Tuy được xếp vào top 5 đường bay hiểm trở bậc nhất, nhưng đổi lại hành khách của những chuyến bay này sẽ được nhìn ngắm khung cảnh hùng vĩ cùng những dãy núi, bãi biển đẹp nhất thế giới. Đồng thời được trải qua cảm giác “rùng rợn” hiếm có mỗi khi cất, hạ cánh. Đó chính là lý do nhiều du khách vẫn thích thử sức với 5 đường bay đáng sợ nhất hành tinh dưới đây.
1. Sân bay Courchevel
Sân bay Courchevel nằm ở khu vực trượt tuyết trên núi Alps của Pháp. Ngược hoàn toàn với khu nghỉ dưỡng xa hoa bên dưới, sân bay Courchevel có vẻ “nghèo nàn” với đường băng ngắn chỉ 525m, uốn lượn lên cao, xuống thấp theo đúng địa hình tự nhiên của dãy Alps chứ không bằng phẳng như những đường băng khác.
Không chỉ vậy, sân bay còn không được trang bị hệ thống cất hạ cánh chính xác nên việc hạ cánh trong điều kiện mây và sương mù hầu như là không thể. Ngoài ra, việc hạ cánh càng thêm phần nguy hiểm vào những ngày đường băng bị phủ tuyết và băng gần như hoàn toàn.
2. Sân bay Gibraltar
Các đường băng của sân bay Gibraltar nằm ở mũi bán đảo Iberia, phía Tây Nam châu Âu từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của các phi công khi nó cắt ngang đại lộ 4 làn xe hơi luôn tấp nập xe cộ qua lại Winston Churchill.
Điều đó có nghĩa là người đi bộ và các phương tiện thường xuyên được yêu cầu dừng chờ mỗi khi chiếc Airbus khổng lồ này cất cánh - hạ cánh. Và sau khi chiếc máy bay đi khỏi, mọi thứ lại trở về trật tự ban đầu như chưa hề có gì xảy ra!
3. Sân bay Tenzing-Hillary
Đường băng ngắn, dốc, không khí loãng, thời tiết thách thức, làm cho sân bay Tenzing-Hillary trở thành một trong những đường bay thách thức nhất thế giới.
Tenzing-Hillary là một sân bay nhỏ tại thị trấn Lukla, miền đông Nepal. Sân bay này đặc biệt ở chỗ đường băng của nó không bằng phẳng mà bám theo địa hình của rặng núi dốc thuộc dãy Himalaya, Nepal có độ cao hơn 2.800m so với mực nước biển. Không chỉ nổi tiếng với địa hình đáng sợ, sân bay này còn được nhiều người biết đến khi là điểm bắt đầu của hành trình chinh phục đỉnh Everest.
4. Sân bay Princess Juliana
Sân bay quốc tế Princess Juliana được xây sát bãi biển Maho, nơi hàng ngàn du khách tới tắm mỗi ngày. Thêm nữa đường băng ngắn do hạn chế của địa hình gồ ghề cũng buộc các máy bay hạ cánh xuống đây phải hạ độ cao xuống mức thấp nhất để tránh vọt khỏi phi trường.
Đảo Saint Martin (Hà Lan) là một trong những danh thắng đẹp nhất thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu người ghé đến. Tuy nhiên, nhiều du khách tiết lộ rằng họ đến đây không chỉ để tắm nắng, tắm biển hay ngắm cảnh mà còn để tận mắt ngắm nhìn những chiếc máy bay khổng lồ cất và hạ cánh mỗi ngày.
Khi hạ cánh xuống sân bay Princess Juliana trên hòn đảo Saint Martin, những chiếc máy bay chở khách khổng lồ chỉ cách đầu người khoảng 10m. Còn khi cất cánh, với khoảng cách so với bãi cát là 7m, âm thanh của động cơ đủ lớn để làm rung chuyến cả bãi biển, thổi bay người, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên may mắn là kể từ năm 1972 tới nay, chưa sự cố chết người nào xảy ra ở sân bay này.
5. Sân bay Paro
Sân bay Paro của Bhutan được mệnh danh là sân bay chỉ dành cho những phi công lão luyện nhất. Bởi cũng như vương quốc Bhutan, sân bay Paro nhỏ và ngắn nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi của dãy Himalaya có độ cao trên 6.000m.
Không chỉ nhỏ, ngắn, những luồng gió mạnh len giữa các thung lũng cũng là thử thách không nhỏ đối với các phi công nơi đây. Theo thống kê, hiện toàn thế giới có chưa đến chục phi công được cấp phép hạ cánh tại sân bay này.
Theo PNO