Theo Amusing Planet, vùng núi Tana Toraja, South Sulawesi ở Indonesia có một bộ lạc mang tên Toraja. Bộ lạc này tin vào thuyết vạn vật hữu linh, tức là mọi vật nuôi, cây cối, thậm chí cả vật vô tri vô giác đều có linh hồn. Đây cũng là một trong những nơi có nghi thức an táng kỳ lạ.
Tang lễ là một sự kiện quan trọng đối với người Toraja. Đây là dịp để cả gia đình và dân làng tụ họp, tăng cường tinh thần đoàn kết, và tôn vinh truyền thống của bộ lạc. Mỗi đám tang kéo dài trong vài ngày. Khi một người Toraja qua đời, gia đình phải thực hiện một vài nghi lễ gọi là Rambu Solog trong nhiều ngày. Các nghi lễ này không diễn ra ngay sau khi người thân vừa chết, vì họ thường không đủ tiền trang trải chi phí cho đám tang. Vì vậy họ phải đợi hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm để góp đủ tiền. Trong thời gian này, xác chết chưa được chôn mà chỉ ướp và cất giữ trong nhà. Khi tang lễ chưa kết thúc, người này chưa được coi là người chết, mà đơn giản vẫn là đang ốm.
Khi gia đình góp đủ tiền, các nghi lễ chính thức bắt đầu. Họ mổ trâu và lợn trong tiếng nhạc và các điệu múa rộn ràng. Các thanh niên hứng tiết phụt ra bằng những ống tre dài. Người chết càng có uy tín thì số lượng trâu và lợn được mổ càng nhiều, có thể đến hàng chục con trâu và hàng trăm con lợn. Sau đó, số thịt này được chia cho khách đến dự tang lễ.
Người Toraja hiếm khi chôn người chết. Họ thưởng để thi thể trong những hang đá được trổ ở rìa núi. Các ngôi mộ này thường rất đắt đỏ và mất vài tháng mới làm xong.
Một hình nộm gỗ gọi là Tau tau tượng trưng cho người chết được đặt ngoài cửa hang, nhìn ra xung quanh.
Một cách an táng khác là bỏ xác chết vào quan tài bằng gỗ rồi treo trên vách đá. Các cỗ quan tài thường được trang trí cầu kỳ. Qua thời gian, gỗ quan tài bị mục, hài cốt rơi xuống và lẫn vào trong đất.
Trẻ em không được chôn trong hang hoặc treo trên vách đá mà được chôn trong một thân cây rỗng. Nếu đứa trẻ qua đời trước khi mọc răng, xác sẽ được bọc trong một tấm vài rồi đặt bên trong thân cây đang lớn. Lỗ hổng được bịt lại.
Theo thời gian, cây lớn lên, lỗ hổng liền miệng và người ta tin rằng đứa trẻ đã được cây hấp thụ. Một cái cây có thể được dùng để chôn hàng chục em bé.
Sau khi chôn cất, khách khứa ăn uống rồi ra về, nhưng nghi lễ vẫn chưa hoàn thành. Sau vài năm, vào tháng 8, họ thực hiện một nghi lễ khác có tên Ma’Nene. Xác chết được khai quật và rửa sạch, mặc quần áo mới...
Mặt được sơn sửa, rồi được đưa đi quanh làng như zombie.
Phong tục ma chay của người Toraja ngày nay trở nên nổi tiếng, thu hút hàng ngàn du khách và các nhà nhân chủng học đến đảo mỗi năm. Từ năm 1984, Tana Toraja được Bộ Du lịch Indonesia coi là là điểm du lịch quan trọng thứ hai chỉ sau Bali.
Theo Zing