Không chỉ có những bãi biển thơ mộng với hàng dừa thẳng tắp hay những khu rừng xanh mướt mới hấp dẫn bước chân du khách. Mà đối với những con người yêu thích sự "xê dịch", khám phá và trải nghiệm thì những địa điểm có vẻ ma mị, nhuốm màu tâm linh, chưa có lời giải thích thỏa đáng lại kích thích vô cùng.
Biệt thự bí ẩn
Hầu như thành phố nào cũng mang trên mình những câu chuyện ma kì dị. Tại Đà Lạt, có một ngôi nhà khá nổi tiếng trên đèo Prenn, cách Quốc lộ 20 khoảng 100m, trong thung lũng Mimosa lãng mạn làm cho người ta cảm thấy điều đáng sợ này là có thật.
Từ ngoài cổng nhìn vào, ngôi nhà có vẻ còn nguyên vẹn, nhưng khi vào bên trong thì trống hốc: cửa nẻo không còn, xung quanh tường ngoài thì rêu phong cổ kính, phía trong thì bị viết, vẽ lung tung. Một vòng từ trong ra ngoài ngôi "biệt thự ma" có nhiều chỗ đặt bát nhang, hoa tươi. Cách ngôi biệt thự khoảng 10 m về bên trái có một miếu thờ nhỏ cũng đầy đủ bàn thờ, nhang, hoa…
Mặc dù thông tin về những sự cố bí ẩn liên quan đến ngôi nhà chưa được xác minh rõ, địa điểm này vẫn luôn thu hút sự hiếu kỳ của giới trẻ các vùng xung quanh mỗi khi lên Đà Lạt du lịch. Khung cảnh có phần âm u, lạnh lẽo của ngôi biệt thự càng thôi thúc các nhóm bạn trẻ muốn có cơ hội được trải nghiệm cảm giác khám phá một trong những nơi kỳ bí nhất Đà Lạt.
Ngôi nhà kỳ dị
Dạo qua đường Huỳnh Thúc Kháng, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn một ngôi nhà rất đặc biệt, có tên là Crazy House (Ngôi nhà điên) - một công trình kiến trúc độc đáo được tờ People’s Daily bình chọn là 1 trong số 10 ngôi nhà kì dị nhất thế giới. Crazy House được xây dựng từ năm 1990 trên khuôn viên rộng gần 1.900m2. Chủ nhân ngôi nhà là tiến sĩ - kiến trúc sư Đặng Việt Nga.
Ban đầu công trình kiến trúc độc đáo này có tên là Biệt thự Hằng Nga, sau đổi thành "Crazy house" hay "Ngôi nhà kỳ dị". Crazy House không theo trường phái kiến trúc nào mà rất độc đáo. Nhìn bên ngoài, cả khu nhà như một khối thân cây khổng lồ xù xì, vặn vẹo, với nhiều hình khối lồi lõm, những đường cong uốn lượn, những hình dạng kỳ dị...
Điều đặc biệt ở ngôi biệt thự này là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tuỳ hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục. Từ trên ban công hay từ những ô cửa sổ, du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào của khách sạn.
Bên trong ngôi nhà thu hút sự tò mò của du khách bởi những bậc thang ngoằn ngoèo quấn quanh, những căn phòng với hình thù kì lạ như những hốc cây, quả bầu, những con vật gấu, cọp, đại bàng, kangaroo... Bước vào căn phòng, du khách có những cảm giác lạ lẫm, bí hiểm, ấm cúng đan xen.
Chính những yếu tố trên cùng thời tiết lành lạnh của Đà Lạt đã biến nơi này trở thành một chốn huyền hoặc, bí ẩn mà hầu hết teen đều cảm thấy rờn rợn khi đặt chân đến đây tham quan. Hiện nay, biệt thự Hằng Nga chỉ mở cửa cho khách du lịch thăm thú từ thứ 2 đến thứ 6 (riêng thứ 7, chủ nhật sẽ đóng cửa).
Bí ẩn chiếc bàn tự xoay
Lại là một điểm đến nữa ở Đà Lạt. Có vẻ như thành phố mờ sương này không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng mà còn cuốn hút bởi sự bí ẩn, lạnh lùng. Theo tìm hiểu, hiện Đà Lạt có 3 chiếc bàn xoay. Nhìn bề ngoài của những chiếc bàn này không có gì đặc biệt so với những chiếc bàn gỗ thông thường khác. Cả 3 bàn đều được làm từ chất liệu ván gỗ màu đen sẫm trông rất chắc chắn, mặt bàn được ghép lại từ các thanh nhỏ chứ không phải là một khối gỗ tròn nguyên vẹn.
