Nhiều du khách khi đến thăm hai địa danh này đều ngỡ ngàng trước những gam màu tự nhiên trên khắp các ngọn đồi như được sơn phủ theo chủ đích của con người.
Đồi Sơn, Oregon, Mỹ
Dải cầu vồng rực rỡ ở Đồi Sơn, Mỹ. Ảnh: Amusingplanet |
Dải đồi sơn là một trong ba khu vực chính của Đài tưởng niệm hóa thạch quốc gia John Day bao gồm Dãy đá Cừu và Clarno nằm ở Hạt Wheeler, bang Oregon nước Mỹ. Tên gọi Đồi Sơn của địa danh xuất phát từ việc những lớp màu như cầu vồng phủ khắp các ngọn đồi. Hiện tượng này xảy ra tương ứng với hàng loạt thời kỳ thay đổi địa chất khác nhau.
Trước đây, nơi này là một đồng bằng sông cổ rộng lớn, qua hàng loạt kiến tạo địa chất, đồi núi được hình thành và những chuỗi màu sắc bao phủ bên trên chính là những lớp địa chất giàu đất sét được hình thành từ hơn 35 triệu năm bởi lớp tro núi lửa phun trào. Theo thời gian, các lớp tro có chứa khoáng chất khác nhau thấm dần và tạo thành đá có màu sắc y hệt như màu phủ bên ngoài.
Những lớp màu màu đen là than non được hình thành từ nhiều loại thực vật phát triển trong đồng bằng sông cổ. Lớp màu xám là đá bùn, bột đá và đá phèn sét. Màu đỏ và màu da cam là từ đất đá ong hình thành bởi lớp bồi phù sa khi vùng đồng bằng trong mùa ấm ẩm. Kỳ diệu hơn, những màu sắc này không chỉ thay đổi trong suốt một ngày mà còn thay đổi qua các mùa và hình thế thời tiết khác nhau do các góc độ của mặt trời.
Thời gian tốt nhất để ghé thăm dải đồi sơn là sau mưa, khi đó, mỗi màu đều sắc mạnh lên với những ánh màu kéo dài từ màu đỏ cháy, màu vàng cam, vàng, và vàng lấp lánh tới những vệt màu đen, xanh và màu xám. Giữa tháng 4 và tháng 5 sẽ có một dãy hoa nhỏ màu vàng như một dòng sông hoa chạy dọc khắp vết nứt của những ngọn đồi màu đỏ, tạo ra hình ảnh kinh ngạc với độ tương phản màu sắc vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời điểm đông du khách nhất trong năm tới đây vẫn là vào mùa đông, khi đó tiết trời ảm đạm, bụi tuyết bay khắp nơi càng làm tương phản thêm những màu sắc ấm nóng của ánh cầu vồng trên những dải đồi nhấp nhô, sáng bừng cả khu vực.
Núi cầu vồng vùng Zhangye Danxia, Trung Quốc
Núi cầu vồng vùng Zhangye Danxia, Trung Quốc. Ảnh: Huffingtonpost |
Dải núi cầu vồng này là một phần của Công viên địa chất vùng Zhangye Danxia thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Theo nghiên cứu, hàng trăm lớp sa thạch màu và các khoáng chất đã được ép vào với nhau trong hơn 24 triệu năm, sau đó vênh lên bởi mảng kiến tạo và tạo nên dãy núi hiện nay.
Từng ngọn núi của công viên này lại mang những màu sắc và lớp vân thay đổi từ màu đỏ tươi, màu hạt dẻ, chanh đá, tới màu vàng, cam, xanh biển… Những lớp màu này là kết quả kiến tạo địa chất của các lớp đá sa thạch đỏ và rất nhiều khoáng chất bồi tụ hòa trộn lẫn nhau từ hàng triệu năm trước. Sau đó, khoảng 40 tới 50 triệu năm trước đây, các hoạt động kiến tạo địa chất từ Ấn Độ đã tạo ra những rạn nứt địa chất và núi đá, từ đó hình thành những dãy núi (bao gồm cả dãy Himalaya).
Vùng núi cầu vồng của Danxia được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện từ những năm 1920 - 1930 nhưng vẫn ít được biết đến. Kể từ năm 2010, khi Zhangye Danxia được công nhận là Di sản thế giới với tổng diện tích bao gồm 73.945 ha, du lịch vùng này đã bùng nổ với số lượng khách tăng không ngừng. Bên cạnh đó, “con đường tơ lụa” nổi tiếng cũng đi qua khu vực núi cầu vồng và công viên địa chất này, khiến nơi đây càng trở nên hút khách.
Thời điểm tốt nhất để tới tham quan cảnh đẹp kỳ thú này là tháng 5, khi đó thời tiết mát mẻ (nhiệt độ từ 8 tới 23 độ C) và hầu như không có mưa, cho phép du khách đi quanh khu vực núi đá một cách an toàn.
Theo VnExpress