Dùng ánh sáng tự nhiên: Đây là thứ ánh sáng lý tưởng nhất khi chụp đồ ăn, nhưng bạn cần biết cách tận dụng một cách hợp lý.
Nếu ở nhà hàng, hãy đặt trước để chọn bàn gần cửa sổ. Nếu không, bạn có thể chọn bàn gần cửa ra vào để có ánh sáng. Nếu chụp ảnh món ăn đường phố, hãy chọn nơi bạn có nhiều ánh sáng tự nhiên nhưng không bị nắng rọi trực tiếp. Thời điểm vàng để chụp là một giờ trước khi mặt trời lặn với thứ ánh sáng mềm mại mượt mà.
Nên dùng đèn flash hay không? Về cơ bản, bạn không nên dùng đèn flash khi chụp đồ ăn, mà có thể thay bằng ánh nến nếu không đủ sáng. Nếu bắt buộc phải dùng, bạn có thể thử cách phản sáng từ trần nhà hoặc một tấm bảng trắng. Ngay cả một thực đơn trên nền giấy trắng hoặc một chiếc đĩa trắng cũng có thể dùng làm tấm phản sáng.
Sáng tác: Việc bạn chụp bằng một chiếc máy chuyên nghiệp giá vài chục ngàn USD hay một chiếc điện thoại vài triệu không quan trọng lắm. Điều quan trọng là chụp như thế nào.
Bạn nên chụp nhiều kiểu từ nhiều góc độ khác nhau. Một số món ăn trông ấn tượng khi chụp cận cảnh, một số món khác thì không.
Nếu chụp trước khi ăn, bạn có thể bắt đầu chụp những thứ có sẵn trên bàn như ly tách, dao nĩa… Nếu có người cùng bàn, hãy để họ tương tác với đồ ăn bằng tay hoặc dao nĩa. Bức ảnh sẽ sống động hơn khi có dấu ấn của con người.
Quy tắc không làm phiền: Bạn sẽ gây chú ý nếu quá tập trung vào việc chụp hình trong một quán ăn. Bởi vậy, hãy đặt giới hạn 30 giây để chụp một món. Nếu cần thêm thời gian, bạn có thể nói với đầu bếp, chủ nhà hàng hoặc người phục vụ về mục đích chụp ảnh của mình. Nếu may mắn, họ còn cho phép bạn vào bếp chụp những bức ảnh độc đáo trong lúc họ đang tác nghiệp.
Tuy nhiên, bạn cũng nên để ý xem khi nào nên chụp, khi nào không. Nếu đến một nơi bạn không biết tiếng, hãy quan sát ngôn ngữ cử chỉ của họ để biết khi nào họ nói “không”.
Mang đồ gọn nhẹ: Người xung quanh sẽ thấy khó chịu nếu bạn chụp ảnh với lỉnh kỉnh phụ tùng ở giữa phố. Bởi vậy khi đi du lịch, bạn nên mang càng ít đồ càng tốt và chỉ mang những thứ thực sự cần thiết.