Trước đó, khi người dùng tìm kiếm từ “Hoàng Sa” hay “Paracel Islands” trên Google, kết quả tìm kiếm đầu tiên đều dẫn nguồn từ trang từ điển trực tuyến Wikipedia ghi: “Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở biển Đông”, xuất hiện dòng chữ “Tỉnh: Hải Nam”, ngụ ý Hoàng Sa là một phần của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Kết quả tìm kiếm từ "Hoàng Sa" trên Google trước đây ghi rõ quần đảo Hoàng Sa là "nhóm đảo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Ảnh: Thanhnien. |
Tuy nhiên, hiện nay khi tìm kiếm “Hoàng Sa” trên Google dòng “Tỉnh: Hải Nam” đã biến mất. Phần mô tả cũng nêu chi tiết hơn khi liệt kê tên gọi của Hoàng Sa theo cả tiếng Trung và tiếng Việt. Khi nhìn phần hiển thị kết quả ở góc phải màn hình, không còn dòng kết quả quần đảo Hoàng Sa là “Nhóm đảo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Island group in China).
Trong cập nhật mới nhất, Google đã bỏ ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Thanhnien. |
Động thái này của Google có thể bắt nguồn từ sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng mạng Việt Nam khi sử dụng chức năng “Phản hồi”. Theo đó, chức năng “Phản hồi” trên Google được dành cho người dùng trong trường hợp phát hiện các lỗi, thông tin sai khi tìm kiếm. Người dùng có thể bấm vào nút “Phản hồi”, chọn lỗi rồi chỉnh sửa và gửi lên Google. Với chức năng ngày “người khổng lồ Google” hi vọng công cụ tìm kiếm trên internet sẽ được cải thiện, nâng cấp và đáng tin hơn với người dùng.
Trước đây, Google cũng từng gọi Hoàng Sa và Trường Sa theo tên quốc tế là China Paracel Islands và China Spratly Islands. Sau nhiều ý kiến tranh cãi, Google đã đổi tên quốc tế thành Paracel Islands và Spratly Islands.
Huyện đảo Hoàng Sa là một đơn vị hành chính trực thuộc Thành phố Đà Nẵng, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Sau trận hải chiến năm 1974 giữa Việt Nam và Trung Quốc đến nay, Trung Quốc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Còn Việt Nam vẫn là bên có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa.
Gần đây, Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã hiên ngang tuyên bố với thế giới rằng, “Trung Quốc có quyền thành lập khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông” bất chấp sự quan ngại của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.
Sự thay đổi trong kết quả tìm kiếm của Google khiến người dùng mạng đánh giá rằng, động thái của Google chứng tỏ “người khổng lồ” không công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa.
Đặng Huy