Chuẩn bị
Cung này thật sự không phải là cung dễ ăn vì những lý do sau:
1. Chưa có nhóm nào từng đi cung offroad này bằng xe máy trước nhóm mình, bọn mình cũng chưa đi hết chặng nên không thể xác nhận 100% sẽ xuống tới được Phan Dũng. Ngay cả thợ rừng ở đây cũng chín người mười ý, người nói được, người nói không đi xe máy được, chỉ có thể đi bộ.
2. Đường bị xe cải tiến chở gỗ cày phá rất nhiều, tạo thành rãnh sâu, nếu không phải "cào cào" chuyên dụng thì dễ bị đụng gầm và rất mất thời gian. Những dốc cao lên xuống nối tiếp nhau liên tục là một trở ngại rất lớn.
3. Đoạn ra khỏi rừng chạy lên đồi trọc, cảnh thì đẹp nhưng là nơi vắt kiệt sức rất nhanh vì không có cây che, không có bóng râm. Sở dĩ vùng này cây không mọc được vì lúc chiến tranh bị rải thuốc diệt cỏ. Suối cũng ít, lại nằm khuất dưới chân núi nên không có nhiều nguồn nước dọc đường để lấy nước uống hay nấu cơm tắm giặt như các cung khác.
Cự ly nếu tính theo đường chim bay từ bìa rừng ở đầu Tà Năng đến hồ sông Lòng Sông ở Phan Dũng là ~18km, nhưng nếu tính theo đường đi xe máy thì chắc khoảng 25~30km. Do lên xuống dốc nhiều nên nếu 1 xe wave 100cc với bình xăng 3l thì nên đổ đầy bình 3l ở ngoài và mang thêm 1,5 lần đầy bình nữa, nghĩa là mang theo 4,5l hoặc hơn để sơ cua cho chắc.
Cự ly theo đường chim bay là ~18km |
Nếu là xe moped thông thường như wave, taurus, ex... thì trước khi vào rừng nên tháo bỏ gương, che sên, chắn bùn trước để đỡ vướng víu, tháo gác chân trước sau (nếu không gỡ ra thì dính xe xuống rãnh đi rất mệt), thay nhông 14 bằng nhông 8 (nhanh và dễ hơn thay dĩa rất nhiều) để tăng lực kéo, lắp dây xích vào bánh sau hoặc gắn thêm luôn bánh trước để tăng độ bám cũng như độ hãm xe (đường mưa rất trơn, lốp gai loại thường không có tác dụng).
Lắp xích vào bánh sau để tăng sức bám |
Thực phẩm và nước uống nên mang theo đủ dùng cho 4, 5 ngày hoặc cả tuần, nước uống có thể lấy dọc đường nhưng rất ít và không hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Nói chung, những ngày đầu tiết kiệm được thì cứ tiết kiệm vì chưa biết đi đến đâu hay khi nào mới thoát ra được.
Cung đường đi
Trên QL20 ở ngã 3 Tà Hine rẽ vào đường đèo Lương Sơn - Đại Ninh (đèo Đại Ninh, QL22B) đi 17km ven hồ thủy điện Đại Ninh, đến ngã 3 Tà Năng. Ở đây có 1 cây xăng lớn có thể đổ đầy bình hoặc rẽ trái vào Đà Loan đổ cũng được. Đi hết Đà Loan, bạn đi tiếp hết Tà Năng đến ngã 4 có bảng thôn văn hóa Tou Néh đi thẳng tiếp đến thôn Toa Cát (ở ngã 4 này cũng có 1 cây xăng). Nói chung, đường đi đoạn này cực kì loằng ngoằng, không biết chỉ sao, các bạn cứ xem bản đồ và hỏi người dân đến thoa Toa Cát xã Đa Quyn là được. Ở Toa Cát sẽ có một tiệm tạp hóa là điểm cuối để các bạn có thể mua đồ ăn, nước uống, đặt gà vịt để chuẩn bị vào rừng nếu không mua từ trước đó. Số điện thoại của 2 vợ chồng để đặt đồ ăn trước nếu cần: 096.560.2008, tọa độ tiệm tạp hóa là 11.575446, 108.473895
Cây xăng Tà Hine ở ngã 3 Tà Năng. |
Sau khi đã đổ xăng và mua thực phẩm, nước uống đầy đủ, kiểm tra lần cuối xe cộ và các trang thiết bị vật dụng, thì xuất phát đi đến bìa rừng. Các bạn cứ chạy thẳng theo đường lớn, đi qua những buôn nhỏ lẻ, qua những cánh đồng cỏ, những cây cầu "bá đạo" để đến đầu bìa rừng ở tọa độ 11.525827, 108.545132 (có một cây rất to chắn ngang đường).
