Tết là mùa cao điểm cho việc du lịch do kỳ nghỉ dài và nghỉ đồng loạt. Thay vì tiết kiệm bằng cách du lịch "trái mùa", bạn vẫn có thể tung tăng đó đây cùng mọi người mà vẫn hạn chế được chi phí (cũng như không bị trừ ngày phép hay ngày công như khi du lịch "trái mùa") nếu lưu ý những điểm sau:
Chuẩn bị sẵn đồ ở nhà
Đến những nơi cần trang phục riêng như biển, nơi có không khí lạnh, nếu không chuẩn bị sẵn đồ bơi, mỹ phẩm chống nắng hoặc trang phục giữ ấm từ nhà thì khi đến nơi, nếu cần bạn phải mua với giá cao hơn nhiều so với nơi khác do các điểm đến luôn bán với giá dành cho du khách.
Chuẩn bị bữa ăn trên đường "phượt" với những món "cây nhà lá vườn" mang theo - Ảnh: Thủy Trần. |
Đem theo đồ ăn nhẹ
Trong suốt cuộc hành trình luôn có những khoảng trống giữa những điểm đến và những bữa ăn, vì thế nếu không chuẩn bị trước những thức ăn nhẹ để đem theo dọc đường, bạn rất dễ bị đói do phải tiêu hao nhiều năng lượng cho việc di chuyển, vận động liên tục.
Với trẻ con hoặc người có vấn đề về bao tử, thức ăn nhẹ đem theo bên mình gần như là bắt buộc để tránh những cơn đau bao tử vì... đói. Bánh snack, khoai tây rán, chocolate, bánh ngọt, các loại hạt, trái cây sấy khô, sữa, nước trái cây đóng hộp... là những gợi ý phù hợp nhất.
Nước uống
Thậm chí còn quan trọng hơn cả thức ăn, nước uống không thể vắng mặt trong balô du lịch của bạn (trừ khi lên máy bay) giúp cơ thể không bị mất chất khoáng, thậm chí mỏi mệt đến xỉu.
Nếu du lịch theo tour, nhà tour thường đem theo nước để phát cho khách trên xe nhưng nhớ để nước trong balô đủ để uống khi bạn ghé thăm một điểm đến nào đó.
Cũng như thực phẩm mang theo mình, bạn vẫn có thể mua nước uống ở bất cứ nơi nào đi qua, có điều giá cả chắc chắn đắt, chưa kể thức ăn mua ở mấy điểm du lịch chưa chắc hợp khẩu vị hay an toàn vệ sinh.
Đem tiền mặt thay vì "cà thẻ"
Không kể những điểm đến heo hút, việc đem theo tiền mặt đôi khi lại cần thiết để khống chế số tiền chi tiêu trong chuyến đi dù tiền mặt ít được khuyên dùng hơn thẻ, nhất là khi đi xa. Lý do khi cà thẻ, bạn khó kiểm soát được số tiền đã chi để "thắt hầu bao" lại.
Hạn chế vô các trung tâm mua sắm
Bạn nên xác định ngay từ đầu cần mua những gì trong chuyến đi để chỉ ghé đúng những nơi bán thứ cần mua, tránh ghé lan man nhiều nơi rất dễ phát sinh mua sắm ngoài dự kiến.
Có một thực tế là nhiều hướng dẫn viên thường đưa khách đến nhiều điểm kết hợp tham quan và mua sắm vì họ cũng "có phần" nếu khách của họ mua sắm ở đó.
Mua cho mình chứ không theo người khác
Phụ nữ hay bị "tâm lý đám đông", mua cho bằng chị bằng em, có người mua sắm vì bị "kích" hoặc bị mê hoặc trước những món khuyến mãi kèm theo, điều này dẫn đến mua sắm vô tội vạ, mua những món không cần thiết.
Cần kiên định nói "không" trước những món không thật sự cần thiết và chỉ mua theo ý mình, đừng nghe theo ai, nhất là phải tỉnh táo trước những lời quảng cáo ngọt ngào của nhân viên bán hàng hay sự trưng bày bắt mắt trong các cửa hiệu.
Mua hàng miễn thuế
Là một lựa chọn thông minh cho người nghiện mua sắm để tiết kiệm chi phí. Tại các quốc gia, các cửa hàng miễn thuế nằm ở nhiều nơi chứ không chỉ tập trung ở sân bay.
Tuy nhiên cần lưu ý: để hạn chế việc người dân mua hàng miễn thuế về kinh doanh, một số nơi thực hiện thủ tục hoàn thuế tại sân bay để chắc chắn người mua hàng miễn thuế là du khách nhưng số người xếp hàng ở các quầy hoàn thuế tại sân bay thường rất đông nên bạn phải ra sân bay sớm để làm thủ tục, nếu không sẽ không đủ thời gian làm thủ tục hoàn thuế.
Để kịp lên máy bay, nhiều người đành bỏ luôn khoản thuế được hoàn lại mà nếu vậy, món hàng bạn mua hóa ra chẳng còn rẻ nữa.
Tham khảo giá trước
Nhiều người tin rằng giá một số sản phẩm đặc trưng (như sâm Hàn Quốc, đồ điện tử, điện thoại, quần áo thời trang, trái cây vùng ôn đới... ) tại nơi xuất xứ thường rẻ hơn các nơi khác nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Nên tham khảo giá trước khi du lịch để biết chính xác giá trị thật sự của món hàng định mua.
Chúc bạn một mùa tết vui với những chuyến du lịch tiết kiệm mà thú vị, ý nghĩa!
Theo Tuoitre