Hai mẹ con bà Mariam tầm 70 và 50 tuổi, đang trên đường sang Edinburgh thăm cháu/con gái mình. Trước khi biết họ là người Giordani, tôi cứ đinh ninh họ hẳn là những bà già Ba Lan, những người theo lời kể của ông ngoại tôi, to béo, da nhăn nheo, có nụ cười phúc hậu và ân cần. Họ mặc chiếc áo nỉ bán nhiều ở các cửa hàng giảm giá, để trên bàn một chiếc túi du lịch đen thật to, rồi lôi từ đó ra đủ thứ bánh trái nhiệt tình mời, cứ như thể tôi sắp đói lả đi đấy.
Tàu tới ga, tôi hỏi, hai bà về nhà bằng gì. “Bằng xe buýt”, rồi bà gập người sau cái xe đẩy chất ba chiếc vali to đùng nặng nề lên dốc. Hẳn trong đó là quần áo và quà bánh cho đám cháu, mà cũng không chắc chúng đã thích. Mùi vị đầu tiên của Edinburgh là vậy, cay cay.
Khách sạn tôi chọn nằm ngay trung tâm khu Old Town, trên con đường Grassmarket, nơi tập trung nhiều quán pub, đặc biệt có The White Hart Inn, quán cổ nhất ở Edinburgh (có từ đầu thế kỷ 16, quãng thời gian Old Town bắt đầu thành hình và trở nên sầm uất). Nói đến Edinburgh, người ta nhắc tới Old Town và New Town, hai quận đều là di sản thế giới với khoảng 4.500 toà nhà được công nhận (mức tập trung cao nhất thế giới).
Lằn ranh giữa Old Town và New Town là đại lộ mua sắm Princess Street. Đứng ở đây nhìn về Old Town là khung cảnh hùng vĩ của những toà nhà mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung cổ nằm chen nhau trên triền núi đá. Cảnh tượng này về đêm càng tráng lệ.
Khi người đạp xe lôi đưa tôi đi một vòng thành phố vào buổi tối đầu tiên tới Edinburgh, tôi đã thốt lên sững sờ trước khung cảnh này: những khách sạn, ngân hàng Scotland, Lâu đài Edinburgh... được trang hoàng bằng vô vàn nét vẽ ánh sáng hoàn hảo, vừa rực rỡ vừa bí ẩn. Tôi khoác chiếc khăn đặc chất Scotland, leo lên một con đường dốc đủ để phải hơi nhấn bàn chân mỗi bước đi, và khi ngỡ đã tới đỉnh đồi, lại thấy một cầu thang nhỏ và tối dẫn lên trên. Tò mò leo lên, bước tới bậc cuối cùng, trước mắt tôi mở ra một đại lộ rộng thênh thang với những nhà thờ cao vút, cao tới mức tôi gần như phải nằm xuống đất mới chụp được hết đỉnh của nó.
Ở Old Town có vài địa điểm du khách không thể bỏ qua. Tất nhiên, với mỗi người thì điểm- nhất-định-phải-đến này lại khác nhau chút đỉnh. Nhưng chẳng nên hoang mang làm gì, những tập catalogue để đầy các khách sạn khiến người ta dễ dàng biết được mình cần làm gì trong những ngày ở Edinburgh. Còn tôi, có hai thứ tôi không thể quên. Đó là tiếng kèn túi mà những người đàn ông “mặc váy” đứng thổi mải miết đâu đó trong thành phố; và khu vườn Hoàng gia. Trên thế giới có hai phong cách vườn tiêu biểu nhất là vườn Nhật và vườn Anh. Nếu như vườn Nhật có sự tinh tế của tâm Thiền, thì vườn Anh lại là minh chứng hoàn hảo cho sự tinh tế của lòng kiêu hãnh.
Cái tên New Town khiến người ta nghĩ đến sự tương phản như ngày và đêm. Đúng là ở đây, bạn có thể bắt gặp hầu hết các nhãn hàng xa xỉ toàn cầu, nhưng hãy nhớ rằng khu vực này cũng đã bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ 18, bởi vậy mà các kiến trúc toà nhà và tượng đài ở đây rất đáng để chiêm ngưỡng. Người Edinburgh nhanh trí mở tour Edinburgh chạng vạng (chẳng biết có phải ăn theo mối tình Ma cà rồng và thiếu nữ ngây thơ hay không), đưa du khách đi bộ quanh khu New Town vào các buổi chiều tà. Có lẽ ráng chiều khoác lên một vẻ bí ẩn nào đó cho New Town rực sáng.
Như đã nói, tôi ở trong khu Old Town, nơi mà cứ 7 giờ tối, đám du khách tứ phương lại tụ tập chật ních ở các quán pub, uống bia, hò hét, vài nhóm mặc đồng phục quậy tưng. Họ uống và hát hò có khi tới 1 – 2 giờ sáng. Để rồi hôm sau, khi mở cửa lúc 10 giờ sáng, ùa vào tôi là thứ không khí lành lạnh tinh khôi của một sớm tinh mơ, gió thổi vi vút trên con đường vắng tanh của thành phố ngủ muộn.
Nên tôi gọi New Town là thành phố của ngày và Old Town là thành phố của đêm.