Lăng mộ của Mirza Baqi Baig Uzbek |
Nằm trên khoảng đất hơn 10km2, Makli là một trong những nghĩa địa lớn nhất thế giới, là nơi an nghỉ cuối cùng của hơn nửa triệu người, bao gồm vua, hoàng hậu, người được phong thánh và các học giả.
Mặc dù khu vực này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1981, nhưng chỉ một trong số sáu di tích, nơi có các lăng mộ và các công trình nghệ thuật kỳ bí, được du khách biết đến nhiều nhất ngày nay.
Makli nằm ở phía nam Pakistan, ngoại ô Thattra, một phố cảng lịch sử bên dòng sông Indus. Nghĩa địa này đã làm gia tăng tầm quan trọng của nơi chôn cất trong những năm 1352-1524 khi đế chế Samma chọn Thattra là thủ đô.
Truyền thuyết kể lại rằng có một người lữ hành khi hành hương về Mecca đã dừng lại ở khu vực này và lặp đi lặp lại một cách xuất thần “Hadah Makka li” (Mecca này dành cho tôi). Thánh Sufi nổi tiếng của thời Samma, Sheikha Hamad Jamali, đã đặt tên nhà thờ thánh Makli sau khi xảy ra hiện tượng trên.
Đi vào Makli từ phía nam, nơi có nhiều đài tưởng niệm mới, thật khó có thể tưởng tượng được sự rộng lớn của khu vực này. Cấu trúc của di tích dường như giống một cung điện nhỏ bé hơn là nghĩa trang có các phần mộ.
Ở Makli, du khách có thể tìm thấy sáu kiểu dáng công trình kiến trúc xây dựng để tưởng niệm, bao gồm lăng mộ, màn trướng, mồ mả, hàng rào, nhà thờ thánh và khanqas - địa điểm để các thánh giảng dạy và thuyết pháp cho các môn đồ.
Cụm kiến trúc tưởng niệm đầu tiên được xây dựng suốt triều đại Arghun, Tarkhan và Mughal trong thời gian từ năm 1524-1739.
Người cầm quyền của đế chế xâm lấn là người Turko-Mongol, đã mang ảnh hưởng của miền bắc, trung và tây Eurasian như những mẫu cây cỏ thanh cảnh và thiết kế hình khối đến các công trình kiến trúc, nghệ thuật và khắc đá được tìm thấy ở Makli.
Hai trong số những công trình tưởng niệm ấn tượng nhất trong thời kỳ này là lăng mộ của Dewan Shurfa Khan mất năm 1638 và Isa Khan Tarkhan II mất năm 1644. Đây là hai vị vua thống trị Mughal ở Thattra.
Lăng mộ của Isa Khan Tarkhan II được xây hai tầng đá với mái vòm và bancông uy nghi, được cho rằng đã được xây dựng khi nhà vua vẫn còn sống.
Truyền thuyết kể rằng sau khi hoàn thành một phần công trình, Isa Khan đã chặt tay người thợ lành nghề nhất để đảm bảo rằng không một ông hoàng nào có thể xây được đài tưởng niệm nào cạnh tranh với mình.
Những điều kiện thời tiết như sự ăn mòn của biển, động đất, lũ lụt và ô nhiễm, chưa kể đến sự thiếu chú ý của nhà nước đã làm giảm giá trị của những khu tưởng niệm có giá trị lịch sử.
Trong khi các kế hoạch bảo tồn và phục chế các di tích đang được thảo luận với các tổ chức trực thuộc UNESCO, sự tồn tại của những di tích này như một minh chứng cho chất lượng và sự lành nghề của người dân trong khu vực.
Đi dọc Makli, du khách dễ dàng bắt gặp những lăng mộ như cung điện kết hợp với pháo đài. Bạn sẽ ngạc nhiên hơn khi bắt gặp mấy bộ lạc du mục trong các ngôi nhà tạm bợ trên đường. Những ngôi nhà được làm từ cây bụi và các túi nilông đã sử dụng.
Nhiều dân du mục sống tại Makli là người Pakistan vô gia cư đến từ các cao nguyên để tránh những đợt lũ hằng năm.
Trong suốt hàng trăm năm, khu di tích này là nơi thờ cúng cho những người hành hương theo đạo Hồi và Hindu. Hai tôn giáo trên cùng với đạo Phật đã tồn tại một cách hòa bình ở đất nước Pakistan trong nhiều thế kỷ.
Đi về phía bắc cao nguyên, cách khoảng 6km từ cửa ngõ phía nam của Makli, dấu vết của triều đại Samma không còn rõ ràng.
Nhiều học giả cho rằng người cầm quyền là dân địa phương thuộc thị tộc Rajput, còn được biết đến là các chiến binh đẳng cấp theo đạo Hindu của miền bắc Ấn Độ. Họ giành quyền kiểm soát Thatta vào năm 1335 và mở rộng khu đất của mình đến Punjab, đặt nền móng cho sự bắt đầu của Makli.
Thánh Sufi, Sheikh Hamad Jamali, đã thiết lập khu đất như một khanqa và sau này được chôn cất tại đó. Ngày nay, khu vực Samma trải rộng trên mảnh đất hơn 2ha, thể hiện tinh hoa của phong cách Gujrat cùng với nghệ thuật chạm khắc chữ thư pháp với nội dung từ kinh Koran.
Trung tâm của các lăng mộ là một jharoka, vật nhô ra gần ban công được xây dựng theo kiến trúc Ấn Độ. Hiện có thể dễ dàng thấy những hốc tường, khung cửa tò vò và mẫu sikhara thu nhỏ, một biểu tượng ngọn núi như kiến trúc mái nhà thường thấy ở các ngôi đền Hindu, đài tưởng niệm như một nơi thờ cúng chứ không phải dùng để mai táng.
Mặt ngoài của các lăng mộ là 14 bức điêu khắc họa tiết để trang trí. Bức điêu khắc thứ bảy có những câu thơ lấy từ kinh Koran trong khi bức thứ 10 là công trình điêu khắc độc đáo hình ảnh một người ngây thơ, hình tượng thường thấy trong các ngôi đền Hindu để thể hiện sự tôn kính với thần Brahma.
Đây là sợi dây kết nối lịch sử con người cũng như mối liên kết giữa biển Caspian đến phía tây và từ góc xa nhất của Ấn Độ đến phía đông.
Theo Tuoitre