Vụ thứ nhất do bạn có nickname là Nguyễn Sơn Nam chia sẻ:
Các bạn đi Tam Đảo nhất là xe tay ga chú ý vụ phanh xe nhé. Hồi chiều mình đạp xe lên chơi gặp cô chú vừa ngã xong.
Mình nghe mấy người chứng kiến nói xe bị mất phanh: “Dầu phanh hỏng mặc dù xe vẫn nổ máy" (chắc không vặn ga)
Qua khúc cua, xe tông luôn vào thanh rào chắn. Chú té xuống vực nhưng vẫn tỉnh, cô thì chắc gẫy chân (lúc bế cô ra xe taxi thấy chân hơi lủng lẳng). Nhưng còn sống là quá may rồi.
Vụ thứ hai do bạn có nickname là Trịnh Ngọc Sáng chia sẻ:
Bắc Kạn - Hà Nội đường đẹp như mơ, bỗng nhiên tảng đá khoảng 3m bất ngờ rơi từ đỉnh núi xuống lấn ra đường khoảng nửa mét, các xe đi đầu nhìn thấy tránh được, xe chốt đoàn đi đúng đến đây thì bị ánh đèn xe đi ngược chiều gây chói mắt không kịp nhìn thấy tảng đá nên phi thẳng vào ngã lăn ra giữa đường, may ko có xe ô tô nào đi tới, dàn nhựa vỡ, gãy tay ga, chân tay xước xát hết (đen cái là các chuyến khác đều bọc gối áo giáp đầy đủ, đúng chuyến này đi tour ngắn ngày đường đẹp nên chủ quan để nhà)... Ngã xong 30s sau thì có nhân viên tới dựng rào chắn. Xe ngã là xế kinh nghiệm đi phượt 5 năm mà cũng dính tai bay vạ gió, vì vậy đừng ai nghĩ rằng mình lái xe giỏi mà chủ quan, tai hoạ nó ập đến vào những lúc mình ko đề phòng nhất.
Những tai nạn luôn xảy ra một cách bất ngờ khi ta không đề phòng. Vì vậy, mọi người nên lưu ý trong các chuyến đi của mình:
1. Trước khi vào đoạn đường đèo dốc
- Kiểm tra phanh xe
Xe bạn tốt? Nhưng chưa hẳn ‘tốt’ hoàn toàn sau khi đã qua một cung đường dài. Việc kiểm tra phanh không mất bao thời gian, bạn hãy thử phanh xe ở cả 2 bánh trước khi vào đèo.
Lưu ý là có những đoạn dốc mà bạn dùng cả đôi phanh nhưng "con ngựa sắt" vẫn trườn tới… hàng chục mét mới dừng hẳn, đặc biệt là khi bạn chạy tốc độ cao, sử dụng phanh nhiều (má phanh quá nóng sẽ giảm sự ma sát, còn cháy má phanh thì… tiêu luôn).
- Kiểm tra đèn – còi
Đèn cần thiết phải bật khi trời chập choạng tối, ban đêm hay khi có sương mù.
Còi phải bấm trước khi vào các cua, ồn ào một tý nhưng xe đối diện phía góc khuất của cua quẹo có thể nhận ra có người đang chạy hướng đối nghịch, vậy là an toàn cho cả hai.
- Kiểm tra xăng
Mức xăng quá thấp, xăng đang reset có thể gây ‘đại họa’ đúng lúc bạn cần sức mạnh tối đa của "con ngựa sắt" đang vượt dốc cao.
Cứ cho là mức reset có thể giúp ta chạy thêm mươi cây số nữa, vậy nhưng ta lại quên béng đi là khi leo đèo, lại chở nặng thì xe sẽ ngốn rất nhiều xăng.
Phần khác: do độ dốc nhiều, xe cũng nghiêng nhiều nên miệng họng lấy xăng trong bình xăng lớn có thể nằm dưới mức chết. Kết quả là xe tắt máy giữa chừng: Dốc quá cao, bánh xe không bám đường thì ta có thể đổ ầm.
