05:20 27/12/2024

Đi du lịch Huế: Ăn gì, ở đâu?

13:07 27/04/2018

Có một điều mình đảm bảo, đó là ăn vài bữa cơm hàng cháo chợ ở Hà Nội, bạn sẽ thấy yêu Huế gấp đôi. Các quán ăn ở Hà Nội, hoặc là không ngon, hoặc là không rẻ, thậm chí có những quán đáng ngạc nhiên là không ngon mà vẫn đắt. Chủ quán ở Hà Nội mài dao sắc thật! Còn đồ ăn Huế ngon và rẻ một cách ngạc nhiên chưa.

Mặc dù thuộc về Bắc Trung Bộ và bị dãy Bạch Mã ngăn cách với Nam Trung Bộ và cả miền Nam, nhưng phong cách ẩm thực Huế gần gũi với miền Nam hơn là miền Bắc. Nhưng tất nhiên, Huế không xuề xòa như Nam Bộ, không thô mộc như Nam Trung Bộ. Đặc điểm lớn nhất của ẩm thực Huế là chừng mực, hài hòa, chỉ trừ… độ cay. Món ăn Huế thanh, nhẹ, không cầu kỳ về hình thức nhưng để làm đúng kiểu, đòi hỏi sự tinh tế ở tất cả mọi công đoạn. Vì thế, ở Huế tồn tại song song cả những món cung đình và những món bình dân, và nhiều khi những món bình dân cũng lọt được vào đến cung đình, thành món ăn hoàng gia, như cơm hến, món cơm có nguyên liệu hến, nước hến, lạc và… cơm nguội.

Nếu bạn là một tín đồ của ăn uống, đến Huế là trúng tổ con chuồn chuồn rồi.

Có những món mà nếu không ăn, coi như bạn chưa đến Huế, như ngồi lên xe máy mà quên chìa khóa, đến sân bay mà quên chứng minh thư, như Tây Du Ký đến Tây Trúc mà không thỉnh được kinh, nghĩa là nhất định phải quay lại lần nữa.

Đến Huế nhất định phải ăn cơm hến. Nếu không ăn được cay, nhớ nhắc người bán hàng, còn lỡ quên, bạn nên gọi thêm một xô nước đá để giải nhiệt cái miệng. Cơm hến ngon nhất là ở cồn Hến (hơi bị xa), hoặc quán chị Nhỏ, bán trong ngõ đường Phạm Hồng Thái, góc giao với Trương Định – nhưng chỉ bán buổi sáng, đến trưa là hết, hoặc không thì ăn ở số 2 Trương Định. Cơm hến rẻ, một bát khoảng 10.000đ thôi.

Đến Huế thì nhất định phải ăn bún bò Huế. Không như đến Hà Nội đi tìm ăn phở Nam Định gia truyền. Bún bò Huế có một miếng chân giò, một miếng giò tự nắm, một miếng tiết lợn nhỏ và tất nhiên phải có mấy miếng thịt bò. Địa chỉ ăn bún bò Huế: 13 Lý Thường Kiệt (cạnh Nhà khách Công đoàn). Ngay bên phải quán đó cũng có một quán bún bò Huế, nhưng ăn quá đỗi tương phản luôn, cẩn thận không nhầm nhé. Một bát bún bò giò heo khoảng 30.000đ, no căng bụng.

Đến Huế nhất định phải ăn bánh Huế. Bánh có nhiều loại: ram ít, khoái, bèo, nậm, lọc… mỗi loại một kiểu. Thú thực, lần ăn bánh Huế mà mình thấy ngon nhất, là ăn ở… nhà riêng một cô người Huế. Bạn có thể đến ăn thử bánh quán Hàng Me Mẹ (cũng hơi chán vì có mỗi cái thương hiệu mà mấy mẹ con tranh nhau, chả ra gì, nhưng bánh ở đây ăn được). Chẳng may lúc bạn đến mà họ đang làm dở mẻ bánh thì chịu khó đợi một chút, đừng giục giã, họ lại vớt sớm, bánh chưa chín đều, ăn không ngon đâu. Trên mạng mình thấy cũng có nhiều người giới thiệu quán bà Đỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng 2 lần ăn ở đấy, mình khẳng định là bánh bà Đỏ không ngon bằng Me Mẹ đâu, mà lại đắt hơn, chắc tại không chỉ bán bánh mà bán cả thương hiệu, như kiểu laptop Sony đắt vô lý ấy…

Ngoài ra, còn một loại bánh khác nổi tiếng không kém bèo nậm lọc là bánh khoái, nhất là bánh khoái Lạc Thiện (số 6 Đinh Tiên Hoàng, ngay ngã ba Đinh Tiên Hoàng giao với Trần Hưng Đạo). Bánh khoái ăn ngậy, thơm, nhưng chắc không ăn được nhiều vì sẽ dễ ngán.