Các bạn không được chủ quan khi qua cầu này. |
Điểm đầu bìa rừng |
Sau khi vào rừng, các bạn sẽ gặp thử thách đầu tiên là một con dốc rất cao và dài giữa đồi thông. Lên đến đỉnh có một cây chết khô để chào mừng bạn chinh phục thành công thử thách đầu tiên. Sau đó sẽ đến một series dốc cao khác dẫn lên đỉnh dãy núi nằm giữa Lâm Đồng và Bình Thuận. Khi đi hết con dốc rất dài và đứng sẽ đến đỉnh núi, tại đây có bãi bằng phẳng để cắm trại qua đêm nếu trời đã tối và mất gần hết sức.
Những con dốc giữa đồi thông như dài vô tận và là cơn ác mộng nếu gặp mưa lớn. |
Điểm cắm trại đầu tiên ở bãi trống trong rừng |
Sau bãi trống này, bạn tiếp tục len lỏi trong rừng một đoạn nữa để ra khỏi rừng, bắt đầu đến đoạn gian nan nhưng cảnh đẹp nhất là đoạn chinh phục những đồi trống (Vừa ra đồi trống sẽ có một ngã ba, một đường lớn và đường nhỏ, bạn cứ theo đường lớn bên trái mà đi).
Ra khỏi rừng. |
Đoạn dốc xuống đầu tiên cực kì dài, men theo sườn đồi dẫn xuống Khe Cọp. Khe này cũng là ranh giới giữa Lâm Đồng và Bình Thuận. Gần tới Khe Cọp sẽ có một cục đá to bên tay trái, để ý kĩ sẽ thấy lối mòn đi xuống dưới suối nhỏ là điểm lấy nước tiếp tế (lưu ý lấy chỗ dòng chảy, tránh chỗ nước đọng để giảm rủi ro kí sinh trùng và ấu trùng trong nước đọng).
Toàn cảnh Khe Cọp ở cuối dốc đầu tiên sau khi ra khỏi rừng. |
Điểm lấy nước tiếp tế đầu tiên ở Khe Cọp. Ở hình trên nhìn góc dưới bên phải có tảng đá, các bạn đi luồn phía sau tảng đá là có lối mòn dẫn xuống điểm lấy nước này. |
Sau khi rời Khe Cọp, các bạn tiếp tục đi tiếp đường mòn ven sườn đồi qua một series dốc nữa. Lưu ý đoạn này là đoạn rất nguy hiểm vì đường rất nhỏ, nhiều đoạn chỉ vừa bánh xe đi, không có chỗ chống chân ở mé vực, chỉ cần lỡ ấn ga hay mất thăng bằng là rớt xuống dưới ngay.
Đường ven lưng đồi rất hẹp, khi gặp mưa sẽ càng nguy hiểm hơn nữa. |
Đường nguy hiểm nhưng cảnh cực kì phiêu, hiếm gặp ở Việt Nam. |
Đến tọa độ 11.511014, 108.562455 sẽ có một ngã 3 ở đỉnh Núi Lỡ. Đứng đây, nếu phóng tầm mắt về bên trái bạn sẽ thấy đỉnh 7 Cái Đầu và đỉnh Ông Bà ở khu vực ranh giới 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tên gọi khác theo phía Ninh Thuận hình như là đỉnh Varit và đỉnh Cô Đơn đang tìm kiếm (cần kiểm chứng lại).
