Mặc dù phải để phía trước xe và ngồi không thoải mái như cũ nhưng nó vẫn quyết tâm mang về cho bằng được. Chạy đêm nên cả nhóm thức dậy khá uể oải và phải đến gần 9 rưỡi chúng nó mới tiếp tục lên đường được. Buộc đồ lên xe xong và chuẩn bị xuất phát thì nó có điện thoại. Một giọng nói quen từ một số điện thoại mà nó đã xóa khỏi danh bạ từ ba tháng trước. Có cái gì đó là lạ bỗng dậy lên trong lòng nó, nhẹ nhàng, lãng đãng, không còn đủ gần để khiến ngực nó nhói lên thêm lần nữa nhưng lại chưa đủ xa để có thể hoàn toàn trôi vào dĩ vãng mà chỉ vừa đủ để con người ta khẽ mỉm cười trước khi trèo lên xe và mang theo nó suốt dọc phần còn lại của cuộc hành trình.
Chúng nó tới thành phố Hà Giang, check nhanh cột mốc số 0 rồi tiếp tục chạy về phía Đồng Văn. Bắt đầu bước chân vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn thì đường đi bắt đầu khó trở lại, đường đèo, hẹp và đặc biệt là sự xuất hiện của các khúc cua tay áo trứ danh, đặc sản đất Hà Giang. Chúng nó chạy qua trạm tiếp sóng truyền hình, núi đôi và cổng trời Quảng Bạ. Cảnh vật đoạn đường này khá đẹp nhưng không thực sự quá ấn tượng đối với nó. Đến trưa, chúng nó dừng lại nghỉ ở một quán nhỏ cuối thị trấn Tráng Kìm. Phải nói là nó khá bất ngờ vì giá cả ăn uống ở đây hoàn toàn không khác gì, thậm chí là rẻ hơn so với nhiều chỗ ở Hà Nội. 4 người chúng nó ăn bánh mỳ xúc xích, mỳ tôm và uống nước mía no nê chỉ hết có 70 nghìn. Anh chủ quán thì cực kỳ nhiệt tình và đối xử với chúng nó như người trong nhà. Ăn xong anh dẫn cả nhóm vào nhà nằm nghỉ lấy sức. Anh bảo “Anh đi xe đường dài rồi nên anh biết. Đang đi giữa đường mà buồn ngủ cũng phải dừng lại ngủ đã rồi mới đi tiếp được”. Nó trải chiếu nằm dưới sàn nhà anh. Thấy không đủ gối, anh vào nhà trong lấy chăn rồi mang ra tận nơi nâng đầu nó lên lót xuống dưới cho nằm nghỉ. Có lẽ nó chưa bao giờ có được 15 phút nghỉ trưa thoải mái như thế.
Chúng nó tiếp tục chạy về phía Yên Minh trên đường lên Đồng Văn. Con đường mà chúng nó đi lúc này là giữa lòng thung lũng, là men theo dòng sông xanh ngắt với từng bụi tre mọc ngay ngắn xen kẽ hai bên bờ, là đi tới những vạt nắng trải dài trên sườn núi ở phía trước, là bỏ lại những thôn bản yên bình ở phía sau và là mang theo nụ cười của một cô bé dân tộc xinh xắn đang vẫy tay chào nó dọc đường. Nó không hề có ý niệm về việc dừng lại mà say sưa để mặc cho bản thân ngất ngây thưởng thức cái hương vị tuyệt vời của cuộc sống ấy cùng với một thứ cảm xúc xa xưa đang nghẹn ngào trỗi dậy. Nếu có một thứ gì đó có thể mang ra để diễn tả cho cái cảm giác của nó bây giờ thì chỉ có thể là phút rung rinh của một cậu bé khi lần đầu bắt gặp ánh mắt cô bạn cùng lớp hơn mười năm trở về trước.
Khi nó tới rừng thông Yên Minh xe máy của các nhóm phượt đã xếp hàng chật kín ở phía dưới. Ngẩng lên, nó bắt gặp ngay 3, 4 nhóm mặc áo cờ đỏ đang nghỉ mỗi nhóm một góc dọc sườn đồi và thấp thoáng bóng của ít nhất 2 nhóm nữa phía trên đỉnh.