Đến Huế nhất định phải ăn bún thịt nướng. Và nhân tiện ăn luôn cả bánh ướt thịt nướng. Thịt nướng ở đây ướp vừa đủ, không át mùi thơm của thịt, miếng thịt mềm chứ không bị khô. Các quán bánh ướt thịt nướng và bún thịt nướng ngon nằm trên mạn Kim Long – đường đi chùa Thiên Mụ. Đấy chính là lý do mà trong cái lịch trình này mình đã sắp xếp ăn sáng bún thịt nướng và sau đó đi thăm nhà vườn An Hiên và chùa Thiên Mụ. Trên đường Kim Long có vài quán bún thịt nướng, mình ăn thử thì thấy chất lượng không chênh lệch nhiều, trong đó nổi nhất là Huyền Anh ở K52 Kim Long (trong ngõ). Giá một tô bún thịt nướng ú ụ là 18.000đ.

Đến Huế nhất định phải ăn cơm Âm Phủ. Quán xưa chuyên phục vụ dân lao động làm việc muộn, dân văn sĩ giờ giấc lung tung, vốn chỉ bán hàng từ 11h đêm đến 5h sáng hôm sau, cái giờ hoang vu lạnh lẽo nên lâu dần thành tên. Các nhà văn Huế còn có câu đùa “Sáng làm việc dương gian, đêm ăn cơm Âm Phủ” chính là nhắc đến quán này. Cơm Âm Phủ thực ra là món cơm thập cẩm, trộn tí giò thái, trứng thái, ruốc tôm…, mình ăn thấy được, dù nghe dân Huế bảo chất lượng Âm Phủ giờ đã kém xưa nhiều. Nhân nói về chuyện kém xưa, quán Âm Phủ cũng đã từng là nơi có nem lụi ngon nhất Huế, song phong độ cũng sa sút theo kinh tế thị trường rồi. Gì thì gì, mình vẫn thấy đây là một trong những quán nên thử. Với cái giá 35.000đ một đĩa cơm thập cẩm, bạn sẽ thấy cả về chất và lượng đều hơn xa đĩa cơm ABC giá 65.000đ ở Hà Nội. Địa chỉ quán cơm Âm Phủ: 35 Nguyễn Thái Học. Cùng phố còn một nhà hàng nữa cũng treo biển Âm Phủ, thực ra cũng là chi nhánh của cái 35 kia, chất lượng ngang nhau. Ngoài cơm thập cẩm, quán còn có cơm gọi món, nhưng đắt hơn so với mặt bằng chung một chút.

Đến Huế nhất định phải ăn ở quán cơm chị Tẹo, 59 Hai Bà Trưng. Ở đây cơm ngon, rẻ, là điểm đến tin cậy của cả người Huế lẫn người không Huế. Thực ra là mình cũng chưa ăn thử, nhưng nghe ông anh người Huế và bà chị người Quảng Bình và chơi Huế đều khen nức nở thì mình thấy hoàn toàn có thể tin cậy được.

Và sau tất cả các thể loại xôi thịt, đến Huế phải đi ăn chay. Huế là một thành phố Phật giáo, và ăn chay ở Huế là hương thơm thanh tịnh trên da thịt Huế. Hầu như lần nào đến Huế, nếu được, mình cũng đều ghé quán cơm chay Liên Hoa – số 3 đường Lê Quý Đôn. Như hầu hết các quán Huế khác, đồ ăn ở đây rẻ kinh khủng, thậm chí trên cả kinh khủng. Nhóm bạn mình có 7 người, gọi tổng cộng 15 món, lúc đầu đứa nào cũng sợ cơm chay ăn không no, nhưng không ngờ ăn đến căng bụng, ôm bụng nhìn nhau thở nửa tiếng mới dám gọi thanh toán. Giờ phút thiêng liêng nhìn vào cái hóa đơn mới gọi là bật ngửa, vì chừng ấy món, cộng với 3 đĩa giò chay và 2 đĩa sushi chay đem về, mà tổng cộng cũng chỉ hết… 468.000đ. Không những thế, quán Liên Hoa này còn làm mình thích vì tất cả các món đều không làm giả thịt, không có kiểu chay giả thịt. Thế mới là ăn chay thực sự, chứ không phải miệng ăn chay nhưng tâm hồn thì xôi thịt, xét ra chả có ý nghĩa.