- Kiểm tra lốp xe
Nếu lốp quá mòn, bạn cần tránh đi đường đèo dốc, nhất là lúc trời mưa trơn trượt. Tốt nhất là nên thay lốp xe trước chuyến đi.
2. Chạy vượt đèo dốc
- Cần chú ý các biển báo, gương cầu. Có thể đường dốc, đèo vắng thật nhưng chạy với tốc độ quá cao, khi gặp sự cố bất chợt (như xe ngược chiều lấn đường, lở đất đá, nổ bánh, gặp ổ gà…) thì bạn không thể xử lý tình huống kịp thời.
- Cần chú ý trâu, bò, dê… của người dân nuôi thả có thể xuất hiện bất ngờ trên đèo.
- Thật cẩn thận với các khúc cua gắt vì đó luôn là cạm bẫy. Đây là lúc cần sử dụng còi để báo hiệu cho xe chạy chiều ngược lại biết rằng phía đối diện có người. Tránh việc lấn làn hay vượt xe khác tại các cua mà ta không có đủ tầm nhìn vì rất nguy hiểm.
- Tránh chạy kề cận các xe tải, xe bồn, xe khách: Họ mà phanh gấp hay tắt máy tuột phanh, lạc tay lái… thì ta cũng tiêu luôn.
- Nên giữ khoảng cách nếu chạy sau các xe này, bạn chỉ vượt nó khi thấy thật an toàn: Tức là thấy rõ phía trước trống đường, họ đáp ứng tốt với tiếng còi xin vượt của bạn, khoảng ngang định vượt đủ rộng và xe của bạn đủ sức mạnh để vượt. Bằng không thì cứ ngửi bụi khói xe đó một chút cũng không sao đâu.
- Không đậu xe ngắm cảnh phía ngoài mép các cua gắt, khuất tầm nhìn các xe khác.
- Nếu bạn muốn chụp ảnh hay ngắm cảnh, nên dựng xe cách đó vài mét phía dưới rồi đi bộ lên.
- Chụp hay ngắm cũng nên dè chừng để có phản xạ nhanh khi gặp tình huống nguy hiểm: Tức là bạn phải giống như có mắt sau lưng.
- Trả số ngay khi thấy xe có vẻ đuối sức, đừng chờ đến khi không còn sức rướm thì bạn sẽ phải trả về số thấp và rất khó lấy lại tốc độ cũ nếu dốc quá dài.
3. Xuống đèo dốc
- Đổ dốc dựng: Dốc rất trơn vì đầy đất đá vụn. Bạn phanh giảm tốc được nhưng muốn dừng lại thì xe vẫn cứ trôi theo đà chạy. Vậy nên trả số thấp hơn để xuống an toàn hơn.
- Lên đèo, nếu được cho là nguy hiểm 1 thì xuống dốc sẽ nguy gấp đôi, hầu hết các vụ tai nạn thảm khốc là khi đang xuống đèo. Vậy nên cẩn thận là chuyện không thừa.
- Trên đèo không phải chỗ cho sự ganh đua. Bạn thấy một chiếc xe ‘dỏm’ hơn xe mình nhưng chạy vượt mặt với cái nhìn khiêu khích? Hãy mặc kệ nó: để xe ấy ‘biến đi’ càng xa càng tốt, không để bị lôi kéo vào cuộc chơi.
- Trên một số dốc cao, tầm nhìn của bạn thường bị giới hạn chỉ còn chưa đầy mươi mét, vậy nên phải nhấn còi liên tục.
- Xe tay ga khi xuống dốc sẽ nguy hiểm hơn vì đa phần loại xe này dùng đai truyền động, bánh xe nhỏ nên giảm độ bám an toàn. Tránh ôm cua quá sát mép ngoài, dễ bị lực ly tâm làm té ngã hay vướng do dạt ra ngoài. Tuy nhiên: đừng nghĩ là loại xe này không đi phượt được nhé.
