Hầu hết mọi phụ nữ mang thai đều có thể đi máy bay cho tới tuần 36. Theo các chuyên gia y tế, an toàn nhất là từ tuần lễ 18-24 của thai kỳ . Sau 36 tuần lễ sẽ có nhiều rủi ro khi đi máy bay .Tuy nhiên, cơ địa mỗi người là khác nhau nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi đặt vé máy bay.
Kể cả khi bạn đã đủ tiêu chuẩn và được sự đồng ý của bác sĩ để lên máy bay, vẫn có thể có một số rắc rối xảy ra và cản trở hành trình của bạn. Dưới đây mà một vài điều cần chú ý giúp chị em bầu bí yên tâm "cất cánh" và có một chuyến đi vui-khỏe-an toàn.
1. Tìm hiểu kĩ thủ tục của hãng hàng không
Các hãng hàng không khác nhau có những quy định, luật lệ khác nhau dành cho phụ nữ mang thai. Hãy tra cứu thông tin trên website chính thức của hãng hàng không bạn chọn. Một số hãng đòi hỏi bạn phải có giấy phép của bác sĩ, sổ khám thai hoặc phiếu siêu âm tuần tuổi của thai nhi, một số hãng không chấp nhận các bà bầu mang thai trên 35 tuần và không khuyến khích bà bầu từ 32-35 tuần.
Một số hãng đòi hỏi bạn phải có giấy phép của bác sĩ, sổ khám thai hoặc phiếu siêu âm tuần tuổi của thai nhi. (Ảnh minh họa) |
2. Chuẩn bị giấy tờ chứng nhận sức khỏe
Như đã nói ở trên, để tuân theo quy định của các hãng hàng không, bạn có thể phải cần tới giấy chứng nhận của bác sĩ. Ngoài ra, nếu bạn có phải mang theo loại thuốc nào đi cùng, hãy nhờ bác sĩ viết thư xác nhận vì sao bạn lại cần tới chúng để tránh gặp rắc rối khi check-in.
3. Phòng chống say máy bay
Khi mang thai, cơ thể thay đổi rất nhanh chóng. Ngày đặt vé, bạn còn cảm thấy rất khỏe khoắn nhưng ngày lên máy bay, có thể bạn sẽ phải trải qua cơn say tồi tệ nhất trong đời. Hãy mang một chút đồ ngọt, vài lát gừng tươi và nhớ chỉ ăn nhẹ nhàng trước khi khởi hành.
4. Đi WC trước khi lên máy bay
Phụ nữ mang thai thường phải đi tiểu thường xuyên và sàn khung xương chậu của bạn đang phải chịu nhiều áp lực. Vì thế, kể cả khi không cảm thấy cần thiết, bạn vẫn nên đi toilet trước khi lên máy bay.
5. Chọn chỗ ngồi dọc lối đi và gần nhà vệ sinh
Bà bầu nên chọn chỗ ngồi dọc lối đi và gần WC. (Ảnh minh họa) |
Bà bầu dành phần lớn thời gian cho việc đi vệ sinh. Hơn nữa, ốm nghén hoặc say máy bay có thể khiến bạn buồn nôn. Vì thế, hãy lựa chọn chỗ ngồi dọc lối đi và gần WC để chuyến bay thoải mái hơn.
6. Mang đồ ăn vặt
Để tránh tình trạng buồn nôn, nôn mửa hay đói bụng bất chợt hay gặp ở bà bầu, hãy mang vài đồ ăn vặt theo bên người. Nhớ chọn loại đồ ăn nhẹ nhàng, dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như bánh mì, bánh bích quy,...
7. Đừng ngại ngần khoe bụng bầu
Trên máy bay khá đông đúc và chật chội. Thể hiện rõ ràng mình đang mang thai sẽ giúp mọi người cẩn thận hơn và tránh xô đẩy bạn trong đám đông. Và tất nhiên, bà bầu luôn được ưu tiên và được mọi người sẵn sàng giúp đỡ hơn.
8. Chuẩn bị về mặt y tế
Tra cứu trên mạng trước các cơ sở y tế gần điểm đến của bạn phòng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Bà bầu cũng chỉ nên đi đến khu vực không quá xa, không nên bay ra nước ngoài hay đến nơi hoang vắng, thiếu cơ sở vật chất y tế hiện đại.
9. Hãy thư giãn!
Cứ yên tâm tận hưởng thời gian trên chuyến bay, khi mà không ai có thể gọi điện cho bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn có thể mang thêm một chiếc gối để có tư thế ngồi dễ chịu hơn. Thỉnh thoảng nên đứng dậy và đi lại để giảm nguy cơ sưng mắt cá chân, tụ máu hay bị chuột rút.
Theo Khampha