Lễ hội Danjiri được tổ chức hàng năm vào ngày 14 và 15 tháng 9 tại Kishiki ở Kishiwada, thành phố Osaka. Lễ hội bắt nguồn từ lễ hội tạ mùa vào năm 1703, sự hiện diện của chúa trời trong lễ hội Danjiri đem lại những cảm giác phiêu lưu cực mạnh cho những người tham gia.
Trong lễ hội này, có khoảng 30 người Osaka tham gia với những chiếc xe trọng tải lớn được làm bằng gỗ (Danjiri guruma) có hình dáng của một ngôi đền, chùa. Những chiếc xe này thường được chế tác từ gỗ mộc, được chạm khắc, trang trí rất công phu, tỉ mỉ. Trước khi vào cuộc, người dự thi sẽ phải uống rượu cho tới khi say mèm rồi ngồi vào khoang lái của xe. Xe chạy xuống phố, và cuộc đua thực sự bắt đầu.
Trong tín ngưỡng tôn giáo của người Nhật, mỗi một chiếc xe Danjiri đều có một linh hồn hay một vị thần trú ngụ. Tùy thuộc vào các lễ hội và địa phương, nó cũng có thể được gọi là dashi, yamagasa hoặc Yatai.
Trong ngày lễ, những chiếc xe Danjiri sẽ được đẩy qua từng dãy phố. Thành viên tham gia đẩy xe sẽ mặc Happi - một loại áo truyền thống, đầu quấn khăn. Không khí của lễ hội càng thêm phần náo nhiệt khi mọi người vừa đẩy xe vừa hô to câu nói “Hò dô ta” ( kakegoe) cùng nhạc điệu phát ra từ những cỗ xe Danjiri. Tất cả các xe Danjiri sẽ được đẩy ra cùng một lúc trên khắp các phố. Lễ hội kết thúc khi những chiếc xe Danjiri được đẩy đến, tập trung ở địa điểm diễn ra lễ thờ cúng thần linh.
Những chiếc xe kéo được đẩy đi xung quanh thị trấn càng nhanh càng tốt. Danjiri được thiết kế để có thể giữ thăng bằng khi qua các góc cua và nổi bật của lễ hội này là cảnh Danjiri đột ngột thay đổi hướng đi giữa đường phố chật hẹp.
Mỗi năm, có vô số thông báo về tình trạng gãy xương, sứt sẹo hay các loại chấn thương khác của các tuyển thủ. Không những va chạm, xô đẩy, các bác tài say xỉn này còn lao vào nhau chiến đấu vì những lí do chẳng đâu vào đâu. Thậm chí có người tham dự lễ hội đã phải bỏ mạng vì trò chơi thật như đùa này. Chính vì sự nguy hiểm này mà ban tổ chức yêu cầu toàn bộ những người tham gia lễ hội phải đóng bảo hiểm.
Theo Dân trí