1. Nhai kẹo cao su là bất hợp pháp
Chính phủ Singapore không khuyến khích người dân nhai kẹo cao su. Ảnh: Internet. |
Singapore nổi tiếng là một trong những đất nước sạch nhất thế giới. Để đảm bảo đường phố sạch đẹp, từ năm 1992 chính phủ Singapore đã cấm người dân nhai kẹo cao su khi đi trên đường để tránh tình trạng nhả bã kẹo bừa bãi ra đường phố và các khu vực công cộng. Bất cứ ai bị phát hiện buôn bán trái phép kẹo cao su tại đất nước này sẽ bị phạt 1 năm tù và 10.000 Singapore Dollar (tương ứng với khoảng 5.500 USD).
Tới năm 2004, do sức ép của các hiệp định thương mại, quy định có phần khắt khe này đã được nới lỏng. Mặc dù vậy, để "được" ăn kẹo cao su ở nước này bạn phải xuất trình chứng minh thư nhân dân để mua hàng và hầu hết các loại kẹo cao su được phép mua bán đều có “chức năng chữa bệnh”. Nếu người bán hàng không tuân thủ quy định này, họ sẽ bị phạt 5.000 đô-la Singapore.
2. Cấm ăn uống trên các phương tiện công cộng
Người dân Singapore và du khách không được phép ăn uống khi ở trên phương tiện công cộng: xe bus, tàu điện, tàu điện ngầm… Vi phạm lần đầu bạn sẽ bị nhắc nhở nhưng những lần tiếp theo sẽ bị mời xuống hoặc phạt tiền.
3. Muốn vào sòng bài phải nộp tiền
Người Singapore muốn vào sòng bài phải nộp tiền. Ảnh: CNN. |
Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới bắt buộc người dân phải nộp tiền trước khi vào sòng bạc. Số tiền “qua cửa” mà người dân phải nộp mỗi lần đến sòng bài là 100 đô-la Singapore. Chính vì luật lệ lạ lùng này, nhiều người dân Singapore đã bị bắt, phạt và bỏ tù khi mượn giấy phép lao động của người nước ngoài để vào sòng bài.
4. Khỏa thân đi trong nhà là phạm pháp
Bất cứ hành vi nào bị coi là khiêu dâm ở Singapore đều bị phạt. Ảnh: Therichest. |
Một trong những điều luật kỳ lạ nhất ở Singapore là việc cấm đi lại trong nhà trong tình trạng khỏa thân. Luật cấm này được chính thức áp dụng từ ngày 27.2.1996. Ở quốc gia này, khiêu dâm là bất hợp pháp nên bất cứ hành vi nào bị cho là khiêu dâm cũng có thể khiến bạn bị phạt một khoản tiền lớn, thậm chí phải đi tù. Năm 2009, Chua Hock Hin (tài xế taxi) từng bị phạt khoảng 2600 USD vì khỏa thân trong nhà nhưng không kéo rèm cửa.
5. Không xả nước khi đi vệ sinh công cộng sẽ bị phạt
Không xả nước sau khi đi vệ sinh công cộng ở Singapore là vi phạm pháp luật. Ảnh: Adventurousmiriam. |
Những quy định về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh công cộng ở Singapore đã được áp dụng và đưa vào luật, bắt buộc mọi người dân và khách du lịch phải tuân thủ theo. Đến Singapore, nếu bạn không xả nhà vệ sinh công cộng sau mỗi lần sử dụng, bạn có thể bị phạt tới 150 USD.
Thêm nữa, nếu ai “trót say”, đi tiểu tiện trong thang máy cũng đều bị phát hiện và xử phạt. Bởi trong các thang máy ở Singapore có lắp thiết bị cảm ứng mùi nước tiểu, thiết bị này sẽ rung chuông báo động và đóng cửa thang cho tới khi cảnh sát tới.
6. Di chuyển bên trái
Không giống như ở Việt Nam, khi di chuyển, xếp hàng chờ các phương tiện công cộng hay đi thang cuốn, người dân Singapore thường đứng ở bên trái. Phần đường bên phải dảnh cho những người nào đang có việc gấp, cần đi nhanh. Tuy nhiên, đây chỉ là thói quen trong đời sống xã hội của người Singapore, nên bạn sẽ không bị phạt nếu “đi sai làn đường”, mà chỉ bị nhìn với ánh mắt ngạc nhiên.
7. Chương trình mai mối của Chính phủ
Chương trình mai mối của Singapore. Ảnh: Straittimes. |
Chương trình này do đơn vị phát triển xã hội SDU của Singapore thực hiện. Theo đó, những công dân từ 30 tuổi trở lên mà chưa kết hôn thì sẽ nhận được lời mời tham gia chương trình này, với mức phí chỉ 10 đô-la Singapore/năm.
8. Chiến dịch “Lòng tốt Singapore”
Chiến dịch "Lòng tốt Singapore". Ảnh: CNN. |
Singapore có một chiến dịch quốc gia khuyến khích các công dân làm việc tốt và quan tâm tới nhau hơn. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi thấy người dân Singapore rất thân thiện, dễ gần và nồng nhiệt.
9. Người Singapore đi nhanh nhất
Người Singapore có tốc độ đi bộ trung bình nhanh nhất thế giới. Ảnh: CNN. |
Nghiên cứu của Hội đồng Anh (British Council) cho thấy, người Singapore có vận tốc đi bộ nhanh nhất thế giới. Trung bình, mỗi người dân Singapore đi được 18 m/10,55 giây (khoảng 6,15 km/h), trong khi vận tốc trung bình của người bình thường là 5,4km/h.
10. Singapore là vừa là quốc gia vừa là thành phố
Ảnh: Singaporetourism. |
Singapore là 1 trong 3 quốc gia thành phố đang tồn tại trên thế giới, gồm: Monaco, Vatican và Singapore. Đây đều là những quốc gia thành phố không có thủ đô.
11. Không có sư tử ở “Đảo quốc sư tử”
Thực ra, không có sư tử sinh sống trên "Đảo quốc sư tử" - Singapore. Ảnh: Adventurousmiriam. |
Singapore, bắt nguồn từ tên Singapura trong tiếng Sanskrit, nghĩa là “Thành phố sư tử”. Truyền thuyết kể lại, hoàng tử Sang Nila Utama đến từ Palembang thấy một sinh vật mà ngài tưởng là một con sư tử trên đảo. Do đó, ngài đã đặt tên cho hòn đảo này là Singapura.
Nhưng kỳ lạ là “Quốc đảo sư tử” lại không hề có sư tử sinh sống.
12. In quốc ca trên tiền
Bài quốc ca Singapoer được in trên tờ 1000 đô-la Singapore. Ảnh: CNN. |
Singapore là quốc gia duy nhất in lời quốc ca trên tiền. Tại một mặt của tờ 1.000 đô-la Singapore, bạn có thể thấy toàn bộ lời bài hát quốc ca ở trên đó.
13. Đất nước cho phép học thêm
Quảng cáo dạy thêm, gia sư dán đầy các bức tường và hàng rào ở Singapore. Ảnh: Straittimes. |
Không giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, học thêm ở Singapore được cho phép và gần như là một điều không thể thiếu. Nếu ở Việt Nam, dạy thêm – học thêm bị cấm thì Singapore có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này.
Có tới hơn 540 trung tâm gia sư ở “Quốc đảo sư tử”, 90% học sinh đều có gia sư hay theo lớp học thêm, do đó, áp lực và sự cạnh tranh ở trường lớp gần như là sự “khủng hoảng” đối với học sinh.
Minh Đức