Vùng Tây Nam Bộ (hay còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long), người Sài Gòn thường gọi là miền Tây, bao gồm 13 tỉnh, thành phố: tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ (được coi là thủ phủ của miền Tây).
Hành trình đi bụi của các bạn nên bắt đầu từ Sài Gòn, theo con đường I trải dài từ đầu đến cuối đất nước. Điểm đầu tiên các bạn nên dừng chân nghỉ ngơi, thăm thú có lẽ là thành phố Tân An (tỉnh Long An) cách Sài Gòn khoảng 50km về hướng Nam. Đây có thể coi là vùng đệm giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, vừa thể hiện vùng sông nước Cửu Long, vừa thể hiện đặc trưng ven biển của một tỉnh miền Đông. Tuy nhiên, các điểm nổi bật của Long An tiếc là không nhiều. Bạn có thể ghé thăm thành phố Tân An và chụp ảnh ở khu tượng đài Long An!
Sau khi ghé thăm Long An, hành trình sẽ tiếp tục với thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Đặc trưng của miền sông nước được bắt đầu từ đây, nơi có con sông Tiền nổi tiếng. Ở Tiền Giang, bạn có thể thưởng thức những trái cây đặc sản như thanh long, vú sữa, xoài, chôm chôm… với giá rất rẻ (thanh long ruột đỏ chỉ khoảng 10.000 đồng/kg…). Các bạn có thể đi thăm các giồng, cồn (đảo giữa sông), thăm chùa Vĩnh Tràng, thăm trại rắn Đồng Tâm…
Bến Tre là điểm đến tiếp theo của chúng ta trên hành trình. Quê hương của “ai đứng như bóng dừa” chỉ cách Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 20km, qua cây cầu Rạch Miễu xinh đẹp. Nơi đây không chỉ có cô gái tóc dài với hàng dừa xanh soi bóng đâu nhé. Tới Bến Tre, các bạn có thể đi thăm các địa danh nổi tiếng như: Cồn Phụng, Cồn Quy, sân chim Vàm Hồ, khu lăng mộ Nguyễn Đình chiểu, vườn trái cây… và tượng đài Đồng Khởi.
Sau khi rời Bến Tre, qua phà Cổ Chiên chúng ta sẽ cập bến Trà Vinh (70km). Miền đất này khá đặc trưng với các lễ hội văn hóa của người Khmer. Nơi đây có khá nhiều đền, chùa, địa danh như ao Bà Om, chùa Cò, chùa Giồng lớn, chùa Nodol, chùa Hang, chùa Âng ghi đậm dấu ấn của người Khmer.
Từ Trà Vinh, trên con đường hướng về phía nam khoảng 45km, chúng ta đặt chân đến thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), quê hương của bánh pía, bún nước lèo. Các địa điểm đến thăm có lẽ sẽ là chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, vườn cò Tân Long… và đặc biệt, nếu các bạn đi vào dịp tháng 10 (âm lịch) các bạn sẽ có may mắn được tham dự lễ hội Ok om bok (lễ hội cúng trăng) nổi tiếng của người Khmer.
Sau khi thăm thú Trà Vinh, điểm đến tiếp theo sẽ là Bạc Liêu, quê hương của công tử Bạc Liêu. Ở đây, các bạn nên đi thăm vườn chim Bạc Liêu, biển Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, phật bà Nam Hải, tháp cổ Vĩnh Hưng, lang thang ở đường ven biển ngắm bình minh… Và đặc biệt, đến Bạc Liêu mà chưa đến thăm nhà công tử Bạc Liêu thì kể như chưa từng đến thăm Bạc Liêu mất rồi. Quần thể nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ. Ngôi nhà xây dựng năm 1919 được coi là bề thế nhất của Bạc Liêu thời đó, do kỹ sư người Pháp thiết kế và có nhiều vật liệu phải chở từ Pháp sang. Nhà công tử Bạc Liêu hiện được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng.
Chiều đi của hành trình miền Tây có lẽ sẽ kết thúc ở tỉnh cực nam của tổ quốc – tỉnh Cà Mau. Ở Cà Mau có 2 điểm bạn không thể bỏ qua đó là rừng ngập mặn U Minh và mũi cực Nam của tổ quốc – Mũi Cà Mau.
Đường ra đất mũi hiện giờ cũng tương đối thuận tiện khi cầu Năm Căn đã hoàn tất. Từ thành phố Cà Mau, theo con đường 1, các bạn đi khoảng 70km sẽ đến huyện Năm Căn, băng qua cây cầu này, bạn đi men theo con đường bê tông nhỏ (khoảng 20km) các bạn sẽ đến được cực nam của Tổ quốc.
Chi phí ăn uống ở các tỉnh miền Tây tương đối rẻ (trừ Cà Mau) và con người trong này rất thân thiện và thật thà, nên khi các bạn đi du lịch không sợ bị hiện tượng chặt chém, làm tiền như các điểm du lịch ngoài miền Bắc.
Hành trình lượt về mình sẽ viết ở một bài khác. Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ!
Dưới đây là một vài bức ảnh mình chụp được trong các chuyến hành trình khác nhau!