Ngã 3 Núi Lở |
Ngã 3 này có nhiều ý kiến trái chiều nhau giữa các thợ rừng, đa số họ đồng ý là rẽ trái sẽ đi xuống bản làng gần nhất và xuống hồ ở Phan Dũng gần và nhanh hơn. Tuy nhiên, số khác và ngay cả bản đồ cũng chỉ rẽ phải sẽ đi nhanh hơn, đoạn đường mất dấu sẽ ít nhất, có thể tự tin cầm GPS đi tiếp mà không cần hỏi đường ai. Bọn mình đã rẽ phải theo bản đồ chỉ và chỉ đi tiếp được qua dốc Cải Tiến với dốc Dầu rồi cắm trại ngủ lại đỉnh dốc Dầu, hôm sau quay về, không đi tiếp nữa. Lần này, nếu được, các bạn hãy rẽ trái ở ngã 3 này theo đa số thợ rừng chỉ, không thì cứ rẽ phải đi tiếp đoạn còn lại nhóm mình đã đi.
Thêm một số hình ảnh nếu các bạn rẽ phải ở ngã 3 này đi đến đỉnh dốc Dầu (tọa độ là 11.488494, 108.579214). Lưu ý thêm trước khi lên đỉnh dốc này thì đoạn giữa trên lưng ngựa sẽ có chỗ lấy nước nếu bò theo sườn dốc xuống suối. Nước này không sạch, đường ra suối vắt rất nhiều, nhưng có thể dùng để nấu nướng hoặc đun sôi trước khi uống, tọa độ điểm trượt xuống đồi lấy nước 11.489608, 108.578937.
Dốc Cải Tiến dài vô đối |
Dốc Dầu |
Đỉnh dốc Dầu là một trong những điểm ngắm bình minh và hoàng hôn đẹp nhất mình từng biết. Nó cao nhất trong khu vực, có thể ngắm cả hoàng hôn đêm trước và bình minh sáng hôm sau, cảnh phiêu linh với những dải đồi xanh chập chùng như trong phim. Tuy nhiên, khi cắm trại trong vùng đồi trọc này các bạn chú ý xa các cây lớn, không ngủ trên đường đi (kiêng kị trong rừng thiêng nước độc, vì theo dân địa phương vậy là áng đường ma đi), ngủ trên đồi trọc cũng sẽ cực kì lạnh, nên chuẩn bị đủ áo ấm, chăn mền, lều bạt trú mưa.
Ngoài ra, do đỉnh Dốc Dầu này rất cao nên điện thoại mạng Viettel có thể nghe gọi được để báo tin về nhà, hoặc gọi cứu viện là thợ rừng vào cứu nếu có sự cố gì. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể thử gọi anh Nhuận 0167.265.7440 hoặc anh Bin 0168.306.3676 mang xe vào lôi ra (nếu là cào cào hoặc xe to quá thì họ sẽ không vào)
Bản đồ tổng hợp |
Nói chung, chuyện đi hết đường còn tùy khả năng tìm đường ở đoạn sau nữa và mang nhiều tính xui rủi vì chưa ai đi hết. Nếu quyết định chinh phục cung này thì các bạn nên chuẩn bị thật đầy đủ mọi thứ có thể, không nên chủ quan, vì đã từng có người chết ở đường này do hết thức ăn hoặc bị rắn cắn gì đó không rõ nguyên nhân. Mình không chịu bất kì trách nhiệm nếu có mệnh hệ gì xảy ra cho các nhóm đi sau nhé!
Chống chỉ định đối với người yếu tim, trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Cám ơn các bạn đã theo dõi!
Bình minh trên đỉnh Dốc Dầu, một trong những cảnh bình minh đẹp nhất từng được chiêm ngưỡng, món quà vô giá cho những kẻ yêu rừng rú mà ít ai hiểu được. |
Trần Đặng Đăng Khoa
- Thử thách cùng 'phượt' offroad