1. Không thống nhất được kế hoạch chuyến đi
Vấn đề dễ gặp nhất khi lên kế hoạch đi du lịch cùng cả nhóm chính là việc thống nhất kế hoạch cho chuyến đi. Có rất nhiều lý do mà bạn không thể ngờ dẫn tới việc xảy ra bất đồng này như: Mỗi người thích một khách sạn, một điểm tham quan khác nhau hay lịch trình, thời gian thực hiện chuyến đi không đồng nhất…
Nếu như không có những cuộc nói chuyện trước để thống nhất giữa các thành viên trong nhóm thì những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt có thể sẽ khiến chuyến đi của bạn mất vui bởi các cuộc cãi vã.
Hãy thống nhất kế hoạch trước chuyến đi để tránh những cuộc cãi vã xảy ra trên hành trình. Ảnh: Internet |
2. Chia sẻ kinh phí chuyến đi
Trong các chuyến đi, kinh phí luôn là một trong những vấn đề dễ khiến cho nhóm mất đoàn kết và xảy ra cãi vã. Trước chuyến đi, mọi người thường nghĩ đơn giản rằng các khoản chi phí sẽ chia đều và không có gì đáng để tranh cãi cả. Tuy nhiên trên thực tế, khi cần mua sắm các vật dụng nhỏ cho đoàn hay gọi đồ ăn trong nhà hàng, sẽ rất phiền phức nếu mỗi thành viên phải trả ngay số tiền lẻ. Vì vậy, thường sẽ có một người ứng trước tiền để tránh những phiền phức khi chia và đổi tiền lẻ. Và vấn đề bất hòa thường phát sinh khi người ứng tiền phải đi gom lại số tiền đã ứng từ các thành viên trong nhóm.
Vì vậy, trước chuyến đi, các nhóm nên tìm hiểu kỹ về thông tin, chi phí để lên kế hoạch chi tiêu một cách chi tiết. Từ kế hoạch này, các thành viên sẽ chia đều và đóng góp các khoản chi phí cố định như vè tàu xe, vé máy bay, tiền khách sạn, tiền đặt nhà hàng… từ trước chuyến đi. Nếu dọc đường có những khoản chi phí phát sinh ngoài dự kiến, các thành viên trong nhóm sẽ tiếp tục đóng góp thêm vào quỹ nhóm. Trường hợp số tiền đóng góp còn dư có thể chia đều và trả lại cho mọi người khi chuyến đi kết thúc.
3. Tốn nhiều thời gian cho việc cá nhân
Khi trong đoàn có nhiều thành viên, sẽ mất nhiều thời gian hơn cho nhu cầu cá nhân của mỗi người. Có thể là xếp hàng để chờ đi tắm, đánh răng hay chờ đợi một vài bạn nữ trang điểm, sửa soạn quần áo… Tất cả sẽ có thể khiến cho lịch trình của cả nhóm bị ảnh hưởng rất nhiều.
Để giảm thiểu vấn đề này, các nhóm có thể đề ra vài hình phạt nho nhỏ cho những ai không đúng giờ mà mọi người đã thống nhất như chiêu đã một chầu cafe hay ăn uống…
4. Chia sẻ không gian sống
Khi chuyến đi còn chưa bắt đầu, sẽ rất khó để chúng ta biết người bạn đồng hành có thật sự hợp với mình hay không. Nếu là người có sự tương đồng về nếp sinh hoạt, bạn sẽ có một chuyến đi tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu phải ở cùng một người không thích hợp 24/24, chắc chắn chuyến đi của bạn sẽ trở thành thảm họa.
Sau những giờ phút miệt mài khám phá, những chặng đường dài phải di chuyển, mọi người đều cảm thấy mỏi mệt và dễ cáu gắt hơn. Lúc này, thói quen nhỏ nhặt thường ngày của đối phương như bừa bãi, hay quên, vấn đề về sinh… cũng có thể khiến cho bạn cảm thấy phiền phức và dễ dàng mất bình tĩnh, dẫn tới tranh cãi kịch liệt.
Để giữ hòa khí và chia sẻ không gian sống với người đồng hành trong cả chuyến đi, cách duy nhất là phải luôn cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Những bực tức bộc phát sẽ làm mất hòa khí và khiến chuyến đi trở nên tệ hại hay nghiêm trọng hơn, và bạn có thể đánh mất đi một tình bạn.
5. Không linh hoạt khi có thay đổi bất ngờ
Hãy suy nghĩ và lựa chọn những người bạn đồng hành hợp với mình để chuyến đi vui hơn. Ảnh: Lê Long |
Đôi khi, bạn sẽ gặp phải vấn đề là điểm du lịch ghé thăm không thật sự hấp dẫn như quảng cáo và bạn lại nghe đến một điểm đến khác thú vị hơn không có trong lịch trình. Nếu đi một mình, bạn có thể dễ dàng thay đổi lịch trình theo ý mình. Nhưng khi đi theo nhóm, việc thay đổi này có thể không nhận được sự đồng thuận của những người cùng đi. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy vô cùng nuối tiếc vì chuyến đi không được như ý.
Lê Long
- Chọn bạn đồng hành thế nào để tránh bực mình?
- 10 kiểu bạn đồng hành thường gặp khi đi du lịch
- 5 lý do nên có bạn đồng hành khi du lịch