Rừng thông đổ bóng trong ánh nắng của buổi chiều cùng với những chú trâu, bò gặm cỏ dọc sườn đồi phải nói là khá thơ mộng.
Nó đi thơ thẩn một vòng rồi quay lại để đi tiếp thì thấy 1 xe đã chạy trước còn bà chị đồng hành đang ngồi với lũ trẻ dân tộc chăn trâu trong lúc chờ nó. Hơn mười đứa trẻ con tầm tuổi cấp 1, cấp 2 da ngăm đen và chỉ nhỏ bằng nửa trẻ con ở Hà Nội đang nghêu ngao giai điệu của mấy bài hát thiếu nhi thân thuộc mà nó chẳng còn nhớ được lần cuối cùng nó nghe thấy là khi nào nữa. Nó mỉm cười lại gần nhưng các em đều khá nhút nhát, cứ thấy ống kính chĩa vào mình là tìm cách trốn đi. Nó bỏ máy xuống, ngồi vào chung với bọn trẻ nhưng không hát mà chỉ lặng lẽ thích thú quan sát các em.
Nó chụp cho bà chị đi cùng và bọn trẻ 1 bức ảnh tập thể trước khi lên đường đi tiếp. Lúc này nó mới biết hóa ra các em rất thích chụp ảnh, tranh nhau chạy ùa vào trước ống kính và lao tới xem ảnh khiến nó suýt lăn xuống sườn đồi. Bọn trẻ chạy theo xuống tận dưới đường tiễn chúng nó cùng với một lời hứa quay lại trả ảnh cho các em.
Đồng Văn dần dần hiện ra trước mắt chúng nó, đẹp đến sững sờ. Con đường chúng nó đi là vòng quanh những ngọn núi đá nối tiếp nhau tầng tầng lớp lớp. Nếu mang khung cảnh tuyệt đẹp trước mắt nó vẽ lại thành một bức tranh thì màu xám chắc chắn sẽ là sắc màu chủ đạo nhưng vẫn có những mảng màu xanh, màu của những mầm cây bền bỉ len lỏi qua kẽ đá để vươn lên.
Nó hoàn toàn bị choáng ngợp bởi vẻ hùng vĩ của thiên nhiên. Vẫn nghe người ta nói rằng lái xe trên đất Hà Giang không sợ bị buồn ngủ, giờ thì nó đã hiểu. Chẳng phải vì đường Hà Giang quá hiểm trở, khó đi mà bởi cảnh Hà Giang quá đẹp, quá say đắm lòng người. Chúng nó tiếp tục chạy theo những con đường, tiếp tục mê mải ngắm đất trời để rồi chẳng biết mình đã xuống tới giữa thung lũng tự bao giờ. Đổ đèo rồi lại ôm cua, cứ như thế chúng nó say sưa lạc bước trên vùng đất mới.
Xế chiều, chúng nó dừng lại nghỉ tại thị trấn Phố Bảng được một lát thì vùng trời phía sau ánh lên sắc đỏ của ráng chiều. Nó cuồng cuồng nhảy lên xe phi ngược lại nhưng không kịp, đành đứng cố chụp lấy một tấm ảnh trước khi trời hoàn toàn sập tối. Chúng nó chạy một mạch về thị trấn Đồng Văn, lấy phòng và ăn tối xong lúc 21h30’. Phố cổ Đồng Văn nhìn qua khá đẹp nhưng nó không muốn vào những chỗ đông đúc nên quyết định tách đoàn và leo lên Đồn Cao, một pháo đài cũ nằm trên ngọn núi gần đó để ngắm toàn cảnh thị trấn. Không khí buổi đêm lúc nào cũng làm nó khoan khoái và kiến trúc của Đồn Cao cũng khá thú vị nhưng đường lên rất dốc lại leo lúc vừa ăn xong nên dạ dày của nó trở nên rất khó chịu. Nó trở về nhà trọ khá muộn, tắm rửa xong và leo lên giường thì đồng hồ đã chỉ 1h sáng hôm sau.