Một số địa chỉ ăn uống khác mình được khuyên nên thử là: quán bún đường Mai Thúc Loan (chỉ bắt đầu bán sau 9h đêm), khu hàng ăn uống sau chợ Đông Ba (phong phú về món ăn, chất lượng rất khá), quán bánh lọc Mụ Cai cuối đường Chi Lăng (mình chưa ăn thử, và nghe nói hơi khó tìm)…

Ăn đã chán và ngán, giờ mình đi tìm chỗ uống. Nói là uống nhưng vẫn dính tí xíu đến ăn, ví dụ như là ăn chè chẳng hạn. Sau khi la cà ăn chè chán chê, mình rút ra kết luận rằng chè Huế ở Huế đích thị là ngon hơn chè Huế ở Hà Nội bạn ạ. Có điều tất nhiên không phải quán chè nào ở Huế cũng ngon. Nếu bạn thuê xích lô đi ngắm thành phố, rồi các chú xích lô gợi ý bạn vào ăn chè ở một quán chè Hoàng Cung nào đấy thì tốt nhất là đừng thử. Kinh nghiệm cho thấy mấy quán đó thường là chè hoặc nhạt thếch, hoặc ngọt lợ, ăn rất khiếp. Quán mình thấy tạm được là chè Hẻm, ở hẻm 17 đường Hùng Vương. Nếu đi từ bên Đại Nội, qua cầu Trường Tiền, xuyên thẳng Hùng Vương thì hẻm 17 ở phía bên tay trái. Mình nghiệm thấy quán này các loại chè liên quan đến hạt (ngô, xanh) còn tạm được, chứ các món còn lại đều tầm tầm. Có lẽ theo thời gian quán cũng xuống cấp rồi. Một địa chỉ khác là chè Sao, 60 Phan Chu Trinh.

Vào quán chè Hẻm đường Hùng Vương, nhìn lên menu trên tường, bạn sẽ thấy một món nghe rất quái đản: chè bột lọc thịt quay. Hai khái niệm hoàn toàn chả liên quan gì đến nhau là chè bột lọc và thịt quay tự dưng lại dính chùm một cách khó hiểu. Nếu bạn thắc mắc nội dung món này thế nào, thì đúng như tên gọi của nó đấy, là thịt quay thái nhỏ bọc trong bột lọc. Thực ra chè Hẻm làm món này không ngon nên không cần phải thử. Quán ngay phía cửa Thượng Tứ mới là thánh địa của bột lọc thịt quay nhé.

Hết chè, ta tính đến quán cafe. Trong thành Nội có nhiều quán cafe phong cách Tây, mình lượn qua mấy lần mà cóc nhớ nổi tên, khổ lắm. Chỉ thấy nhiều người đến Huế ghé vào Vĩ Dạ Xưa, quán cafe đường Vĩ Dạ, nằm bên tay trái đường,  thẳng Lê Lợi xuống xuôi theo sông Hương. Quán này có cả đồ ăn, cả cafe sinh tố các kiểu, giá chấp nhận được (nói là chấp nhận được nghe cho lịch sự khoa học chứ đúng ra phải gọi là rẻ, có điều chữ “rẻ” này nhắc đi nhắc lại mãi rồi, nhàm tai quá). Không gian quán rộng rãi, yên tĩnh, bài trí kiểu xưa, có thể ngồi sát ra đến bên sông Hương nghe nước chảy… im lìm – vì sông Hương chảy dịu dàng quá, chả nghe thấy nổi gì đâu.

Một quán cafe nữa vị trí cực kỳ đắc địa, chính là lầu Tứ Phương Vô Sự ngay trên mặt cửa Bắc của Hoàng Thành, (phía đường Đoàn Thị Điểm – cũng là đường phượng bay trong nhạc Trịnh). Lầu Tứ Phương Vô Sự xưa là nơi đọc sách, hóng mát và ngắm cảnh của nhà vua cũng như các đồng chí khác trong Hoàng gia, nay trở thành quán cafe, vừa đem đến một không gian văn hóa xưa cũ, vừa đóng góp một nắm tiền nho nhỏ vào ngân sách tu bổ và bảo vệ Cấm Thành.

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt