Mùa mưa ở Huế thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng chạp, bắt đầu bằng những cơn dông đầu thu ồn ào đến những cơn mưa dầm dai dẳng, lạnh buốt xuyên suốt mùa đông. Những hàng cây rợp bóng, xanh um của mùa hè giờ chỉ còn cành lá khẳng khiu, trơ trụi, xác xơ trong gió đông lạnh lẽo. Con phố nhỏ từng đông vui vào ngày nắng ráo, nay đìu hiu buồn bã, hầu như đóng cửa suốt ngày. Cả thành phố ẩn mình trong mùa đông buốt giá như những con chim trú đông.
Chè bưởi và chè cốm khoai môn. |
Thỉnh thoảng có công việc gì đó, người ta mới chịu khó đi lại trong cái thời tiết khắc nghiệt này. Học sinh, sinh viên thì ngày hai buổi bắt buộc phải đến giảng đường cho dù thời tiết có tồi tệ đến đâu. Học trò buổi sáng băng qua cầu Phú Xuân để đến trường trong cái giá lạnh, ướt át thấm đẫm áo quần, chiều mới về. Các buổi chiều tan học, sinh viên học sinh từng tốp hay sà vào quán chè nóng dọc đường về nhà. Mùi thơm ấm nồng của đủ thứ chè bốc lên, bạn khó mà kiềm lòng. Nhìn những nồi chè bốc khói, sôi đều trên các bếp lửa thật quyến rũ.
Có đủ loại chè cho bạn chọn lựa, như lục tàu xá, chè đậu đỏ, đậu ván đặc, chè môn, đậu xanh đánh, chè bắp, chè chuối… Chè được múc vào chén sành, trên chan nước cốt dừa sóng sánh và rải một ít đậu phụng (lạc) rang.
Vị ngọt đậm xen lẫn béo của nước cốt dừa, bùi của hạt đậu bở tơi đã đánh thức tất cả giác quan của con người đang bị cái lạnh làm cho tê cóng. Vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả, có khi thưởng thức đến vài ba chén, đến chiều về bạn lơ luôn bữa ăn tối.
Bất cứ đâu trong thành phố Huế bạn đều có thể thưởng thức một bát chè yêu thích. |
Thích nhất là món chè đậu ván đặc. Cách nấu của nó rất công phu, phải là người khéo léo mới có thể nấu được chén chè trong suốt, đậu nguyên hạt nhưng mềm thau khi bỏ vào miệng là tan ngay, vừa thơm vừa bùi, ăn một lần nhớ mãi.
Thỉnh thoảng mới có chè môn sáp vàng, một đặc sản của Huế. Đó là giống môn rất quý chỉ có một vài tháng trong năm, nấu chè với nếp thì dẻo và thơm. Chè bắp có vị ngọt thanh của thứ bắp non còn ngậm sữa mới hái từ bãi về. Chè khoai tía nước cốt dừa với màu sắc đẹp, hương vị thơm mát. Chè hột sen bọc nhãn lồng thường dùng trong những dịp lễ lạt, hội hè, có cái vị thanh tao của đường phèn, vị thơm ngát của giống nhãn quý, vị dẻo bùi của hột sen hồ Tịnh Tâm.
Bây giờ người ta ít ăn ngọt nên người nấu chè phải giảm lượng đường, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống của món ăn này. Mỗi lần nhớ về quê, tôi lại hình dung đủ món ăn. Tôi không bao giờ quên những buổi tụ họp rôm rả bên ly chè nóng. Không khí ấm áp của quán chè cộng với niềm vui họp mặt đã xua tan cái giá lạnh, ướt át của trời đất và ước mong mùa xuân ấm áp sắp tràn về.
Theo VnExpress