Dưới mặt bàn có 2 thanh gỗ được ghép song song để giữ chắc mặt bàn. Ở giữa là một miếng gỗ hình vuông có lỗ hình tròn để tra cán để dễ dàng tách biệt chiếc bàn bí ẩn này thành hai phần mặt bàn và thân bàn. Điều bí ẩn của những chiếc bàn này là chỉ cần đặt tay lên mặt bàn, người điều khiển nghĩ về hướng nào là chiếc bàn tự động quay về hướng đó. Càng nhiều người đặt tay cùng một lúc, chiếc bàn quay càng nhanh.
Sự kỳ bí của chiếc bàn xoay đã khiến nhiều người không thể lý giải nổi, hoặc lý giải theo một quan niệm duy tâm. Nhiều du khách khi tới Đà Lạt có dịp thử nghiệm trên chiếc bàn này cho rằng chiếc bàn xoay này là nơi tích tụ của một thế lực siêu nhiên, huyền bí từ xa xưa mà con người không thể lý giải nổi. Nếu có dịp đến Đà Lạt hè này, đừng quên "mục sở thị" những điểm đến lý thú này nhé.
Khu vườn đầu người
Đến ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh chỉ cần hỏi "khu vườn ma quái", "vườn hình người" ai cũng biết. Đây là khu vườn rộng của ông Phạm Chứng người gốc TP.HCM, khu vườn rộng gần 100m2 gồm nhà ở khang trang và vườn cây bao quanh.
Ấn tượng đập vào mắt người xem đầu tiên là cảm giác rợn người bởi ngay trước hiên nhà là 3 bức tượng hình người khắc khổ trắng toát nằm chắn ngang lối đi. Hai bên bậc thang là 6 chiếc đầu lâu bằng xi măng nằm đối xứng. Ngôi nhà được trang trí bằng hàng trăm hình mặt người đủ mọi sắc thái từ hàng rào đến trụ hiên. Dưới nền đất dẫn vào khu vườn, chủ nhân tạo lối đi cũng bằng hình mặt người. Khu vườn có hàng chục ngôi mộ lớn nhỏ...
Thay vì lát gạch đá hoặc để nền đất bình thường, chủ nhân khu vườn đã lắp ghép hàng trăm đầu người bằng bê tông. Không những vậy, trên mỗi gương mặt còn sơn đủ màu sắc mang cảm giác mạnh như những vệt đỏ tượng trưng dòng máu chảy. Ghê rợn hơn, có những hình đầu người tạc hình ảnh bị lưỡi dao dính thẳng dọc sống mũi, vẻ mặt nhăn nhó vì đau đớn.
Tuy nhiên vì khu vườn có phần gây sợ hãi đối với những người dân trong vùng vì thế khu vườn đang được thuyết phục đập bớt những bức tượng máu me, rùng rợn để tránh gây hoang mang.
Bể xương ở hang Cắc Cớ chùa Thầy
Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) được dư luận quan tâm đặc biệt vì trong hang có bể xương chứa đến 3.600 bộ xương người. Điều này khiến mọi người thật khó có thể ngờ, giữa lòng thủ đô, trong lòng một ngọn núi trồi lên giữa vùng đồng bằng, lại có một bể xương lớn như vậy.
Vượt qua hơn 200 bậc đá, lên tới đỉnh chùa, qua một sườn đá thoai thoải nhưng trơn trượt và hiểm trở, sẽ đến cửa hang. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được. Cửa hang Cắc Cớ nhỏ hẹp, tối om là đến một khoảng không gian rộng lớn. Một luồng sáng trắng chiếu thẳng từ trên đỉnh núi xuống càng tạo vẻ liêu trai. Người dân trong vùng gọi khu vực này là giếng trời, nơi cửa ngõ giữa thiên đường và địa ngục.
Đi qua những bậc thang dựng đứng, lổn nhổn đá, mới thấy hiện ra bể chứa hài cốt. Bể rộng được xây bằng đá, có một bàn thờ nhỏ phía trước và chỉ có một lỗ vuông đầu người chui lọt. Soi đèn pin thật kỹ, thò đầu qua lỗ vuông, cảm giác ớn lạnh sống lưng chợt ùa đến: trong bể có nhiều chiếc sọ người cùng xương cẳng tay, cẳng chân và vô số những mảnh xương, mảnh sọ vỡ đã ngả màu vàng, màu đen. Chen lẫn là tiền thật, tiền âm phủ, rác...
Theo truyền thuyết mà người dân trong vùng truyền miệng, hàng ngàn bộ hài cốt trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia, những người đã hy sinh bi tráng từ 2.100 năm trước. "Suối xương" đầy huyễn hoặc này sẽ chìm vào quên lãng nếu không có cuộc thám hiểm của mấy người nông dân sống quanh chân núi Sài Sơn.
Dù là xương của ai đi chăng nữa, nơi đây vẫn là điểm đến khiến du khách thoả trí tò mò và thử gan bản thân khi được tận mắt chứng kiến một bể xương dưới hang sâu đen ngòm, lạnh lẽo.
Theo Chudu24