1. Núi Bà Đen - Tây Ninh
Nằm cách Tp.Tây Ninh 11km về hướng Đông Bắc, núi Bà Đen với chiều cao 986m chính là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ. Mỗi dịp cuối tuần, ngọn núi này lại đón hàng trăm phượt thủ tìm tới chinh phục. Từ xa, núi Bà Đen hiện ra sừng sững như một chiếc nón khổng lồ úp giữa đồng bằng. Ngọn núi ấy vừa mang nét quyến rũ lại vừa mang đầy thách thức đối với những du khách đam mê khám phá.
Núi Bà Đen như một chiếc nón khồng lồ. Ảnh: Internet |
Có nhiều đường để leo núi Bà Đen mà dân phượt thường rỉ tai nhau như: Đường ống nước, đường cột điện, đường chùa… Đường đi nào cũng đầy gian nan và thử thách. Tuy nhiên, sau những bước chân vất vả, du khách sẽ được đền đáp bằng bầu không khí dịu mát nơi đỉnh núi hay phút giây phóng tầm mắt nhìn ngắm một khung cảnh hoang sơ và đầy thơ mộng tại đây.
2. Núi Chứa Chan - Đồng Nai
Thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, núi Chứa Chan với chiều cao 800m so với mặt nước biển là ngọn núi cao thứ hai tại Nam Bộ. Ngọn núi này cách Tp Hồ Chí Minh 110km, là một điểm đến thú vị cho những người yêu leo núi. Núi Chứa Chan nổi tiếng linh thiêng thu hút phượt thủ tìm tới với chùa Bảo Quang cùng cây đa hai gốc.
Đường lên núi Chứa Chan vô cùng gian nan. Ảnh: Internet |
Để đi từ chân núi lên tới chùa hay điểm tọa lạc của cây đa hai gốc một ngọn, du khách có thể men theo những bậc thang đá do nhà chùa xây dựng bằng tiền công quả. Thế nhưng, hành trình chinh phục ngọn núi mới thật sự gian nan khi phải băng qua những lùm cây rậm rạp xuyên qua bụi tre hay qua trảng cỏ… Tuy nhiên, chính những thách thức đó lại tạo ra sức lôi cuốn với các phượt thủ.
Nếu muốn kết hợp giữa việc viếng chùa và leo núi, du khách có thể vào từ cổng chính của khu du lịch núi Chứa Chan. Vượt qua gần 400 bậc đá để đến chùa, từ chùa, du khách sẽ men theo rừng để lên đến đỉnh núi. Tuy nhiên, nhiều phượt thủ lại chọn đường xuất phát từ vùng chân núi vắng vẻ, băng qua những tảng đá lởm chởm để leo lên đỉnh núi. Trên đỉnh là trạm thông tin SK11 – nơi du khách có thể ghé vào để xin nước hay sẽ được hỗ trợ về chỗ ngủ.
3. Núi Bà Rá - Bình Phước
Có chiều cao 723m, Bà Rá là ngọn núi cao thứ ba ở khu vực Nam Bộ. Nằm tại địa phận xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, núi Bà Rá có không gian yên bình, lãng mạn cùng vẻ đẹp hùng vĩ. Từ thị xã Đồng Xoài, du khách có thể di chuyển theo tỉnh lộ 741, ngang qua trung tâm thị xã Phước Long để đến nhà ga cáp treo núi Bà Rá. Qua khỏi nhà ga 500m chính là con đường lên núi.
Núi Bà Rá ẩn hiện trong sương. Ảnh: Internet |
Du khách có thể dùng xe máy để di chuyển lên độ cao khoảng 150m đến đồi Bằng Lăng. Những bậc thang xếp bằng đá tạo thành con đường chính lên núi nằm ở phía bên phải của đồi Bằng Lăng. Hai bên lối đi là những hàng tre đan nhau che mát. Khi lên tới đỉnh núi, du khách sẽ thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh hồ thủy điện Thác Mơ cùng cảnh sắc thơ mộng xung quanh khu vực này.
4. Núi Cấm - An Giang
Núi Cấm có chiều cao 705m, là một phần trong dãy Thất Sơn huyền bí. Ngọn núi này có phong cảnh đẹp mê hồn cùng khí hậu mát mẻ. Các phượt thủ bị núi Cấm thu hút bởi những truyền thuyết đầy bí ẩn quanh nó.
Đường lên núi uốn lượn như một con rắn. Ảnh: Internet |
Nhìn từ xa, con đường đưa du khách lên núi ngoằn ngoèo, uốn lượn như một con rắn nằm vắt ngang từ chân lên tới đỉnh núi. Ở mỗi độ cao, du khách sẽ bắt gặp những điều thú vị khác nhau. Nếu bắt đầu hành trình từ sáng sớm, du khách sẽ thấy những áng mây bay là là trên mặt đất, trải rộng khắp cánh đồng mênh mông.
Lê Long