5h sáng ngày thứ năm, chúng nó dậy sớm và xuất phát về phía cột cờ Lũng Cú. Thiếu ngủ, chưa ăn sáng lại kèm di chứng của việc leo núi tối hôm trước, nó bắt đầu thấm mệt nhưng không khí của buổi sáng sớm cũng phần nào giúp nó khoan khoái trở lại. Nó vốn luôn cảm thấy việc phải xuất hiện trong ảnh để chứng minh mình đã đi tới một nơi nào đó là không cần thiết và lần đầu tiên đặt chân tới cực Bắc Tổ quốc của nó cũng vậy. Nó chọn một góc phía đằng sau, chọn lặng im ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió và chọn phóng tầm mắt sang vùng đất xa lạ phương Bắc để lưu lại trong tâm trí.
Chúng nó đi xuống, vào một phiên chợ vùng cao ngay phía dưới, sang nhà của Vương rồi trở lại thị trấn Đồng Văn.
Chúng nó nghỉ ngơi một lát trước khi bắt đầu vượt đèo Mã Pì Lèng. Trước khi lên đường, nó đã định một mình ở lại Đồng Văn vì không muốn đặt chân lên con đường huyền thoại mà nó đã được nghe, đọc và xem rất nhiều ảnh vào lúc giữa trưa như thế này, vì đối với nó một ngày vừa qua quá ngắn ngủi và vì suốt dọc cuộc hành trình luôn thường trực trong đầu nó hai từ “nuối tiếc”.
Hà Giang trong tâm trí nó trước đây luôn luôn là một vùng đất có sức hút kì lạ vì nó đã trót nhìn thấy những bức ảnh chụp xuống dòng sông Nho Quế từ đỉnh đèo Mã Pì Lèng.
Lúc này, nó đã đến được nơi mà nó muốn đến nhất suốt dọc lộ trình của chúng nó. Giữa trưa, nắng rất gắt và sông Nho Quế cũng đang mùa cạn nước. Thoáng chút thất vọng, nó bước từng bước chậm rãi về phía lan can ngắm cảnh xây bằng đá ở phía dưới.
Bỗng đâu một luồng gió mạnh thổi lên từ đáy vực, đánh tan mệt mỏi và tất cả mọi suy nghĩ của nó. Đầu óc nó trống rỗng, mơ màng và khoan khoái đến kì lạ. Nếu hôm qua Hà Giang trong nó là ngỡ ngàng lạc bước nơi sơn thủy hữu tình thì hôm nay lại là lặng lẽ đứng trước thiên nhiên kỳ vĩ. Nếu lúc trước ngây ngất như phút say đắm thuở ban đầu thì giờ đây lại êm ái tựa hồ đang bên cạnh người tri kỷ, dịu dàng và trừu mến khó tả. Nó đứng đó rất lâu, tham lam cố thu hết đất, trời, sông, núi, nắng, gió và tất cả mùi vị của nơi ấy cho riêng mình trước khi hẹn ngày trở lại.
Chúng nó tới Mèo Vạc rồi chạy về Cao Bằng. Nó mất hơn ba giờ đồng hồ để vượt qua Mã Pì Lèng, con đèo vốn chỉ dài có vỏn vẹn hơn 20 km nhưng chặng đường phía trước thì đơn giản hơn nhiều. Bước chân ra khỏi đất Hà Giang, cảnh sắc ven đường gần như chẳng còn sức hút đối với nó nữa. Chúng nó đi một mạch tới thị trấn Bảo Lạc, mua một ít bánh mỳ và thịt quay để lên đèo ngồi ăn rồi chạy đua với thời gian để ngắm hoàng hôn trên thung lũng Xuân Trường nhưng không kịp.
