Chùa Hương một thắng cảnh nổi tiếng linh thiêng và độc đáo nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Mỗi năm nơi đây đón hàng vạn du khách hành hương tới chiêm bái, lễ Phật. Và hầu như ai cũng chỉ biết và nghĩ tới duy nhất một con đường dẫn lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích là dòng suối Yến.
Nhưng với dân bản địa thì còn nhiều con đường khác, mà một trong số ấy là con đường đặc biệt nằm ở phía nam Chùa Hương. Một cung đường ít người qua lại, không mất vé thắng cảnh, không mất tiền đò, quan trọng hơn là du khách sẽ có cơ hội khám phá cảnh sắc tuyệt đẹp, rừng mơ, rau sắng nguyên bản …
Nếu xuất phát từ Hà Nội, du khách đi theo hướng Hà Đông qua cầu Mai Lĩnh tới thị trấn Chúc Sơn, rẽ trái đến ngã ba trường cấp ba Chương Mỹ A rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Trỗi, qua trường cấp ba Chúc Động, xã Hữu Văn và gặp đường Hồ Chí Minh tại Miếu Môn. Tiếp tục đi thẳng đường tới Chợ Bến, đến trung tâm xã An Phú thì rẽ trái vào chân núi Thung Cấm. Tại đây, các bạn sẽ gửi xe và mua vé đường lên Động Hương Tích. Giá gửi xe là 5.000 đồng/xe, vé đường 10.000 đồng/người. Chiều dài cung đường cả đi và về khoảng 120km (gần hơn đường suối Yến 20 km).
Thời gian leo núi tới động Hương Tích khoảng 3 giờ, leo xuống khoảng gần 2 giờ. Những vấn đề cần chú ý khi tham gia cung này là nên mang giày leo núi (không nên đi giày cao gót hoặc giày đinh), quần áo tránh mặc đồ chật, bó sát. Điều quan trọng đó là phải mang theo đồ ăn, nước uống vì dọc đường leo tới động Hương Tích không có hàng quán. Đường từ Hà Nội đến chân núi tương đối tốt nên đi xe số và xe ga đều được.
Đoàn chúng tôi gồm hai mươi tám người, xuất phát lúc 6h30'. Tới chân núi Thung Cấm gần 9h vì dọc đường có hai xe bị thủng săm. Chúng tôi chia đều đồ đoàn cho mọi người, balo giầy dép nai nịt xong, đúng 9h bắt đầu leo. Không gian thoáng đãng thật đẹp, ai cũng hồ hởi và háo hức, mặc dù có người tới chùa Hương cả chục lần.
Ngay chặng đầu, đoàn đã gặp một con dốc dựng đứng. Mọi người phải bò sát vách đá và thận trọng từng bước một. Bắt đầu có tiếng thở dốc, anh trưởng đoàn rất thạo đường và vui tính, hết cổ vũ lại nhắc nhở mọi người cẩn thận. Khi vượt qua con dốc đá đầu tiên, cả đoàn đều ồ lên kinh ngạc vì cảnh sắc hoang sơ đẹp đến sững sờ. Một thung lũng tương đối bằng phẳng với con đường kè đá quanh co. Chị chủ quán trông xe và bán vé đường cho biết, con đường này là do xã mở và cho đấu thầu, trước đây cực kỳ khó đi và chỉ có người dân bản địa mới biết đường (tới đây chúng tôi mới hiểu vì sao phải mua vé đường). Đi hết thung lũng, thử thách thứ hai trước mặt chúng tôi là vách đá khủng với hàng trăm thứ dây leo chằng chịt. Bên vực núi thấp thoáng màu đỏ của hoa gạo với thân cây thẳng vút lên khỏi tán rừng Hương Sơn rậm rạp. Vượt khỏi vách đá thẳng đứng này, trong đoàn đã có một vài người bị chuột rút và tụt huyết áp do mất nước. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ trước khi khởi hành mà mọi việc cũng ổn thoả.
