Sau đây là những tâm sự, kỉ niệm của Wang trên hành trình chinh phục và chụp những bức ảnh tuyệt đẹp về các tuyến đường sắt ở Trung Quốc. Có lẽ, đây là những bức ảnh hiếm hoi và quý giá.
Cầu sông Long Giang, Liễu Châu, Quảng Tây
Nhiếp ảnh gia Wang Wei cho biết: “Cầu Long Giang là cây cầu thép bắc ngang con sông Long Giang xinh đẹp. Chuyến tàu sẽ đưa bạn qua địa hình karst với nhiều loài thực vật phong phú. Để chụp bức ảnh này, tôi phải trèo lên một bên đồi có nhiều loài cây có gai và đã ngã vào một hố sâu 2m. Rất may là tôi ổn".
Núi Aer, Mông Cổ
Đoàn tàu trong ảnh đi qua địa phận núi Aer, Mông Cổ. Wang cho biết, anh chụp bức ảnh này vào tháng 7, khi mùa hoa cải dầu nở bung. "Tôi phải dậy từ lúc 4 giờ sáng khi trời đầy sương mù. Thật không dễ dàng để chụp được ảnh một đoàn tàu đi trong sương, nhưng khung cảnh này trông giống như vùng đất thần tiên vậy. May mắn là đoàn tàu di chuyển thật chậm, do đó tôi có thời gian để "bắt" được những khoảnh khắc tốt”.
Đường sắt Jitong, Mông Cổ
Từ năm 1970, những chiếc tàu hỏa chạy bằng đầu máy hơi nước đã dần bị loại bỏ ra khỏi Trung Quốc. Cái cuối cùng còn hoạt động là tàu lửa Qianjin (ảnh chụp ở đường sắt Jitong, Mông Cổ, năm 2005).
Tháng 12 hàng năm, sẽ có một đoàn tàu Qianjin đặc biệt chạy trong Lễ hội chụp ảnh tàu hỏa Jitong. Ngày hội này thu hút hàng ngàn người yêu thích đầu máy hơi nước đến Mông Cổ mỗi năm.
Lễ hội chụp ảnh xe lửa Jitong
Wang cho biết: “Đầu máy xe lửa này thuộc về công ty đường sắt Jitong. Công ty đã mua hơn 120 đầu máy xe lửa trên toàn Trung Quốc vào những năm 1990 để chuyên chở hàng hóa. Cho đến nay, Jitong là tuyến đường sắt cuối cùng dành cho đầu máy xe lửa trên thế giới".
Cầu Tuowengai, Nam Tân Cương
Chia sẻ về bức ảnh này, Wang tâm sự: “Thật tuyệt vời khi lấy được cả thiên hà và đoàn xe lửa chỉ trong một bức ảnh. Thông thường khi bạn muốn chụp các vì sao, nên chọn lúc không có trăng hoặc ánh điện vì ánh sáng tỏa ra sẽ che khuất những vì sao. Tôi đã kiểm tra cả lịch âm để xác định thời gian tốt nhất để chụp ảnh. Bức ảnh này được chụp lúc 5 giờ sáng ngày 10/12”.
Núi Tianshan, Nam Tân Cương
Đường sắt Nam Tân Cương chạy qua núi Tianshan đã bị đóng cửa vào đầu năm 2015. Rất may, Wang đã kịp chụp khung cảnh quyến rũ ở vùng đất này khi chuyến tàu lửa đi ngang qua. Anh chia sẻ: "Sự quyến rũ của đường sắt này nằm ở những cảnh quan khác nhau bao gồm: sa mạc, những ốc đảo, thung lũng và núi tuyết."
Badaling, Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh
Trong ảnh là ga tàu Qinglongqiao, đây là một phần của đường sắt Jingzhang (Bắc Kinh - Zhagjiakou) đầu tiên của Trung Quốc, được xây dựng năm 1908. "Tôi có tình cảm sâu nặng với nơi này. Tôi đã lớn lên gần đường tàu và bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên tại đây. Tôi nghĩ rằng, bức ảnh phơi sáng này ghi lại cảnh tuyệt đẹp về tuyến đường sắt cổ khiến tôi hài lòng nhất” - Wang nói.
Địa hình Danxia, sa mạc Gobi, Nam Tân Cương
Theo Wang: “Khi tàu du lịch đi qua sa mạc Gobi, những cảnh sắc thường trở nên nhàm chán. Nhưng địa hình Danxia ở đây đã kích thích niềm đam mê cái đẹp trong tôi. Ngọn núi bị xói mòn tự nhiên có sự pha trộn màu sắc giữa đỏ, vàng, xám và trắng. Tấm ảnh này được chụp khi cha tôi và tôi lái xe ngay sau đoàn tàu đi từ Akzo để Kashi.”
Cáp Nhĩ Tân – đường sắt cao tốc Daqing, Hắc Long Giang
Đoàn tàu được chụp ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi lạnh nhất ở Trung Quốc. Tác giả tấm ảnh cho biết, anh đã chụp bức ảnh này khi nhiệt độ ngoài trời là -42,5 độ C. "Mũi của tôi đã tê cóng bởi băng vì chờ đợi đoàn tàu quá lâu. Thậm chí tôi còn không nhận ra chúng đã chuyển sang màu tím. Tuy nhiên, khi nhìn thấy đoàn tàu cao tốc CRH38B từ đằng xa đang tiến lại gần, tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục chờ đợi và chụp những bức ảnh đẹp” - Wang chia sẻ.
