Tuyến quốc lộ 1A cũ
Thủy đình ở đền Đô, Bắc Ninh. Ảnh: Khoa Linh |
Từ trung tâm Hà Nội, qua cầu Chương Dương bạn có thể đi dọc quốc lộ 1A để thăm quan Bắc Ninh. Điểm dừng chân đầu tiên là Đền Đô (thuộc xóm Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn). Đền vừa được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia năm 2015. Đây là quần thể di tích thờ 8 vị vua đời Lý. Khu di tích này có 20 hạng mục công trình, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo. Khi đến Đền Đô bạn cũng có thể đi bộ để ngắm đình Đình Bảng, một công trình kiến trúc cổ độc đáo.
Chùa Tiêu là một trong những chùa cổ và lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet |
Tiếp tục hành trình (khoảng 5 km), bạn có thể ghé qua khu chùa Tiêu (thôn Tiêu Long, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn). Chùa Tiêu còn có tên là chùa Thiên Tâm hoặc Tiêu Sơn tự, chùa nằm trên lưng chừng núi Tiêu, là một trong những trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất và lớn nhất của Việt Nam. Đây là một danh thắng nổi tiếng, những công trình còn lại của chùa Tiêu hiện nay là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Đến chùa Tiêu bạn có thể được chiêm ngưỡng nhục thân của thiền sư Như Trí, ngài viên tịch 1723 nhưng đến nay thân xác vẫn dường như nguyên vẹn. Đứng trên đỉnh núi Tiêu ngắm xuống chính là dòng Tiêu Tương thơ mộng. Đây chính là dòng sông diễn ra thiên tình sử bi đát nhất trong kho tàng dân gian Việt Nam Trương Chi – Mỵ Nương.
Tượng đức Phật và tháp Báo Thiên tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Ảnh: Internet |
Kết thúc hành trình, bạn có thể dừng chân ở chùa Phật Tích (nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa cũng đã được công nhận là di tích đặc biệt quốc gia năm 2015.
Tuyến Bắc Ninh, Quế Võ
Từ Hà Nội đi theo đường cao tốc chỉ mất khoảng 45 phút bạn có thể đến thành phố Bắc Ninh để bắt đầu hành trình khám phá, du xuân của mình. Ở đây bạn có thể tới ngắm và chụp ảnh hoa hướng dương ở Chùa Cổ Pháp, khu Đông, Phường Khắc Niệm, T.P Bắc Ninh. Đi ăn cháo Cá khu cầu Cạn.
Chùa Hàm Long nổi tiếng là chùa "nhốt ma" lớn nhất Việt Nam. Ảnh: baomoi |
Nếu bạn không yếu bóng vía có thể đến ngôi chùa “nhốt ma” lớn nhất Việt Nam. Chùa Hàm Long, thuộc phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh. Từ trong Nam ngoài Bắc, gia đình nào có trùng tang đều đem về đó gửi. Đường lên chùa đi qua những bậc đá chen giữa gốc cây, bụi cỏ rất thơ mộng. Hàng ngày, vào buổi chiều, các sư ở đây cho nấu một nồi cháo to, cúng thí thực cho Trùng và vong bị nhốt ở đây. Vào buổi sáng, các nhà sư tụng kinh niệm Phật cúng vong rất cẩn thận.
Sản phẩm gốm Phù Lãng. Ảnh: VnExpress |
Men theo đường quốc lộ 18 chừng 15 km bạn có thể kết thúc hành trình tại làng gốm Phù Lãng. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Ngôi làng này giờ có nhiều nhà mở cửa cho khách du lịch tham quan cách làm gốm, bạn có thể trực tiếp làm và mua các sản phẩm ở đây.
Men theo bờ đê bên kia sông Đuống
Từ Hà Nội đi quốc lộ 5 chừng 5 km rẽ đường Cổ Bi rồi men theo bờ đê sông Đuống, bạn sẽ cảm nhận một không gian thanh bình trên đường đi. Ở đây bạn cũng có thể tham quan nhiều di tích rất thú vị. Điểm đầu tiên là chùa Bút Tháp thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, nhân dân trong vùng còn gọi là chùa Nhạn Tháp. Trong chùa có tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.
Đền là lăng Kinh Dương Vương thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Kinh Dương Vương chính là bố đẻ ra Lạc Long Quân từng lên ngôi vương đặt nước là Xích Quỷ, đóng đô ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Di tích này vừa được tôn tạo nằm quay mặt xuống dòng sông Đuống rất thơ mộng.
Làng tranh Đông Hồ. Ảnh: Internet |
Làng Tranh Đông Hồ thuộc thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Trong làng còn 2 nhà làm tranh là gia đình ông Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Bạn có thể tham quan và mua tranh tại đây.
Núi Thiên Thai: thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một ngọn núi có nhiều huyền bí, trong lòng núi có hệ thống hang ngầm bằng bê tông cho bạn trải nghiệm, trên đỉnh là bốt được xây từ thời Pháp, trên này có các anh bộ đội đóng quân, bạn có thể nhờ cho lên bốt xem phong cảnh. Dưới chân núi là đền thờ Lê Văn Thịnh, vị trạng nguyên khai khoa của Việt Nam.
Kết thúc điểm hành trình này, bạn có thể đến khu di tích Lệ Chi Viên (thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình). Đây chính là nơi diễn ra vụ án oan khuất trong lịch sử Việt Nam đại án chém 3 họ nhà đại thần Nguyễn Trãi. Khu di tích mới được xây dựng nên có nhiều công trình rất đẹp.
Dọc theo tỉnh lộ 283
Chùa Dâu ngày nay. Ảnh: Internet |
Chùa Dâu do Mạc Ðĩnh Chi đứng ra dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14. Ảnh: Internet |
Từ Hà Nội theo quốc lộ 5, rẽ trái đoạn Sủi, Keo bạn có thể đến chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành). Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Từ đây bạn có thể đến thành Luy Lâu (gần đối diện chùa Dâu). Đây chính là “Thủ Đô” của Việt Nam suốt 1000 năm Bắc Thuộc.
Đền và lăng Sĩ Nhiếp thuộc thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành. Ngôi đền này thờ vị Nam giao học tổ Sĩ Nhiếp thời kỳ Bắc Thuộc (cùng thời Tam Quốc). Ông là người có công đầu tiên truyền bá nho học vào Việt Nam.
Khu di tích Bình Than cuối tỉnh lộ này bạn có thể đến xã Cao Đức (huyện Gia Bình). Ở đây có nhiều điểm di tích thờ Cao Lỗ Vương (người chế tạo nỏ thần thời Thục Phán An Dương Vương) như Đền, Lăng, Đình…. Nếu còn thời gian bạn có thể đi đò ra bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ ở giữa Lục Đầu Giang. Đây là ngôi đền nằm giữa sông thờ tam tòa thánh Mẫu rất Linh thiêng.
Hiếu Anh