Sau khi nghỉ lại lấy sức, đoàn tiếp tục chinh phục chặng thứ hai. Thời tiết thuận lợi, không mưa, không nắng, nhưng do trước đó mưa mấy ngày liền nên chặng này như thách thức lòng can đảm của cả đoàn. Đường nhão nhoét toàn bùn và trơn tuồn tuột. Chúng tôi phải bám vào những dây leo rừng đu người qua sườn đá bởi không thể đi trên mặt đá toàn rêu bám trơn như mỡ kia được. Thi thoảng trong đoàn lại có tiếng kêu ré lên hoảng hốt vì trượt chân hoặc chạm tay vào con cuốn chiếu, con giun đất to như ngón chân cái.
Vượt qua được thung lũng thứ hai thì cả đoàn chúng tôi bắt đầu có dấu hiệu xuống sức. Ngay khi bắt đầu tiếp chặng thứ ba, chúng tôi tìm được một chỗ tương đối bằng phẳng và khô ráo, cả đoàn liền dừng lại. Lúc này đã hơn mười một giờ, anh trưởng đoàn quyết định để mọi người ăn trưa, nghỉ ngơi lấy sức. Ở chỗ này, phải nói tuyệt đẹp. Phía trước núi rừng bạt ngàn, nhìn kỹ mới phát hiện đó là rừng mơ. Mùa này mơ đang ra quả nên không trắng rực rỡ như đầu xuân hoặc vàng ruộm khi quả chín, nhưng trông xa cứ ngỡ một tấm thảm xanh khổng lồ trải lên dãy núi trùng điệp bất tận.
Tôi rất thú vị khi phát hiện hai bên lối đi có khá nhiều rau sắng, loại rau mà nghe tên, người ta lại nhớ tới câu thơ của Tản Đà: "Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa". Mọi người định túa xuống hái thì anh trưởng đoàn bảo: “Không được đâu, tất cả khu này đều có người quản lý, nếu hái mang xuống, họ phát hiện thì rắc rối lắm”. Trên vách đá, từng đám rêu xanh mướt và mượt như nhung, có người bảo loại rêu này rất giống với rêu ở Phú Thọ, có thể nướng ăn được. Một cậu nhóc đang học năm thứ nhất đùa: “Bác nướng ăn thử đi, nhưng bác nhớ nếu có mệnh hệ gì thì chúng em để bác ở lại luôn đó”.
Ăn trưa xong, cả đoàn lại tiếp tục hành trình. Chặng cuối khá hơn, đường tuy vẫn quanh co dốc lên xuống nhưng nhẹ nhàng. Đồ ăn nước uống mang theo nhờ chia đều cho gần ba chục cái dạ dày nên cũng nhẹ đi rất nhiều vì vậy tốc độ đoàn nhanh hơn. Đi được một đoạn dài bỗng cả đoàn dừng lại bởi tiếng chuông chùa vang vọng, không gian im ắng bị phá vỡ. Có tiếng reo: “Tới rồi”. Anh trưởng đoàn thũng thẵng: “Còn gần hai cây số nữa mới đến động”.
Hết đường rừng, chúng tôi hoà vào dòng người leo lên động Hương tích. Chỗ ngã ba giao cắt này, anh trưởng đoàn cẩn thận dặn dò mọi người ghi nhớ tránh bị lạc khi quay về, vì nếu không nhớ thì sẽ thẳng xuống suối Yến.
Chuyến chinh phục con đường độc đáo của chúng tôi khá trọn vẹn. Tuy mệt nhưng ai cũng vui, nhiều người bất ngờ vì không nghĩ rằng cách trung tâm Hà Nội không xa lại có cung đường "cảm xúc" đến vậy. Sau này, tôi còn quay lại Hương Tích mấy lần nữa bằng đường suối Yến, nhưng cảm giác chinh phục nam chùa Hương thì vẫn sâu đậm nhất.
Trương Vân Ngọc