Vốn được coi là một trong những quốc gia có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, một tuần du lịch tự túc ở Nhật Bản cũng có thể “ngốn” hết cả nghìn USD ngân sách của bạn. Tuy nhiên, nếu là dân du lịch chuyên nghiệp, bạn sẽ nắm được những quy tắc cơ bản để có mức giá rẻ nhất cho mọi loại dịch vụ ở đất nước mặt trời mọc. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn có thể khám phá Nhật Bản trong cả tháng với mức chi phí hợp lý.
Mùa thu là một trong những thời điểm đẹp để du lịch sang Nhật Bản. Ảnh: Tokyotopguide |
Săn vé máy bay giá rẻ
Tìm vé máy bay đi Nhật giá rẻ có thể khó, nhưng là điều thực hiện được. Thông thường, vé khứ hồi dao động 700 - 800 USD, tùy từng hãng hàng không và nơi xuất phát.
Để bảo đảm kết quả tốt nhất, bạn nên bắt đầu săn vé trước khi khởi hành khoảng 6-8 tuần. Thời điểm thích hợp là mùa thu-đông (tháng 10 đến tháng 2) hoặc mùa xuân (tháng 3-4), khi hoa anh đào nở. Tuy vậy, đây cũng là giai đoạn cao điểm về du lịch nên giá cả sẽ đắt, dịch vụ nào cũng đông người.
Tìm chỗ nghỉ
Tại Nhật Bản, bạn có nhiều lựa chọn với các hình thức khác nhau như hostel (nhà trọ bình dân), căn hộ đi thuê (thông qua AirBnb) hay couchsurfing (ở trọ miễn phí trên toàn thế giới). Phòng hostel thường có giá 25-40 USD một đêm.
Nhiều hostel có không khí rất dễ chịu, thậm chí còn trang bị cả những hoạt động cộng đồng như hướng dẫn làm sushi hay dạy viết thư pháp. Để rẻ hơn và thêm nhiều trải nghiệm mới, bạn có thể cân nhắc qua đêm tại các quán cà phê manga. Còn với couchsurfing (tìm qua internet), dù là ở miễn phí, bạn vẫn nên chuẩn bị quà tặng cho gia chủ hoặc tự trả tiền những bữa ăn.
Phương tiện đi lại
Lời khuyên hữu ích là bạn nên dùng tàu hỏa, tàu điện, xe buýt khi ở xứ phù tang thay vì gọi taxi. Những phương tiện công cộng này đều sạch sẽ, an toàn và hiệu quả một cách hoàn hảo. Lưu ý quan trọng là tàu điện không chạy 24h. Tất cả mọi dịch vụ sẽ ngừng hoạt động muộn nhất vào 23h30 và mở lại vào 5h sáng hôm sau. Ngoài các phương tiện trên, đi bộ hay đạp xe cũng là ý hay.
Dịch vụ tàu điện ở Nhật Bản tương đối đắt, khoảng 2-3 USD một chuyến. Nếu phải đi ít nhất 5 chuyến, bạn nên cân nhắc mua vé trọn gói theo ngày (day pass). Khi di chuyển sang các vùng, miền khác, Nhật Bản còn có tàu hỏa siêu tốc. Tất nhiên bạn vẫn có thể đi tàu hỏa siêu tốc mà không cần mua day pass, chủ yếu phụ thuộc vào lộ trình và điểm đến. Giá vé một chiều dao động từ 50 USD đến trên 300 USD. Còn mua day pass sử dụng cho 7 ngày, bạn chỉ phải trả 300 USD. Trường hợp ngân sách quá hạn hẹp, xe buýt là lựa chọn tốt nhất.
Dạo phố và trò chuyện cùng người bản địa là phương án hiệu quả để tiết kiệm chi phí khi du lịch ở xứ sở hoa anh đào. Ảnh: Theworldisnotflat.com |
Ăn uống
Đây có thể xem là một trong những phần chi tiêu tốn kém nhưng dễ kiểm soát nhất khi ở xứ sở hoa anh đào. Bạn cần thận trọng bởi các loại rau quả nơi đây khá đắt. Nếu đang ở quận đông vui như Asakusa (Tokyo) hay Shinsaibashi (Osaka), lời khuyên hữu ích là tránh xa các phố chính hay điểm mua sắm.
Những nhà hàng nhỏ trong các con hẻm chính là thiên đường dành cho bạn. Nơi đây có đủ loại thức ăn ngon, đậm tính địa phương lại yên tĩnh, giá cả rất phải chăng. Chẳng hạn, một bát mỳ trên phố chính ở quận Asakusa có thể tốn 800-900 yên (tương đương 7,5 USD hay gần 160.000 đồng) nhưng chỉ cần đi bộ thêm 10 phút vào trạm Kuramae, mức giá đã giảm còn 200-300 yên.
Điểm hạn chế là phần lớn thực đơn tại những nhà hàng này chỉ có tiếng Nhật. Rất có thể bạn sẽ phải nhìn hình đoán món và chọn. Với cách làm này, trung bình mỗi bữa, bạn chỉ tốn khoảng 700 yên (6,5 USD).
Điểm tham quan
Thay vì chen chân ở những điểm du lịch nổi tiếng, bạn có thể tản bộ, lên núi, trò chuyện cùng bất cứ ai gặp trên đường, chụp ảnh. Nhật Bản có rất nhiều đền nhưng bạn không nhất thiết phải chi cả núi tiền để đến thăm từng nơi. Nhiều du khách chia sẻ thực tế là "cuối cùng bạn cũng phát hiện ra chúng đều có vẻ đẹp hao hao nhau".
Sử dụng mạng lưới couchsurfing để tìm những người bạn bản địa cũng là ý tưởng hay. Có nhiều cách tiết kiệm giúp bạn hòa mình vào thế giới người Nhật Bản, chẳng hạn tham gia các buổi picnic cùng họ hay nhìn ngắm lũ trẻ con tập thể dục trong công viên.
Điện thoại
Tại sân bay, bạn có nhiều lựa chọn về việc thuê điện thoại hay sim trong suốt thời gian lưu trú. Việc đặt trước dịch vụ này từ nhà là điều cần thiết. Giá thuê sim khoảng hơn 100 yên mỗi ngày (tương đương 0,97 USD) nhưng phải đặt cọc trước (400 USD, sẽ được hoàn trả sau đó). Số tiền này chưa tính đến khoản 1.500 yên (gần 14 USD) mỗi ngày để dùng internet không giới hạn dung lượng. Nếu không cần gọi điện nhiều, tốt nhất bạn nên dùng Skype hay Viber (qua internet) để tiết kiệm thêm chi phí.
Sóng wifi
Thông thường, Nhật Bản không cung cấp dịch vụ wifi công cộng miễn phí. Tuy vậy, bạn vẫn có thể truy cập internet miễn phí từ sân bay, các quán cà phê Starbucks, trạm xe lửa và trong các hostel. Nếu thuê sim điện thoại của Soft Bank, bạn cũng được dùng wifi miễn phí trong 14 ngày ở bất cứ đâu trên đất Nhật Bản.
Tiền bạc
Mẹo hữu ích là hãy luôn giữ tiền mặt. Bạn có thể gặp khó khăn khi rút tiền tại các cây ATM và bị tính phí. Dù ngày nay, nhiều dịch vụ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền mặt vẫn được xem là “vua” ở Nhật Bản.
Theo VnExpress