Theo quan niệm của người Việt Nam, khi đã cầu phúc lành vào dịp đầu xuân thì cuối năm phải đi chùa lễ tạ. Do đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều đền, chùa tấp nập dòng người đổ về hành lễ cuối năm.
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây Nam, theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, bạn sẽ mất khoảng nửa tiếng đi xe để đến chùa Thầy. Ngoài sự linh thiêng, thoát tục, nơi đây còn là điểm đến đẹp, lý tưởng để kết hợp du lịch và chiêm bái.
Được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông, cách nay khoảng nghìn năm trước, tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.
Nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu hay Long Trì, tạo thành hàm của rồng. Từ sân này có hai cầu là Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều nối sang hai bên, tạo thành râu rồng.
Bắt đầu vào chùa, bạn sẽ thấy nhà Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng. Vào những ngày lễ hội, nơi đây trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước.
Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương.
Chùa Thượng tách biệt hẳn, nằm ở vị trí cao nhất, đồng thời là nhà thánh, nơi đây để tượng Di Đà tam tôn - tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng tượng cha mẹ ông.
Chùa Thầy còn có hang Cắc Cớ, nơi lưu giữ những câu chuyện linh thiêng từ ngàn xưa, ngày nay còn lưu giữ bể xương người, là nơi những nam thanh nữ tú đến cầu duyên: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.
Hội chùa Thầy diễn ra ngày 5 - 7/3 Âm lịch hàng năm. Không riêng gì ngày hội, những ngày cuối năm, lễ tết, tăng ni, Phật tử và du khách từ các nơi khác về chùa hành lễ rất đông.
Theo VnExpress