Tham khảo những gợi ý dưới đây, bạn sẽ có chuyến du xuân đầu năm thú vị ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Chuẩn bị
Tết là dịp diện những bộ quần áo đẹp để đi chơi, chụp ảnh..., nhưng không nên vì thế mà mang theo quá nhiều quần áo. Các chuyến du xuân ở Quảng Ninh thường chỉ kéo dài khoảng 1-3 ngày. Ngoài áo khoác ấm, có thể chống gió, mưa, bạn chỉ cần mang theo 1-2 bộ đồ mặc bên trong. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên mang theo giày (đế chống trơn trượt) để dễ dàng leo núi và tham quan thuận tiện.
Đi lại
Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Quảng Ninh chủ yếu nằm dọc quốc lộ 18, thuộc địa bàn thành phố Uông Bí, Hạ Long, huyện Vân Đồn, cách Hà Nội từ 120 đến 220 km. Do đó, ngoài thuê ô tô riêng, bạn cũng có thể du xuân bằng xe máy với lộ trình rất dễ đi.
Các tuyến xe khách Hà Nội - Quảng Ninh hoạt động ngay từ mùng 1 Tết, nhưng nhiều phải từ mùng 2. Bạn có thể bắt xe từ bến Mỹ Đình, Gia Lâm hoặc Lương Yên. Giá vé tuyến Hà Nội - Cửa Ông là 120.000 đồng, Hà Nội - Hạ Long là 100.000 đồng.
Với những điểm nằm xa quốc lộ 18, cách thuận tiện nhất là bắt xe buýt để vào như Yên Tử (xe phục vụ lễ hội của ban quản lý đón ở chùa Trình), Cái Bầu (xe 01, bắt ở ngã 3 Cửa Ông, đoạn rẽ vào Vân Đồn)...
Tòa tháp cao 7 tầng nằm ngay phía trên nhà ga cáp treo lên chùa Đồng. Ảnh: Bùi Việt Đức |
Dọc tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, ngày thường có rất nhiều nhà hàng để dừng chân nghỉ và ăn uống. Tuy nhiên, vào dịp Tết hầu hết đều đóng cửa, chủ yếu là các quán nhỏ mở ven đường hoặc gần các điểm du lịch tâm linh phục vụ những loại bún, miến, mỳ, phở... với giá khá đắt.
Ăn, nghỉ
Do đó, tốt nhất bạn nên chuẩn bị trước đồ ăn để tránh phải tìm kiếm địa điểm, bảo đảm vệ sinh và tiết kiệm. Nếu nghỉ dọc đường, bạn có thể ghé nhà hàng 559, Anh Quân ở Hải Dương.
Nếu đi qua ngày, bạn nên nghỉ đêm gần khu vực đền chùa nơi mình đến thăm để tiết kiệm thời gian di chuyển. Phòng khách sạn, nhà nghỉ hoặc nhà trọ nơi đây tùy theo túi tiền (100.000 - 500.000 đồng một phòng). Nên liên hệ trước để chắc chắn còn phòng.
Địa điểm du xuân
Di tích Yên Tử: Theo hướng Hà Nội - Quảng Ninh, đây là điểm du lịch tâm linh đầu tiên cần ghé tới. Mỗi năm vào mùa lễ hội (từ mùng 10 đến hết tháng 3 âm lịch), Yên Tử đón hàng triệu lượt khách ghé thăm. Hành trình du xuân Yên Tử bắt đầu từ đền Trình (trên quốc lộ 18), qua đường bộ hoặc cáp treo (2 chặng) để lên chùa Hoa Yên, An Kỳ Sinh và đỉnh chùa Đồng. Giá cáp treo là 60.000-80.000 đồng mỗi chiều một chặng (gồm trẻ em, người lớn). Phí tham quan: 10.000 đồng mỗi người.
Chùa Ba Vàng có chính điện rộng tới 3.500 m2 lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: Bùi Việt Đức |
Đền Cái Lân - Chùa Long Tiên - Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn: Đây là ba điểm tâm linh nổi tiếng của thành phố Hạ Long, nằm khá gần nhau. Đền Cái Lân gồm đền cũ và đền mới tọa lạc ở chân cầu Bãi Cháy, thờ mẫu Thoải. Chùa Long Tiên nằm gần chợ Hạ Long, thờ Phật, các tướng lĩnh nhà Trần và Tam Phủ Thánh Mẫu. Trong khi đó, đ ền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn (con thứ của Trần Hưng Đạo), nằm ngay dưới chân núi Bài Thơ. Chùa Ba Vàng: Nằm ở phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, đây là ngôi chùa có chính điện lớn kỷ lục Việt Nam, mới được khánh thành ngày 9/3/2014. Không chỉ khang trang, rộng rãi, chùa Ba Vàng còn có vị trí rất đẹp khi phía trước là sông, sau lưng là núi, hai bên có rừng thông xanh ngát. Nhờ hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá - lịch sử, chùa là nơi tham quan, vãn cảnh lý tưởng cho du khách mùa xuân này.
Đền Cửa Ông - Đền Cặp Tiên: Đây là hai ngôi đền nổi tiếng nằm ở phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, chỉ cách nhau chừng một km. Trong đó, đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (con trai của Trần Hưng Đạo) nằm trên một ngọn đồi, nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long. Đền Cặp Tiên (trước thờ con gái Trần Quốc Toản, sau thờ một vị quan chánh trong vùng) cũng có vị thế đẹp không kém với lưng tựa núi, mặt hướng biển.
Chùa Cái Bầu thế tựa núi, mặt hướng biển. Ảnh: Lê Duy Hưng |
Chùa Cái Bầu: Cách đền Cửa Ông khoảng 20km, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (hay chùa Cái Bầu) là điểm đến hút khách bậc nhất ở Quảng Ninh nhờ vị thế đẹp, kiến trúc khang trang, độc đáo. Du khách đến chùa không chỉ cầu an, may mắn, sức khỏe mà còn được thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng biển trời Đông Bắc. Tại đây, du khách được gửi xe và phục vụ cơm chay miễn phí.
Lịch trình tham khảo
Ngày 1: Hà Nội - Yên Tử (nghỉ đêm tại Yên Tử)
Ngày 2: Yên Tử - Chùa Ba Vàng - Đền Cái Lân - Chùa Long Tiên - Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (nghỉ đêm tại Hạ Long)
Ngày 3: Hạ Long - Đền Cửa Ông - Đền Cặp Tiên - Chùa Cái Bầu - Hà Nội
Lưu ý
Bạn cần lên kế hoạch du xuân ngay từ bây giờ, sắp xếp thời gian trong bao lâu, số lượng người để dự trù kinh phí, thuê xe, chỗ ăn nghỉ. Vào dịp Tết, các dịch vụ này không nhiều, lại dễ bị ép giá nên càng đặt sớm bạn sẽ càng được giá tốt.
Không nên mang theo người quá nhiều tiền mặt, đồ trang sức đắt tiền. Nếu có, hãy cất thật kỹ để tránh xảy ra tình trạng thất lạc, mất cắp.
Khi mua bất cứ thứ gì nên hỏi giá trước và mặc cả.
Trang phục nên gọn gàng, ấm áp và lịch sự.
Theo VnExpress