Hong Kong như thế nào khi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa tạo ra thứ ánh sáng kim tiền lấp lánh? Thực ra, xưa kia nơi này được bao bọc bởi rất nhiều những ngôi làng nhỏ, người dân chỉ sống nhờ vào ruộng đất. Du khách tới khu Tân giới (New Territories) sẽ phát hiện ra một vẻ đẹp khác, bình dị, mộc mạc của cuộc sống thôn quê yên bình.
Dạo bước về phía bắc của quận Tân Giới, chúng ta bắt gặp những nếp sống truyền thống của người dân đằng sau những bức tường của các ngôi làng cổ. Du khách có thể lựa chọn Đại Phố (Tai Po) để cảm nhận thăng trầm thời gian.
Những ngôi làng cổ này có gốc gác từ thế kỷ 14. Khi Trung Quốc xảy ra phân tranh liên miên, rất nhiều tôn tộc đã tới Hong Kong trú nạn. Đời nhà Minh (1368-1644), một trong những gia tộc lớn tại khu vực này là Đặng Thị xảy ra mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, hải tặc lại lộng hành khiến dân cư nơi đây không thể sống yên ổn. Vì vậy, họ xây tường bao quanh làng để bảo vệ an toàn của bản thân. Những ngôi làng này có chung tên gọi là Vây Thôn (những ngôi làng được xây tường bao bao bằng gạch, đá).
Gia tộc Đặng Thị định cư tại Cẩm Điền, Tân Giới vào thế kỷ 14, xây dựng được 5 ngôi làng với tường bao kiên cố, trong đó làng được xây dựng sớm nhất có tên Lão Vây. Hiện nay kết cấu tường bao và những kiến trúc trong làng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Nếu du khách đi theo đường mòn di sản Lung Yeuk Tau (Long Dược Đầu), bạn có thể nhìn thấy rất rõ những bức tường đã được xếp vào hàng những di tích cổ được bảo hộ.
Trong một loạt những ngôi làng cổ của gia tộc Đặng Thị, làng Cát Khánh Vây (Kat Hing Wai) là một trong những ngôi làng lớn nhất còn được bảo tồn. Được xây dựng từ năm 1465-1487, nhưng phải tới cuối thế kỷ 17, quanh làng mới được xây thêm tường bao bằng gạch. Ngày nay, người Hakka sống ở đó vẫn đội mũ rộng vành truyền thống được phủ tấm vải đen.
Từ đường là trung tâm của những ngôi làng cổ. Đây là nơi trẻ nhỏ tới học bài, người dân tập trung để tế lễ tổ tiên, tổ chức hội hè. Tại làng Thượng Thủy (Sheung Shui Wai) trong khu vực của quận Tân Giới, từ đường có tên là Liu Man Shek Tong rất đáng để du khách tham quan. Từ đường này được gia tộc họ Miêu Thị xây dựng năm 1751 với những kiến trúc điêu khắc rất tinh xảo, đẹp mắt.
Cư dần đã đi làm ở thành phố, cuộc sống trong thôn không còn hạn chế ở bên trong khuôn viên của làng. Mỗi khi có lễ tết truyền thống hoặc những hoạt động riêng của khu làng cổ, những người già nơi đây lại cùng tề tựu tại các từ đường để thưởng thức những món ăn truyền thống, cùng chúc phúc nhau. Những món ăn truyền thống này đều nấu thực phẩm địa phương, do người dân tự trồng.
Cho tới ngay nay, thói quen tự cấp tự túc vẫn được lưu giữ. Nhưng cũng có một số người đã mang những sản phẩm nông nghiệp của làng bán ra bên ngoài thành phố để cải thiện kinh tế.
Những nét văn hóa riêng của làng cổ không chỉ có vị trí quan trọng trong lịch sử Hong Kong. Trong xã hội hiện đại, nó vẫn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó chính là nét giao thoa cổ kính - hiện đại mà người dân nơi đây đã vun đắp tạo nên vẻ đẹp riêng cho hòn đảo này.
Theo Zing