Vậy là ngay khi vừa xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong chuyến công tác mới đây, khi hỏi đường về Trường ĐH Quốc gia Malaysia (UKM) bao giờ tôi cũng hỏi kèm “đi taxi đến đó hết bao nhiêu tiền” để biết đường mặc cả.
Một điểm bán vé đi taxi ở Malaysia |
Từ sân bay, đi trung chuyển bằng tàu điện đến trạm Putrayaja, định đón taxi về UKM thì tôi thấy nhiều hành khách cứ đưa vé cho tài xế rồi lên xe. Nhìn gần đó, tôi thấy một tấm biển ghi “Taxi service” (Dịch vụ taxi). Đến đây, nhân viên bán vé hỏi chính xác địa chỉ cần đến rồi chỉ vào màn hình hiện số cước phí, khách đồng ý đi thì trả tiền. Tôi trả 36,5 ringgit (khoảng 250.000 đồng) cho lộ trình của mình và được cô nhân viên đưa tấm vé bằng nửa lòng bàn tay ghi rõ điểm đi - đến.
Cầm vé, tôi đến một trong những chiếc taxi đậu thẳng hàng gần đó. Tài xế nhận vé, giữ một phần và trả lại cho tôi một phần, sau đó đưa tôi đến nơi. Tôi thấy việc mua vé đi taxi khiến tôi yên tâm hơn về giá cả, không lo bị “hố” khi trả giá cho một quãng đường mà mình chưa biết gần xa.
Gần đây báo chí nói nhiều về việc taxi ở các sân bay, nhà ga “chặt chém” du khách như cơm bữa. Một số hãng taxi cũng đã nỗ lực làm yên tâm khách hàng bằng cách đưa thẻ ghi số tài, số xe để khách phản ảnh khi gặp “sự cố”. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn tài xế sẽ không chạy lòng vòng để tính thêm tiền của khách đi xe, nhất là với những du khách lần đầu đến Việt Nam.
Việc bán vé đi taxi như cách Malaysia đang làm có thể là một tham khảo tốt để tạo yên tâm cho du khách. Chẳng hạn tại sân bay, nhà ga cần có bảng hướng dẫn đến quầy dịch vụ taxi. Ở các quầy dịch vụ này, du khách chỉ cần nói địa chỉ sẽ đến và nhân viên báo giá tiền. Du khách đồng ý với số cước thì trả tiền để lấy vé. Đối với những nơi cần phải mua vé cầu đường, phí ra vào sân bay, nhân viên bán vé có thể giải thích cho khách hàng hiểu và cộng thêm vào tiền vé. Nếu làm được như thế, chắc chắn khách sẽ không lo bị “chặt chém”, không lo đồng hồ đo kilômet của xe “bị hư” nên chạy quá nhanh.
Theo Tuổi trẻ