Ga Hàng Cỏ
Tên ga Hàng Cỏ có nguồn gốc từ tên phố, nơi có khu đất hoang dùng làm nơi bán có nuôi ngựa. Bức ảnh quý không chỉ ở chỗ nó lưu lại hình ảnh ban đầu của nhà ga với một khối nhà chính và hai cánh một tầng hai bên, mà còn chứng minh cho sự tồn tại của cái chợ cỏ gần đó qua hình ảnh những phụ nữ rảo bước với gánh cỏ trên vai.
Năm 1902 khi khánh thành Cầu Doumer (tức cầu Long Biên) qua sông Hồng thì ga Hàng Cỏ hoàn thành, đưa vào sử dụng với những ki-lô-mét đường sắt đầu tiên sang Gia Lâm.
Lúc đầu ga Hàng Cỏ nằm trong diện tích hơn 21 ha, trong đó diện tích xây dựng là 105.000m2 nhà cửa, còn là sân ga, đường sắt, các nhánh đường cho các đoàn tàutránh nhau, ăn khách, dỡ hàng.
Là nhà ga xuất phát của con đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường Hà Nội - Hải Phòng (1903), Hà Nội - Lào Cai (1905). Cùng với sự phát triển của mạng lưới đường sắt, quy mô nhà ga cũng thay đổi. Hai cánh được nâng nên thành hai tần nối với hai khối nhà mới.
Cửa chính ga Hà Nội với chiếc đồng hồ tồn tại đến tháng 12-1972. Trong cuộc tập kích 12 ngày đêm hủy diệt Hà Nội bằng đường không của Mỹ sảnh chính của nhà ga đã bị phá hủy. Sau đó, sảnh được xây lại theo kiến trúc mới vào năm 1976 và hoàn thành vào đúng dịp thông tuyến đường sắt Thống Nhất, nối hai miền Bắc - Nam sau 30 năm chia cắt.
Giờ chẳng còn mấy ai gọi nhà ga cổ ấy là ga Hàng Cỏ, nó đã được đổi tên thành ga Hà Nội từ năm 1976. Nhưng mỗi khi những người lớn tuổi gọi nhà ga bằng tên cũ, trong kí ức ta lại hiện về những kỉ niệm khó phai của một thời xa lắc.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên được công ty Daydé và Pillé khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1903. Vào thời điểm đó Long Biên là một trong 4 cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật ở Viễn Đông. Còn được gọi là cầu Doumer, cây cầu thép có tuyến đường sắt chạy qua này đã trở thành mạch nối qua sông Hồng, đến Lào Cai và sang Trung Quốc.
Với chiều dài 1.682m, cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ được kết cấu theo kiến trúc của tháp Eiffel, cây cầu được ví là tháp Eiffel nằm ngang sông Hồng.
Hơn 100 năm trôi qua, dấu chân thời gian đã làm cây cầu "già nua" đi nhiều nhưng giá trị quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Đất nước thay đổi, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn trong lòng mỗi người cả những thế hệ mai sau.
Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân là hậu thân của hai chợ cổ ở Thăng Long xưa, đó là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Cả hai chợ này đều ở bên bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền tấp nập. Năm 1889, Pháp cho lấp sông Tô, dồn hai chợ nói trên vào khu đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân xưa ở phường Đồng Xuân, tổng Hậu trúc, sau đổi thành tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Chợ xưa kia nằm bên lề của phố Đồng Xuân. Phố này còn có tên là phố Hàng Gạo. Sau Cách mạng tháng 8 – 1945, ta đã đặt tên là phố Đồng Xuân, tiếp nối là phố Hàng Giấy, thông sang phố Hàng Đường.
Từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vào phố Hàng Đào, qua phố Hàng Ngang, Hàng Đường là tới phố Đồng Xuân, chợ ở về bên dãy lẻ của phố.
Sau năm 1954, thành phố cho sửa sang lại, lợp lại mái tôn, sắp xếp lại bố cục bên trong, nhưng vào năm 1994 chợ bị cháy lớn, phải xây lại mới, 3 tầng như hiện nay.
Chợ Đồng Xuân trải qua nhiều biến đổi, từ mảnh đất rào tre nứa có 5 quán chợ, cho đến ngày nay đã được dựng mới hoàn toàn, vẫn trên nền chợ cũ.
Chợ Đồng Xuân có cách nay một thế kỷ. Chợ Đồng Xuân là chợ to lớn, sầm uất nhất Thủ đô Hà Nội, đáp ứng sự giao lưu buôn bán không chỉ cho Thủ đô mà còn là nơi cung cấp hàng hoá cho các tỉnh.
Bách hoá Tràng Tiền
Năm 1808, nhà Nguyễn cho lập xưởng đúc tiền ở thôn Tràng Tiền nên có tên gọi Tràng Tiền (hay Trường Tiền). Tràng Tiền xưa thuộc đất làng Cựu Lâu, huyện Thọ Xương. Tràng này đúc cả tiền đồng lẫn tiền kẽm. Không biết vì lý do gì mà chính quyền nhà Nguyễn chỉ tuyển phụ nữ.
Trung tâm Thương mại Tràng Tiền thời Pháp có tên là Nhà hàng Godard do Liên hiệp Thương mại Đông Dương và châu Phi (viết tắt là LUCIA) xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1958, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì 49 quầy hàng trong Godard được dọn hết, dù trước đó, đầu thập niên 50 họ mua lại của chủ Godard. Tháng 9/1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp. Cũng có người gọi là Bách hóa Tràng Tiền vì nó nằm trên phố Tràng Tiền.
Đầu tháng 9/1960, Bách hóa Tổng hợp khai trương, người đứng chờ vào xem cửa hàng thương nghiệp quốc doanh vốn xa lạ với người dân đông cứng vỉa hè phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng và Tràng Tiền.
Khi nhân viên mở cửa, dân chen chúc xô nhau đến nỗi nhiều người mất cả giày dép đành phải đi chân trần vào bách hóa. Nhân viên bảo vệ gom lại thành 3 đống giày dép lớn ngoài vỉa hè. Xem xong, họ đi ra bới đống dép tìm nhưng do nhiều đôi giống nhau nên đành xỏ đại một đôi.
Bây giờ thì xưởng đúc tiền từ đầu thế kỷ XIX đã trở thành Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, nhộn nhịp kẻ bán người mua với hàng hóa được sản xuất từ nhiều nước trên thế giới. Hình ảnh một Bách hóa Tổng hợp giờ chỉ còn trong ký ức của những người trung và cao tuổi.
Theo Dantri