Đèo ở Cao Bằng rất dốc và đường rất xấu. Chúng nó vượt qua 14 tầng cua tay áo để vào tới thung lũng Xuân Trường, chạy xuyên qua thung lũng rồi tiếp tục vượt rất nhiều đèo, dốc và bản làng. Qua một con dốc rất dài và cao, chúng nó phải dừng lại cho xe nghỉ trước khi đi tiếp. Bô xe lúc này nóng tới mức bốc hơi cả nước chúng nó đổ vào để hạ nhiệt. Chúng nó chạy tiếp tới khoảng 20h thì phải dừng lại hỏi đường vì đi mãi vẫn không thấy ra tới quốc lộ. Lúc này mới ngã ngửa người, hóa ra từ nãy tới giờ cả nhóm đã chạy dọc biên giới và đi lạc. Đường ngắn nhất từ thung lũng Xuân Trường tới thị trấn Ba Bể là quay lại và ngay cả tính ở vị trí chúng nó đang đứng thì quay lại vẫn ngắn hơn là đi tiếp. Lạc đường, trời tối và rất mệt nhưng nghĩ tới việc đi ngược lại đoạn đường mà chúng nó vừa vượt qua thì không có đứa nào còn đủ sức và tất cả đều nản.
Chúng nó chọn đi tiếp về phía Thông Nông và sẽ nghỉ ở thành phố Cao Bằng. Chạy tới 21h15’, chúng nó vẫn đang ở trong núi, đường rất xấu, xóc và khó đi. Cả nhóm trở nên rất hoang mang. Xe lead dừng lại và bật google map lên tìm đường trước khi đi tiếp. Bụng khó chịu từ sáng, ăn không đúng bữa cộng thêm việc chạy xe đường xóc ngay sau khi ăn lúc nãy và dư âm từ những ngày trước đã khiến nó hoàn toàn kiệt sức và không giữ được bình tĩnh. Nó và leader đã cãi nhau về việc tìm đường, sau đó xe lead chạy trước theo google map còn nó đi chậm lại, vừa đi vừa hỏi người dân. Nó ra được đường quốc lộ và về đến thành phố Cao Bằng trước. Xe lead về sau, đi qua một chiếc cầu ngầm, suýt nữa bị cuốn trôi nhưng rất may cuối cùng vẫn an toàn và chỉ bị ướt. Chúng nó thuê nhà nghỉ bình dân ở thành phố Cao Bằng để sáng sớm hôm sau một thành viên có thể về Hà Nội trước.
9h30 sáng ngày thứ sáu, còn lại 3 người, chúng nó tiếp tục hành trình về phía hồ Ba Bể. Nó chỉ còn lại một mình một xe. Tới thị trấn Nà Phặc, chúng nó dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi rồi chạy thẳng tới hồ Ba Bể. Trong lúc nó dừng lại trước cổng dẫn vào hồ để chờ xe phía sau, nó nhận được điện thoại từ một số máy lạ. Cô bé dân tộc nó chụp ảnh cho hôm trước ở rừng thông Yên Minh gọi cho nó vì chờ hai hôm rồi vẫn không thấy chú quay lại. Có lẽ các em nghĩ nó ở gần lắm mà cũng phải thôi, ở vào tuổi của các em, nó cũng nào có biết từ Hà Nội lên tới Hà Giang xa và khó đi như thế nào. Khi đang viết những dòng này cũng là lúc nó cầm ngay điện thoại nhắn cho cô bé rằng chú chưa lên ngay được nhưng chú hứa nhất định sẽ mang ảnh lên cho các cháu.
Chúng nó không đi thuyền trên hồ mà chỉ chạy xe vòng quanh vì hai trong số ba người, trong đó có nó đã đi rồi và đi ba người thì chi phí quá đắt. Được một đoạn ngắn thì xe phía sau nó phải dừng lại sửa. Leader gọi điện bảo nó đi từ từ chụp ảnh trong lúc chờ. Nó đã tới hồ Ba Bể một lần nhưng con đường mà nó đang đi thì nó chưa từng đặt chân đến. Ở đây có những cánh đồng trồng lúa, ngô ven hồ tuyệt đẹp nhưng lại rất vắng vẻ. Có lẽ đây là phía sau của hồ nên không có nhiều khách du lịch lui tới.
Nó đi tiếp và tìm thấy một cánh đồng cỏ rộng mênh mông. Một chú nghé con phát hiện thấy nó đang chụp ảnh thì từ từ đi tới và tròn mắt đứng nhìn nó.
