11:44 23/12/2024

Armenia – vùng đất xa xăm

12:52 26/04/2018

Sau chuyến bay dài gần bốn giờ đồng hồ từ Rome, chúng tôi đặt chân xuống thủ đô Yerevan của Armenia. Mặc dù Armenia đang được coi là điểm đến mới hấp dẫn đối với dân Ý song chúng tôi vẫn bất ngờ trước vẻ xinh đẹp của thành phố lớn nhất nước này.

Yerevan hiện đại hơn nhiều so với những gì mọi người trong đoàn hình dung. Đường phố, khu dân cư và công trình công cộng được quy hoạch chỉn chu, bài bản. Trước các cửa hàng sang trọng là hàng dài những chiếc xe hơi đắt tiền như Bentley, Rolls-Royce… phô bày sự giàu có của một tầng lớp dân cư mới.

Thành phố của đức tin

Armenia – vùng đất xa xăm - 1

Sau hơn một thập niên trở thành đại công trường xây dựng, hôm nay tại Yerevan, loạt kiến trúc mới đã bắt đầu xóa dần các công trình được xây trong thời kỳ Xô Viết. Thành phố êm đềm và tươi tắn với nhà hàng, quán cà phê đầy hoa. Đặc biệt, phụ nữ ở đây nhìn rất thu hút với cặp mắt to đen, nụ cười rạng rỡ và dáng vẻ quyến rũ trong trang phục thanh lịch.

Sự hiếu khách chân thành của người Armenia có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Khi đi qua khu chợ chuyên bán trái cây có đặc sản là trái cây sấy khô và trái cây muối, chúng tôi được các bà các chị niềm nở tặng nào mận, nào táo…để ăn thử. Thấy chúng tôi lúng túng rút tiền ra, họ liền xua tay: “Ồ không, không phải trả tiền. Cái này là chúng tôi mời các bạn ăn thử để biết đặc sản của Armenia”.

City tour vòng quanh Yerevan bắt đầu từ quảng trường Cộng hòa được xây theo phong cách Tân cổ điển (Neoclassical). Bao quanh quảng trường có 7 công trình kiến trúc lớn như Bảo tàng Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội… Tọa lạc giữa thủ đô nhiều đồi dốc, khu vực quảng trường này đẹp giản dị mà sang trọng, bề thế song vẫn thanh thoát.

Ngay gần quảng trường đông vui là khu chợ Vernisage chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ và nổi tiếng có nhiều tác phẩm tinh xảo độc đáo. Hấp dẫn nhất chợ có lẽ là đồ khắc gỗ, đồ cổ, đăng ten và những tấm thảm dệt tay hoa văn sắc sảo. Phụ nữ trong đoàn nhiều người mê mẩn với đồ trang trí và trang sức khảm Obsidian, một loại đá quý màu sẫm chỉ có tại địa phương. Nghề kim hoàn Armenia có truyền thống lâu đời và phong cách riêng, trong chợ có hẳn khu vực dành riêng cho những bộ sưu tập đồ vàng.

Armenia – vùng đất xa xăm - 2

Phía bên kia Nhà hát thành phố là một khu chợ bán đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật song chỉ họp vào dịp cuối tuần. Lịch sử lâu dài của Armenia trên ngã tư đường của các đế chế cổ đại khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời để khám phá di tích cổ. Các di chỉ khảo cổ thời Trung cổ, thời Đồ sắt, thời Đồ đồng và thậm chí thời Đồ đá chỉ cách thành phố vài giờ đi xe. Đa số chúng vẫn ở tình trạng chưa được khám phá nên mang lại cho du khách cơ hội tham quan những nhà thờ, những pháo đài còn ở tình trạng nguyên bản.

Lịch sử Yerevan bắt đầu tính từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên cùng với việc thiết lập pháo đài Urartia Erebuni. Vùng đất dưới chân dãy Ararat này được coi là cái nôi của đạo Thiên Chúa, nơi mà Chúa Jesu đã chỉ tay vào một tảng đá và nói rằng: “Đây là cái nôi của loài người”. Xung quanh tảng đá thiêng đó vào thế kỷ XI người ta đã xây nên nhà thờ Saint Sarkis Cathedral uy nghiêm, trái tim của thủ đô Yerevan cho đến ngày nay.

