Cừu là vật nuôi có mặt rất sớm trên vùng đất Ninh Thuận, từ cách đây hơn 100 năm, do người Pháp thử nghiệm. Ninh Phước, Bác Ái và Thuận Bắc là ba huyện của tỉnh Ninh Thuận có số lượng đàn cừu tập trung rất lớn.
Hằng ngày, khoảng 8h, người ta lùa cừu ra các cánh đồng hoặc đồi núi khô cằn để chăn dắt tự nhiên. Thức ăn chủ yếu của cừu là cỏ dại. Người ta nuôi cừu giống và cừu thịt riêng trong những nhà trại khác nhau.
Do khí hậu nắng nóng quanh năm, lượng mưa thấp, chỉ kéo dài khoảng 3 tháng (9 - 11 hàng năm), đàn cừu chỉ thích nghi được với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương cho việc nuôi lấy thịt, còn lông thường trơ trụi, nham nhở.
Ở Ninh Thuận, các gia đình người Chăm nuôi cừu thuê cho những ông chủ lớn. Họ sống cả gia đình trong trang trại nuôi cừu, thiếu nước sinh hoạt, xa chợ, trường học nên khá vất vả.
Các hộ gia đình với quy mô chăn nuôi nhỏ (vài chục đến 200 con) thường thuê em nhỏ chăn dắt. Khoảng ba hoặc bốn em cùng nuôi cừu cho nhiều hộ gia đình.
Mỗi hộ gia đình có cách đánh dấu bằng các màu sắc khác nhau trên lông cừu để nhận diện.
Cừu từ lúc sinh ra, được nuôi đến 8 - 9 tháng tuổi có thể nặng 35-40 kg. Mỗi lứa cừu mẹ có thể sinh từ một đến ba con.
Trong điều kiện thời tiết bình thường, cứ khoảng 4 - 5h chiều, khi tắt nắng, người ta sẽ lùa cừu về. Nếu trời mưa to, đàn cừu tự động về trại.
Theo VnExpress