14:05 22/12/2024

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc

11:49 27/04/2018

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng.

le hoi giong

Thời gian diễn ra: Ngày mùng 6 đến Ngày mùng 10 Tháng 1 Năm Ất Mùi ( Ngày 6 đến Ngày 10 Tháng 2 Năm 2015)

Địa điểm: Đền Phù Đổng - xã Phù Đổng - Huyện Gia Lâm và Đền Sóc - xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Đối tượng suy tôn: Để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Đặc điểm: Đây là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị hết sức công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai đền. Hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội) - nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng giêng.

Để tổ chức Hội Gióng ở đền Phù Đổng, những gia đình có vinh dự được chọn người đóng những vai quan trọng như các vai Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), vai cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ ...

Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng …

Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, Hội Gióng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia.

Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và các trò chơi dân gian. Tướng, quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng. 

Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 03 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm. Việc chuẩn bị vật tế lễ cũng hết sức công phu, nhất là việc đan voi (theo truyền thuyết thì đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo) và làm giò hoa tre (tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc), nên phải tiến hành từ nhiều tuần lễ trước Lễ hội. Từ xa xưa, việc rước đã được phân công cụ thể cho từng thôn chuyên trách và đi theo theo thứ tự: Trước hết là thôn Vệ Linh rước giò hoa tre, tiếp theo là các thôn Dược Thượng rước voi, Đan Tảo rước trầu cau, Đức Hậu rước ngà voi, Yên Sào rước cỏ voi (thân cây chuối), Yên Tàng rước tướng và mấy năm gần đây có thêm thôn Xuân Dục rước "Cầu Húc" (quả cầu tượng trưng cho mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời có từ xa xưa của cư dân nơi đây). Sau phần nghi thức tắm tượng Thánh Gióng và cung tiến lễ vật trang trọng, linh thiêng, là hai hoạt động gây náo động nhất của Lễ hội Gióng ở đền Sóc. Đó là tục "cướp hoa tre" cầu may và tục chém "tướng" (giặc) được diễn xướng một cách tượng trưng bằng hiệu lệnh múa cờ. 

Là một hội trận được trình diễn bằng một hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho tới ngày nay, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010. 

Theo DSVH

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt