Dinka là bộ lạc nằm tại phía nam Sudan, từng sống tới 10 thế kỷ ở cả hai bên bờ sông Nile, giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ thuộc nhóm Nilo-Saharan.
Khoảng 3.000 năm trước công nguyên, những bộ lạc chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, cày cấy định cư tại miền nam Sudan. Dinka là một trong số này và dần phát triển.
Những năm 1800, bộ lạc tự bảo vệ khu vực của mình bằng cách chống lại đế quốc Ottoman và từ chối việc cải đạo sang Hồi giáo.
Ngoài nguồn sống chính là làm nông nghiệp, những thành viên bộ lạc nơi đây còn đánh bắt cá để cải thiện nguồn dinh dưỡng. Họ cũng mua bán, trao đổi các loại lương thực. Đàn ông Dinka chủ yếu lo nhiệm vụ chăn nuôi, dùng tro phân bò để xua đuổi muỗi.
Người Dinka truyền thống thường không mặc quần áo. Trong đó, nam giới chỉ đeo chiếc đai quanh cổ và đặc biệt quan tâm tới các hình vẽ trên cơ thể. Còn phụ nữ khoác tấm da dê nơi thắt lưng, cạo đầu và lông mày, chỉ để lại một chùm tóc nhỏ.
Theo thời gian, những phụ nữ trẻ tuổi dần thích nghi với một số trang phục từ các thị trấn láng giềng còn đàn ông có thể mặc cả áo dài giống người phương bắc.
Ngày nay, chỉ còn khoảng 3 triệu dân Dinka tồn tại, chia thành 21 nhóm khác nhau. Mỗi nhóm lại có tộc trưởng lãnh đạo. Trước đây, bộ lạc Dinka không sống trong những khu làng mà du canh, du cư theo nhóm gia đình, số lượng từ 1-2 cho tới cả trăm hộ.
Các thành viên tin vào thần thánh duy nhất gọi là Nhialic, xem đó là nguồn cội của mọi suy nghĩ cũng như sự sống. Hai nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim có tên Carol Beckwith và Angela Fisher với kinh nghiệm trên 30 năm đã khám phá vùng đất này, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc thường ngày cũng như các nghi lễ đặc trưng của bộ lạc người châu Phi.