Mỏ than đá Jalanur, Manzhouli, Mông Cổ
Wang bắt đầu "săn tìm" những chuyến tàu hơi nước từ năm 2006. Đến tháng 1/2009, anh mới có bức ảnh ưng ý về đoàn tàu hơi nước. Đây là đoàn những đoàn tàu CQJC có từ năm 1960 được dùng trong một mỏ than đá năm 1902. "Ngày nay, những đầu máy xe lửa này đã ngừng hoạt động, nhưng trong mỏ than đá Jalanur vẫn còn tích trữ khoảng 30 đầu máy thế này”, Wang cho biết.
Cầu Ren Zi, đường sắt Côn Minh – Hà Khẩu
Đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu là một phần của tuyến đường sắt Vân Nam - Việt Nam, do Pháp xây dựng trong khoảng thời gian từ 1904 – 1910. Đó là tuyến đường sắt duy nhất có quy mô nhỏ hẹp ở Trung Quốc. Wang nói: "Tôi đã rất ngạc nhiên khi đến đây. Cây cầu Ren Zi đã có lịch sử hơn 100 năm và trở thành biểu tượng của ngành đường sắt Trung Quốc."
Để xây dựng tuyến đường sắt này, các công nhân đã rất vất vả, đương đầu với nhiều nguy hiểm. "Họ phải treo mình trên dây thừng thả xuống từ đỉnh núi. Do công nghệ thô sơ và địa hình hiểm trở, nhiều người đã ngã xuống và mất mạng”.
Nancha, rặng núi Khingan Nhỏ
"Trong suốt đợt nghỉ tháng 10/2010, tôi và một người bạn đã lên một chuyến tàu dài 5 tiếng đi từ Cáp Nhĩ Tân tới Nancha, một thành phố nhỏ gần các khu rừng ở núi Khingan Nhỏ. Những chuyến tàu trước và sau đợt nghỉ lễ siêu đông người, bởi vậy chúng tôi phải đứng suốt trên quãng đường. Chúng tôi đến nơi lúc 4 giờ sáng và trèo lên một ngọn đồi cao 200m chỉ với một chiếc đèn pin. Và chúng tôi đã nhìn thấy đoàn tàu chạy diesel HXN5 trong suốt 30 phút sau đó. Bức ảnh đã ra đời trong hoàn cảnh đó".
Rặng núi Khingan
Rặng núi Khingan là một trong những nơi lạnh nhất ở Trung Quốc, nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở nơi đây khoảng -28 độ C. Wang kể: "Tuyết sâu đến đùi tôi, vì vậy rất khó để đi bộ. Trong khi chụp những bức ảnh ở rặng núi Khingan, chân, mũi và tai của tôi đều bị tê cóng. Tuy nhiên, khu rừng được tuyết bao phủ trông rất đẹp và lãng mạn. Đây là bức ảnh chụp đoàn tàu K1301 trên nền rừng trắng xóa. ”
Núi Trường Bạch, hồ Tùng Hoa
“Đường sắt Hunbai dài 217km, vắt qua núi Trường Bạch và hồ Tùng Hoa ở phía đông bắc Trung Quốc. Đường sắt đi qua những đường hầm xuyên núi và cầu bắc ngang qua dòng sông. Theo lịch trình, mỗi ngày có có 3 đoàn tàu chạy trong buổi sáng. Tôi đã dành hơn 1 giờ leo lên ngọn đồi để chụp bức ảnh này. Đây là đoàn tàu K7398 chở khách từ Baihe đến Thẩm Dương - thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh" - Wang nói.
Đường sắt phía tây Hải Nam
Tuyến đường sắt nối đảo Hải Nam với lục địa được xây dựng vào năm 2004. Hiện nay tuyến đường sắt từ thành phố Sanya (phía đông nam Trung Quốc) chạy đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Tác giả bức ảnh tâm sự: "Thời tiết dường như rất khắc nghiệt khi tôi vừa đến Sanya, do đó, lịch trình của các đoàn tàu đã bị hoãn 10-12 tiếng. Tôi đã chụp bức ảnh này vào ngày thứ 5, khi tiết trời trở nên tốt hơn và đoàn tàu đến đúng giờ”.
Trung Quốc có hệ thống đường sắt khổng lồ, dài 120.000 km, là hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ) và có tỷ kệ du khách trên mỗi km cao nhất thế giới. Theo Tổng cục Đường sắt Trung Quốc, năm 2013, có 1.060 tỷ hành khách sử dụng tàu hỏa.
Đã hơn 2 năm kể từ lần CNN phỏng vấn Wang Wei - chàng trai bị cuốn hút bởi những tuyến đường sắt, khi đó anh vừa tốt nghiệp đại học. Từ sau đó, Wang đã trở nên nổi tiếng. Anh cũng được hơn 20 hãng truyền thông Trung Quốc và nước ngoài phỏng vấn. Thậm chí, Wang còn trở thành nhân vật của một bộ phim tài liệu Trung Quốc.
Năm ngoái anh cũng xuất bản 2 cuốn sách tại Trung Quốc. “Chạy theo đường tàu” (Running After Trains) là một cuốn sách ảnh chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nhiếp ảnh của Wang. Cuốn “Đường sắt Jing – Zhang của tôi” (My Jing-Zhang Railway) in ảnh của Wang cùng những bài phỏng vấn người thiết kế và xây dựng đường sắt đầu tiên ở Trung Quốc.
Phương Nga/CNN