- Lên đèo số nào thì xuống đèo cần để số ấy là quy tắc chuẩn với xe 4 bánh trở lên và cũng có thể áp dụng tốt cho xe gắn máy, đây là cách dùng lực cản của máy để giảm tốc độ của xe. Ví dụ chiếc Win100 của tôi có 4 số: khi leo dốc tôi chạy số 3 thì khi xuống dốc tôi cũng sẽ về số 3 – không lên ga, không bóp côn – chỉ sử dụng côn và phanh khi cần thiết.
- Nếu xe vẫn còn xuống dốc khá nhanh, ta sẽ trả về số 2 để lực trì của máy nhiều hơn. Ít dùng phanh khi đổ đèo dốc cũng là cách bảo vệ má phanh không bị hỏng bất chợt do ma sát quá nhiều trong thời gian dài. Cháy má phanh làm mất phanh: Lúc đó, ngoài cách đổ kềnh, liệu ta còn có cơ hội trả số và phanh dừng lại không?
Người ta nói “xuống đèo cần cái đầu lạnh và má phanh lạnh”: “đầu lạnh” là không ganh đua, không liều lĩnh – má phanh lạnh là ít phải sử dụng phanh. Tuy nhiên, nếu đèo có dốc ít hơn 10 độ, không có cua gắt, đường đèo tốt, vắng xe và không trơn trượt thì bạn cũng có thể thả trớn êm xuôi miễn là không vượt quá tốc độ mà ta còn có thể kiểm soát tay lái được.
- Luôn nhớ là vào cua phải giảm tốc độ bằng cả 2 phanh, không rà phanh liên tục vì sẽ làm nóng má thắng. Nếu tốc độ xuống đèo còn quá nhanh: ta bóp côn, nhả ga, nhá phanh một vài cái để giảm tốc rồi trả về số thấp hơn và từ từ nhả côn. Với xe không côn tay thì khi đạp cần số là bạn đang cắt côn rồi.
- Trường hợp bạn đi xe 2 thì như Minks, Vespa cổ, Simson… thì việc lên đèo xuống đèo cần những kỹ thuật đặc thù riêng. Có tình huống xe bị hụt hơi khi lên dốc, bạn tăng ga mà xe ì lại không thể di chuyển được, điều này có thể là do bó máy hoặc bạn sử dụng côn số không hợp lý.
Với trường hợp bó máy, bạn cần dừng xe lại nghỉ khoảng 15 – 30 phút cho máy nguội. Đối với dòng xe 2 thì, bạn cần kiểm tra lại tỷ lệ nhớt pha vào xăng, cần đảm bảo tỷ lệ phù hợp để có thể bôi trơn xi lanh tốt nhất (đối với Vespa cổ là khoảng 5-6%), nhớt pha quá ít sẽ khiến máy nóng hơn và dễ rúp bê (bó máy).
Phượt không phải là để đua tốc độ, vượt đèo dốc để người lái có thể nhẹ nhàng hòa trộn vào khung cảnh hoang sơ hùng vĩ, nhẩn nha ngắm nghía đất trời. Vì thế không cần quá vội vã, bạn cứ đi là sẽ tới.
Đèo dốc nhiều hiểm nguy hơn đường bình thường. Vậy nhưng khung cảnh trên những nơi cheo leo thường rất đẹp. Thậm chí, mình cho rằng trong một số rất nhiều cung đường: Đèo dốc cũng là một trong những ‘đích đến chính’ của chuyến phượt: Hãy tận hưởng nó một cách an toàn.
Chúc bạn thượng lộ bình an trên mọi cung đường!
* Có bạn dị ứng với việc thả dốc nhưng để số vì máy vẫn phải làm việc (đây là việc ngược vì không tạo ra sức kéo mà là sức trì), ồn ào, hao xăng. Tuy nhiên, nếu cần thì vẫn phải làm vậy vì nó giảm tốc hiệu quả – còn phanh sẽ là sự bổ xung khi muốn dừng lại hẳn.