1. Vùng biển nguy hiểm
Quảng Bình tạm thời cấm du khách tắm biển. Ảnh: Timeout |
Để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch biển, du khách nên lựa chọn những địa điểm đi an toàn và thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, thời tiết về những địa điểm đó.
Du khách nên tránh đến những vùng biển đã được cảnh báo nguy hiểm, cát dễ sụt lún hoặc những nơi có biển báo. Không nên cố gắng tìm kiếm, khám phá những địa điểm du lịch hoang sơ bởi những khu vực đó thường có ít thông tin, dẫn đến nhiều nguy hiểm tiềm tàng không thể lường trước được.
Tránh những địa điểm hiện đang bị cấm tắm biển. Chẳng hạn như tại vùng biển Quảng Bình, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo tạm thời cấm du khách và ngư dân tắm biển để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc trong khi cơ quan chức năng chưa tìm ra mức độ ô nhiễm của nước biển.
2. Dòng chảy ngược
Dòng chảy ngược. Ảnh: Internet |
Điều tiếp theo du khách cần chú ý khi đi du lịch biển là dấu hiệu của hiện tượng “dòng chảy ngược”. Đây là một trong những nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Khi gặp hiện tượng này, người biết bơi sẽ bị cuốn ra xa bờ, dẫn đến tình trạng bị hoảng loạn và chết đuối do bị kiệt sức khi cứ cố gắng bơi ngược lại dòng chảy.
Dấu hiệu dòng chảy ngược:
Trước khi xuống biển, du khách nên dành khoảng 5-10 phút để quan sát mặt biển. Nếu thấy các trường hợp sau thì cần chú ý:
– Màu nước đậm hơn so với bình thường.
– Mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn, nhìn có vẻ rất an toàn, hoặc có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy ngược và trôi ra biển.
Lời khuyên:
– Không bơi ra xa khỏi nơi có biển báo an toàn.
– Khi bị cuốn vào dòng chảy ngược phải bình tĩnh, quan sát, giơ tay lên cao để xin được cứu hộ, không cố gắng bơi ngược vào bờ. Nếu tự tin, du khách hãy bơi song song với bờ biển, thường dòng chảy sẽ hướng đến chỗ có sóng đánh vào bờ và khi đó du khách có thể bơi vào bờ.
– Không chủ quan: Vào những ngày sóng lớn, có ít người bị chết đuối hơn vào những ngày sóng lớn do chủ quan.
3. Sứa độc
Sứa biển tiềm ẩn những mối nguy hại cho sức khỏe du khách. Ảnh: Internet |
Tại những bãi biển mới được khai thác đưa vào sử dụng và dịch vụ du lịch thì sứa độc là một trong những mối đe dọa nguy hiểm cho du khách. Chính vì vậy, du khách nên mặc một bộ quần áo bơi kín người để đề phòng rủi ro. Nhưng nếu chẳng may bị sứa chích phải thì cũng nên bình tĩnh và lập tức bôi dấm vào vết thương, hoặc dùng nước biển rồi lấy cát đắp lên để làm hạn chế nọc độc của sứa. Sau đó lập tức đến trạm y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra vết thương.
4. Không nên xuống tắm biển khi:
Nếu du khách đã phơi nắng quá lâu thì không nên xuống tắm biển. Ảnh: Internet |
- Nếu du khách đã phơi nắng quá lâu thì không nên xuống tắm biển, bởi, khi đó cơ thể đang toát mồ hôi, xuống nước trong điều kiện này sẽ khiến du khách rất dễ bị cảm.
- Ăn quá no hay để bụng quá đói sẽ rất gây hại cho cơ thể.
- Trước khi xuống nước du khách nên khởi động, nhưng không nên khởi động quá sức mà chỉ nên tập những động tác vừa đủ, nhẹ nhàng.
- Không xuống tắm nếu nhiệt độ dưới 18 độ C.
- Nếu du khách có trẻ nhỏ thì nên để trẻ nhỏ mặc áo phao để đảm bảo an toàn bởi nhiều nơi có sóng biển rất to.
- Những nơi xa bờ quá 15m hoặc sâu quá 5m cũng là địa điểm không hề an toàn.
- Không nhảy ùm xuống nước và tắm quá lâu ngay lần đầu xuống biển mà du khách nên xuống nước từ từ, không nên lao mình xuống ngay và lần xuống nước đầu tiên không quá 15 phút.
5. Khi nào lên bờ?
Với một số trường hợp dưới đây, du khách nên quay lại bờ ngay lập tức để tránh những rủi ro không đáng có như:
- Cơ thể ngứa ngáy.
- Cảm thấy lạnh.
- Thấy mệt mỏi khác thường.
- Nhức trán hoặc sau gáy.
- Bị chuột rút.
- Rối loạn thị giác.
- Có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.
- Có dấu hiệu phần da ở ngón tay hay ngón chân bị sun.
6. Hải sản
Du lịch biển không thể thiếu những món hải sản thơm ngon và bổ dưỡng. Ảnh: Internet |
Du lịch biển du khách không thể không thưởng thức những món hải sản thơm ngon, bổ dưỡng được, nhưng du khách cũng cần phải lưu ý lựa chọn những loại hải sản tươi cơ bản như:
- Cua: Khi chọn cua, nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Nên chọn con thật tươi, nhìn yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe mạnh, linh hoạt, gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên.
- Ghẹ: Không nên chọn con quá lớn, con vừa phải sẽ nhiều thịt và ngon hơn. Chọn những con thật chắc, bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún.
- Tôm: Thân tôm phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.
- Cá: Mắt cá phải tươi, hai mắt sáng và linh hoạt. Một số loại cá, mắt có thể lồi ra một chút. Nếu ấn nhẹ vào mình cá mà thịt lại bật trở lại về nguyên trạng thì đó là cá tươi vì thịt cá có tính đàn hồi. Mang cá màu đỏ hoặc hồng là cá tươi và đầy sức sống. Một con cá tươi phải có vảy xếp chặt khít và sáng bóng. Da cũng không được có bất cứ nốt lấm chấm nào.
- Mực: Du khách nên chọn mực tươi nên chọn con to, dày mình, trắng đục như cùi dừa, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang còn mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.
Lựa chọn tốt nhất cho du khách khi mua hải sản là dậy thật sớm, đón bình mình trên biển và đến những con thuyền vừa cập bến, đó là khi những lưới đánh bắt hải sản được tươi ngon nhất.
Phương Long