Theo các nhà khảo cổ, những chiếc chum này đã được tạo ra từ 1.500 đến 2.000 năm trước. Chủ nhân của chúng là những cư dân thuộc nhóm sắc tộc Môn - Khmer, mà nền văn hóa của họ vẫn nằm trong màn sương mù của lịch sử.
Mục đích của những chiếc chum cũng là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Theo các nhà nhân loại và khảo cổ họ, chúng có thể là một hình thức mộ táng, hoặc đơn giản hơn là để tích trữ thực phẩm.
Trong khi đó, người Lào cũng có những lý giải của riêng mình. Các câu chuyện huyền thoại của xứ Triệu Voi cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, một vị vua cổ đại tên đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo để ăn mừng chiến thắng.
Những năm 1930, nhà khảo cổ học người PhápMadeleine Colani đã cùng với nhóm nghiên cứu của mình khai quật khu vực cánh đồng chum và phát hiện ra một hang động gần đấy với các di hài của con người. Hang động này đã bị hư hại trong thời gian chiến tranh Việt Nam do bom Mỹ.
Cũng do hậu quả từ cuộc chiến mà cánh đồng chum vẫn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Những quả bom chưa nổ còn sót lại rất nhiều và thường xuyên gây thương tích cho con người.
Vì vậy, du khách đến thăm quan được yêu cầu phải tuân theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên cũng như những biển cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đánh liều với tính mạng của mình để khám phá những vùng cấm của cánh đồng chum.
Theo Kienthuc