Không phải loại nhện nào cũng được tận dụng làm thức ăn. Người ta chỉ chọn loại nhện đen (còn gọi là a - ping theo tiếng Campuchia), to chừng ngón chân cái người lớn, dài khoảng 7cm.
Nhện đen ngoài tự nhiên khá khó bắt. Nếu chẳng may bị đốt, độc tố trong chúng có thể khiến bạn bị sưng và sốt cao trong nhiều ngày. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống cực lớn, người Campuchia nuôi nhốt chúng trong những lỗ đất gần nhà, chăm sóc như vật nuôi.
Trước, món ăn từ nhện đen còn khá xa lạ với cư dân nơi đây. Chỉ khi lâm vào tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng người ta mới nghĩ đến việc chế biến côn trùng làm thức ăn. Dần dần, nó trở nên phổ biến và được thưởng thức như một món ăn vặt đường phố ưa thích.
Khi có nguyên liệu, người ta có thể đem ngâm rượu song phổ biến hơn cả vẫn là cách chiên giòn. Nhện được làm sạch, để ráo, tẩm ướp với bột, đường, muối, tiêu xay, tỏi rồi chiên ở nhiệt độ cao.
Khi nhện chín giòn phần bên ngoài, hơi ướt phần giữa thân cần nhanh chóng vớt ra, thưởng thức nóng. Phần lưng nhện được xem là tinh hoa nhất, nếu để khô sẽ mất ngon.
Những thực khách từng thưởng thức nhện đen chiên giòn cho biết, phần chân nhện giòn dai hấp dẫn. Trong khi nhiều người thích thú tận hưởng chất dịch nhầy ở phần lưng nhện thì không ít thực khách e ngại bởi nó là hỗn hợp màu nâu gồm các phần nội tạng và trứng.
Nếu không quen, bạn có thể gặp rắc rối với phần dịch đen, lông lá khi chúng bám vào tay, miệng hoặc quần áo. Để đảm bảo lịch sự, nhiều người dùng cách che miệng khi thưởng thức món ăn.
Theo Kienthuc