Thông thường, nhiều người chỉ nghĩ nuôi gà để chọi hoặc ăn, không phải làm cảnh. Tuy nhiên ở Hà Nội, thú chơi gà cảnh đang nổi lên như một thứ mốt thu hút người dân. Câu lạc bộ gà cảnh Tây Hồ ra đời như một lẽ tự nhiên.
Câu lạc bộ họp vào 8h30 chủ nhật của tuần thứ 2 hàng tháng tại số 456 Hoàng Hoa Thám. Chỉ cần có gà là bất kể ai cũng dễ dàng tham gia.
Giống thường được chọn là gà tre. Trong đó, gà tre Tân Châu (An Giang) luôn là lựa chọn ưa thích của dân chơi gà cảnh. Chúng có vóc dáng gần giống gà rừng nhưng nhỏ con, thấp. Trọng lượng tối đa 800 - 900 gam với con trống, 700 - 800 gam cho con mái. Gà tre ít có giá trị về thịt nhưng ngoại hình đẹp mắt .
Những buổi tụ họp như thế này là dịp để mọi người công nhận thành quả của nhau, bình phẩm về cách nuôi và chăm sóc gà, kết nối cộng đồng.
Chơi gà cảnh đòi hỏi phải có sự đam mê mới chinh phục được con vật tưởng chừng rất dễ nuôi. Nhìn cách chủ gà chăm sóc, cưng chiều những chú gà mới thấy hết công phu của thú chơi này.
Người chơi phải dành tâm huyết để phối và chọn giống, tạo nên sự khác biệt. Gà chọn làm cảnh thường là con trống bởi hình dáng oai vệ. Ngoài ra, chúng còn phải đáp ứng các tiêu chí về màu sắc và bộ lông. Cụ thể, nên chọn gà có màu tươi sáng, sặc sỡ, bắt mắt, mặt và mào nhỏ, tích (dưới càm) ngắn, lông bờm dài, dày. Riêng bộ cánh phải dài phủ chấm chân; đuôi dài, dầy và cong chênh chếch 45 độ. Vì lông gà mềm nên còn có cách gọi là gà tre xứ lụa.
Một chú gà lông trắng tuyền không bị pha gọi là màu nhạn. Lông bờm phủ lên phần trên lưng tiếp giáp sát đuôi được gọi là đẹp.
Một chú gà oai phong với "bộ râu".
Gà Tân Châu chân ngắn, lông mượt, màu sắc đẹp như một vũ công đầy kiêu sa.
Màu khét là sắc đặc trưng của gà Tân Châu.
Chơi gà cảnh cũng lắm công phu, không chỉ cần thời gian, công sức mà còn nhiều phụ kiện chăm sóc như thú cưng.
Gà tre cũng thích chọi, vì thế chúng luôn phải được cách ly để tránh làm hỏng bộ lông đẹp.