Nó ở đó rất lâu, tới tận khi gần tắt nắng mới đi tiếp. Chạy thêm một đoạn nữa thì thấy có vẻ đã ra khỏi vùng hồ nên nó dừng lại và gọi điện. Leader bảo nó cứ đi tiếp và sẽ gặp lại ở ngã ba Thái Nguyên – Bắc Cạn. Nó đi được có 100m thì thấy ngay cái ngã ba cần tìm và yên trí ngồi ăn kem chờ. Còn có một mình, nó bắt chuyện với gia đình chủ quán, kể cuộc hành trình của chúng nó và khoe ảnh nó chụp. Nó đợi gần 1 giờ đồng hồ tới 19h mà vẫn không thấy xe đi cùng đâu. Nó gọi lại và tá hỏa khi biết xe đã vòng lại thị trấn Nà Phặc rồi chạy về thị xã Bắc Cạn chứ không đi đường của nó. Hóa ra còn có một cái ngã ba Thái Nguyên – Bắc Cạn khác ở cách chỗ nó ngồi hơn 60km và chúng nó sẽ gặp nhau ở thành phố Thái Nguyên. Vậy là nó sẽ phải đi đoạn đường hơn 100km phía trước một mình và hoàn toàn không biết đường nhưng số nó may mắn hơn là nó nghĩ.
Cả gia đình bác chủ quán kem cực kỳ nhiệt tình và đáng yêu, tranh nhau chỉ cho nó đường ngắn nhất, chi tiết đến từng số km, cây cầu, biển báo cũng như nếu đi lạc thì nó phải hỏi về chỗ nào và chỉ đi chỉ lại vì sợ nó quên mất.
Thỉnh thoảng, nó bắt đầu thấy lành lạnh ở sống lưng và phần hồn càng ngày càng lấn át phần tính. Nó chợt nghĩ “Chết. Mình đẹp trai thế này, nhỡ có con ma nữ nào đi qua mà thấy thì nó bắt mất là cái chắc”. Đang mải mê suy nghĩ thì bất chợt một đoạn offroad ngắn toàn đất từ đâu xuất hiện. Nó hoàn toàn mất lái rồi ngã lăn ra đường với chiếc xe máy đè phía trên. Vật lộn một hồi, cuối cùng nó cũng thoát ra được. Nó có mặc giáp nên chỉ bị đau ở mắt cá chân nhưng những quả mận của nó thì không được may mắn như thế. Rất nhiều "đồng chí" đã ra đi sau ba ngày đồng hành cùng nó lên tận cực Bắc của Tổ quốc.
Xe của nó nổ máy một hồi lâu cũng lên nhưng tiếng máy rất yếu, không còn được như lúc trước. Xét một cách toàn diện, nó đã sứt mẻ ít nhiều, chỉ có duy nhất một điều: Nó hoàn toàn không thấy sợ. Nó lên xe và tiếp tục hành trình. Đi được khoảng 3 km thì đột nhiên nó nghĩ: “Ơ, đoạn vừa rồi hay ho như thế nhưng về viết mình lại chẳng có cái ảnh nào cả thì làm thế nào?”. Chưa kịp nghĩ xong, nó đã quay ngay xe lại, hộc tốc chạy về đoạn đường đất vừa đi qua để chụp ảnh. Lúc này nó mới biết hóa ra nó dở hơi và gan hơn nó tưởng rất nhiều. Nó ra quốc lộ, tìm chỗ sửa xe, ăn tối và nghỉ ngơi rồi gặp lại xe đồng hành ở Thái Nguyên. Cuối cùng thì nó vẫn đến trước 15 phút. Chúng nó chạy theo đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên về đến Hà Nội lúc 2h đêm rồi chia tay nhau ở cầu Nhật Tân. Nó dành 1 phút chạy qua chợ hoa Quảng Bá trên đường về rồi chui vào chăn và kết thúc cuộc hành trình dài 1528 km của mình với quá nhiều cung bậc cảm xúc. Điều cuối cùng mà nó muốn nói lúc này đó là: Trâu ở hồ Ba Bể rất đẹp