lạnh giá, mọi người đều mặc tầng tầng, lớp lớp áo để chống chịu với cái rét thì hè đến là lúc trút bỏ hết lớp quần áo rét để trầm mình trong làn nước và trốn chạy khỏi cái nóng oi bức. Dù là xuống biển hay lên núi, vào rừng thì nhìn chung, các du khách đều lựa chọn những trang phục mát mẻ để vừa cảm thấy dễ chịu, lại vừa có thể thoải mái vận động. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng mùa hè là thời điểm mà các tia bức xạ từ mặt trời hoạt động mạnh nhất. Chúng sẽ tác động trực tiếp lên da bạn và nếu như tiếp xúc với những tia bức xạ này trong một khoảng thời gian dài, da bạn sẽ bị cháy nắng.
Vui chơi, thư giãn dưới nắng hè khiến bạn rất dễ bị cháy nắng. Ảnh: Internet |
Để nhận biết bản thân mình có bị cháy nắng hay không, du khách có thể quan sát làn da khi ra ngoài nắng. Da rát, tấy đỏ hay thậm chí sưng viêm là dấu hiện của cháy nắng. Trường hợp cháy nắng nặng, nguy cơ phát triển các khối u ác tính – hình thức nguy hiểm nhất của ung thư da sẽ tăng gấp đôi. Vì thế, trong những ngày hè, việc bảo vệ da, đề phòng tránh cháy nắng là vấn đề vô cùng cần thiết. Một số biện pháp giúp bạn tránh khỏi nguy cơ cháy nắng trong những ngày hè là chuẩn bị quần áo dài tay có màu sắc sáng, đeo mắt kính có khả năng chắn tia cực tím, đội mũ rộng vành và bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút và bôi lại sau 2 tiếng đồng hồ.
2. Cảm sốt do nhiệt độ cao
So với mùa đông thì nhiệt độ trung bình trong mùa hè cao hơn nhiều và tác động trực tiếp lên cơ thể chúng ta. Đặc biệt, khi đi du lịch, thời gian bạn di chuyển ngoài trời sẽ nhiều hơn thời gian ở trong nhà. Cơ thể bạn cũng ít được che chắn và hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến những người có sức đề kháng yếu dễ bị mất nước, cảm nắng, cơ thể suy nhược và đổ bệnh.
Mọi người đi du lịch để có khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta quên đi việc chăm sóc và giữ gìn sức khỏe của bản thân, đặc biệt là trong những hè nắng nóng, dễ phát sinh bệnh thì việc bảo vệ sức khỏe càng trở nên cần thiết.
Thời điểm nhiệt độ và bức xạ cao nhất là từ 10 giờ đến 16 giờ hàng ngày. Vào khoảng thời gian này, bạn nên ở trong khách sạn hoặc những nơi có bóng râm, đợi bớt nắng rồi mới tiếp tục vui chơi để bảo đảm cơ thể luôn đạt thể trạng tốt nhất. Ngoài ra, uống nhiều nước lọc có khoáng hay ăn nhiều hoa quả cũng là phương pháp giúp cơ thể điều hòa nhiệt tốt hơn với môi trường xung quanh.
3. Nhiễm bệnh do ký sinh trùng trong nước biển và bể bơi
Trầm mình trong làn nước mát là cách tuyệt vời nhất để xua tan cái nóng của mùa hè. Chính vì thế, tắm và lặn biển, bơi trong hồ hay nghịch nước trong các khe suối đã trở thành những hoạt động không thể thiếu trong những ngày hè. Tuy nhiên, ngâm mình dưới nước trong thời gian dài, bạn sẽ rất dễ trở thành mục tiêu để các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể, gây bệnh và thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Dù tắm biển hay tắm trong bể bơi, bạn cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của các loài vi khuẩn, ký sinh trùng. Ảnh: Internet |
Vì vậy, trước khi xuống nước, bạn nên bôi kem dưỡng tránh nước hoặc kem chống nắng nhiều lớp. Đặc biệt, dù tắm ở biển hay ở hồ bơi thì cũng tuyệt đối không được uống nước hay đi vệ sinh tại đó. Khi lên bờ, cũng cần phải tắm lại thật kỹ bằng nước sạch. Đối với những người đang bị tiêu chảy hoặc mắc một số bệnh lý về đường ruột, có tình trạng sức khỏe không tốt thì nên tránh xuống nước.
4. Bị côn trùng cắn
Trong quá trình vui chơi, khám phá các điểm du lịch hoang sơ thì khả năng bị côn trùng tấn công là rất lớn. Những vết cắn này có thể gây ra những nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Đặc biệt, vào những ngày hè, khi mọi người đều ưa thích mặc các trang phục ngắn để thoải mái và mát mẻ hơn thì khả năng bị côn trùng cắn lại càng cao. Vì thế, việc chuẩn bị cho mình các loại kem chống côn trùng hoặc thuốc xịt diệt côn trùng để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra không bao giờ là thừa.
Lê Long
- Mẹo khắc phục các vấn đề sức khỏe khi đi máy bay
- 8 bí quyết giữ sức khỏe trong những chuyến du xuân