Armenia – vùng đất xa xăm - 3

Armenia là một trong những đất nước theo đạo Thiên Chúa đầu tiên trên thế giới với hàng chục tu viện cổ nằm trên đỉnh núi và những thánh đường nằm khuất trong rừng sâu đã được xây từ ngàn năm trước. Ngay tại thủ đô cũng có rất nhiều nhà thờ cổ lớn nhỏ với những lối kiến trúc đặc sắc. Nói đến kiến trúc nhà thờ thì thánh đường Surb Zoravor hoàn thành vào năm 1694 là niềm tự hào của người Armenia. Lối kiến trúc nhà thờ ở đây rất riêng và mỗi công trình trong quần thể nhà thờ đều gắn liền với một điển tích tôn giáo nào đó.

Dưới chân ngọn Ararat

Armenia – vùng đất xa xăm - 4

Hôm sau ra khỏi thành phố, chúng tôi chợt chùng xuống trước vẻ đơn sơ đến mức nghèo nàn của những ngôi nhà ngoại ô và nông thôn Armenia. Ở đó, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe đạp hoặc xe hơi Lada cũ kỹ, cồng kềnh thường thấy trong các bộ phim Liên Xô thuở trước. Nhưng bù lại, thiên nhiên Armenia đẹp tuyệt vời. Sau khi băng qua nhiều con đèo rất ngoạn mục, mọi người được chiêm ngưỡng cảnh tượng thật hùng vĩ với các dãy núi cao ngọn phủ băng tuyết lấp lánh. Dưới chân núi là các thung lũng bạt ngàn hoa dại đua nhau khoe sắc chào nắng ấm.

Một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Armenia là hồ Sevan, hồ lớn nhất nước này và cũng là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới nằm ở cao nguyên. Mất gần một giờ đồng hồ xe chúng tôi mới đi hết gần bảy mươi cây số chiều dài của hồ. Nước hồ xanh trong như ngọc bích, ven hồ thỉnh thoảng lại có những tu viện nhỏ cổ kính nhìn đẹp như tranh.

Gần hồ có Noraduz, một nghĩa trang nổi tiếng bởi hàng loạt bia đá được tạo tác như những tác phẩm nghệ thuật. Truyền thống Công giáo lâu đời ở Armenia được thể hiện một phần không nhỏ qua những bia đá được làm vô cùng công phu và tinh xảo này. Nơi nhiều bia đá nhất là ở Noraduz. Trên diện tích chừng 7 hécta có khoảng một ngàn chiếc bia được chạm trổ cầu kỳ. Một số bia rất đẹp được làm từ thế kỷ thứ XVI và XVII khi mà Armenia còn là thuộc địa của người Ba Tư.

Là nghĩa trang cổ nhưng Noraduz khá đông vui. Phía sau bia đá luôn có mấy cụ bà ngồi đợi du khách đến hỏi mua tất hay mũ len do chính họ đan. Còn những cô bé xinh xắn như thiên thần bán hàng lưu niệm thì ríu rít nhảy lò cò quanh các bụi hoa dại sặc sỡ.

Đến Armenia du khách không thể không nghe nhắc đến núi thiêng Ararat, và đứng ở bất kỳ nơi nào tại Yerevan người ta cũng nhìn thấy đỉnh núi huyền thoại này.

Kinh Thánh kể rằng Noah đã dùng một con tàu để tránh bị diệt vong trong trận đại hồng thủy. Ngày nay, trên đỉnh núi Ararat (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn còn dấu tích của con tàu đó. Núi Ararat là núi cao nhất trong vùng và từng là một phần của Armenia cho tới tận khoảng năm 1915, khi nó rơi vào tay nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Người Armenia luôn coi núi Ararat là biểu tượng của họ. Trong con dấu nhập – xuất cảnh của hải quan đóng lên passport của du khách đều có biểu tượng núi Ararat.

Do Armenia và Thổ Nhĩ kỳ vẫn hận thù nhau đến giờ nên Thổ Nhĩ Kỳ không mở cửa biên giới cho người Armenia qua. Vì thế phần lớn dân Armenia chỉ có thể nhìn thấy mà không thể đến được Ararat. Có giai thoại kể là khi Armenia đưa hình Ararat vào quốc huy, người Thổ Nhĩ Kỳ đã cho là Armenia vi phạm chủ quyền và phản đối. Liên Xô khi đó đại diện cho Armenia trả lời rằng: “Vậy Thổ Nhĩ Kỳ có hình mặt trăng trên quốc huy thì sao, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có định đòi chủ quyền với mặt trăng không?”.

Chuyện kể cho vui nhưng người hướng dẫn của chúng tôi thì có vẻ ngậm ngùi. Điều an ủi theo anh là: “Tuy không còn được chạm tay vào Ararat song chúng tôi có góc nhìn đẹp nhất đến ngọn núi này. Dù thế nào đi nữa thì núi thiêng vẫn luôn là thánh địa trong tim người Armenia…”.

Theo Doanhnhansaigon

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt