Rừng để cắm trại chia thành từng khu vực riêng biệt gọi là những campsite, được đánh số thứ tự ngay lối vào. Mỗi campsite rộng khoảng vài kilômet vuông và thường có một khúc sông hay con suối nhỏ để những người đi cắm trại có thể tận hưởng thú vui Lã Vọng. Từ xa lộ, để đến được các campsite, người ta phải đi qua một con đường đất ngoằn ngoèo. Hai bên đường chỉ có bãi cỏ trải dài vô tận và mấy bụi cây rậm đầy bí ẩn. Thỉnh thoảng, một hoặc vài con kangaroo hay đà điểu hoang chạy vút qua trước mặt chúng tôi rồi nhanh chóng mất hút trong rừng.
Vào những ngày nghỉ, đặc biệt trong những ngày lễ lớn như Phục sinh, người ta đi cắm trại rất đông, có khi kín cả một góc rừng. Nhờ đi vào ngày thường chúng tôi dễ dàng chọn được một campsite rất đẹp, thật hoang dã với những cây đại thụ tỏa bóng mát cả một vùng, và một khúc sông nước xanh trong như ngọc với mấy chú bồ nông trắng to lớn đang bơi hiền hòa.
Theo Dave, anh bạn người Úc đi cùng, kể từ lúc này chúng tôi sẽ có một ngày sống cách biệt hẳn với thế giới hiện đại. Bởi ở đây hoàn toàn không có điện, sóng di động lại càng không, những tiện ích bình thường khác cũng trở thành xa xỉ. Thậm chí muốn đi vệ sinh cũng phải tự “xử lý tình huống” ở một gốc cây gần đó. Càng hay! Thỉnh thoảng cũng nên sống một ngày như thế để thấy quí hơn những gì mình đang có. Dave cho biết trẻ em ở Úc rất thường được cha mẹ cho đi cắm trại, không chỉ để chúng được vui chơi, gần gũi với thiên nhiên, kích thích sự say mê học hỏi mà còn tạo cho chúng tính tự lập.
Khoe “chiến lợi phẩm” - một chú cá chẽm Chúng tôi bắt tay dựng lều. Nhờ có Dave vốn rất chuyên nghiệp trong những hoạt động dã ngoại, công việc ấy dễ như trở bàn tay. Một cái lều dành cho hai người có cả cửa sổ và cửa chính, ấm áp đến nỗi chỉ muốn chui ngay vào bên trong để tận hưởng cảm giác bình yên như đang ở nhà. Để tạo sự thoải mái tối đa cho những người đi cắm trại xa, người ta sản xuất cả những loại lều trại lớn cho gia đình, với hai hoặc ba phòng ngủ.
Mùa thu ở Úc trời khá lạnh nên không thể trải bạt xuống đất mà ngủ được. Có sẵn bơm hơi loại đạp bằng chân, chúng tôi thay phiên nhau bơm hơi vào tấm nệm dày hơn một gang tay. Khi chỗ cư trú qua đêm đã tạm ổn, chúng tôi bắt tay vào việc sửa soạn đồ nghề chuẩn bị cho phần thú vị nhất trong ngày: câu cá.
Cần câu, dây câu, lưỡi câu, phao..., tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn trừ mồi câu. Nhưng chỉ có những tay mơ mới mua mồi làm sẵn. Dưới sự hướng dẫn của Dave, chúng tôi lấy một cái trúm bằng lưới mềm, đặt vào bên trong một cục xà bông nhỏ, xong thả xuống sông chỗ gần mép nước. Khoảng hơn 20 phút sau nhấc cái trúm lên đã thấy lách chách bên trong mấy con tép lớn nhỏ. Khả năng hút mồi của cục xà bông quả là đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên sáng sớm hôm sau thức dậy, sự ngạc nhiên của chúng tôi còn tăng lên gấp bội khi thấy trong trúm đã có hơn chục con tôm sông to trùi trũi nằm huơ huơ càng.
Chọn những con tép lớn nhất móc vào lưỡi câu, chúng tôi bắt đầu câu cá. Chắc chắn là có cá cắn câu thôi, Dave khẳng định như thế. Điều này cũng thật dễ hiểu: chỉ có vài người chúng tôi “sở hữu” cả một khúc sông dài, không câu được cá mới là chuyện lạ. Cá cắn câu thậm chí còn sớm hơn dự đoán của Dave. Một con cá khá lớn mắc vào lưỡi câu khiến tôi loay hoay mãi mới lôi được lên bờ, nhưng Dave đã cầm con cá ném ra xa. Hóa ra ở Úc người ta không ăn cá chép.
Ở trong rừng có một ngày thôi mà tôi biết thêm được thật nhiều điều, đặc biệt là sự tôn trọng luật pháp và ý thức tự giác của người Úc. Nếu câu được một con cá chưa đạt tới kích thước và trọng lượng qui định, người ta luôn tự giác thả lại xuống sông hay xuống biển. Và mặc dù đang ở giữa rừng, xung quanh không một bóng người, Dave vẫn nhặt hết mấy vỏ bia và hộp bánh bỏ vào túi xốp để sau đó “vứt có nơi có chỗ”. Ở Úc, theo Dave, nếu vi phạm bất cứ qui định nào của nhà nước cũng sẽ bị phạt rất nặng. Sự chấp hành nghiêm nâng dần thành ý thức tự giác.
Cuối cùng chúng tôi cũng câu được một con cá chẽm thật to. Lượm củi khô chất vào vòng thiếc ai đó làm sẵn khi đến đây cắm trại, chúng tôi đốt lên lấy than để nướng cá. Vị ngọt của cá tươi thưởng thức trong rừng hôm ấy ngon hơn bất cứ ở một nhà hàng cao cấp nào tôi đã từng ăn, còn mùi cá nướng lan tỏa trong khí trời lành lạnh của mùa thu nước Úc khiến tôi cứ ước được tìm thấy một lần nữa trong đời.
Tuy nhiên, điều đáng nhớ nhất trong chuyến cắm trại trong rừng lần này không phải là chuyện câu cá buổi trưa hay cuộc dạo chơi trong rừng buổi chiều gặp thú hoang hay những loài cây cỏ lạ. Buổi tối nằm ngủ trong rừng sâu, ánh trăng sáng vằng vặc, bầu trời lấp lánh với hàng triệu ngôi sao, tiếng gió thổi làm những tán lá cây xào xạc trong đêm, tiếng con mang tác xa xa hay bước chân của con chồn đi ăn đêm bước gần đến trại mới là những thứ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất với những ai từng một lần được cắm trại trong rừng ở Úc.
Theo Tuổi Trẻ