Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước đến nay vẫn là một đầu mối giao thương lớn nhất Hà Nội. Trong tiềm thức của những người Hà Nội, chợ Đồng Xuân sầm uất, nhộn nhịp nhưng lại không quá ồn ào, xô bồ như những ngôi chợ khác.
Ảnh: internet |
Cho đến tận ngày nay, chợ được xây dựng lại với qui mô lớn hơn gồm 3 tầng khang trang, rộng rãi nhưng vẫn giữ lại một phần kiến trúc mặt tiền của chợ cũ. Một điểm không hề thay đổi của ngôi chợ lâu đời này là cách thức buôn bán của các bà, các mẹ. Chính điều này phản ánh rất rõ nét phong thái của người Hà thành, tạo nên bản sắc văn hóa đất kinh kỳ.
Ảnh: internet |
Ảnh: internet |
Nằm cạnh ga đầu cầu Long Biên, lại ở ngay sát sông Hồng, chợ Ðồng Xuân là điểm thuận lợi để hàng hoá bốn phương dồn về đây cũng như từ đây toả đi các nơi. Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Chợ Đồng Xuân còn là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hóa, là trung tâm các hoạt động kinh tế của Hà Nội, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực miền Bắc, thậm chí trong cả nước. Từ chợ trung tâm này, hình thành hàng loạt các chợ, các phố nghề vệ tinh xung quanh, tạo thành một mạng lưới chợ phong phú, đông vui, trao đổi thuận tiện.
Ảnh: internet |
Bởi thế mà đi chợ Đồng Xuân hầu như chả thiếu thứ gì. Hàng hóa bán ở chợ vô cùng phong phú theo mùa nào thức ấy. Từ củ hành, củ tỏi cho đến vải lụa đắt tiền; từ tôm, cua, cá miền biển cho đến măng, nấm, thịt nai vùng núi; từ sầu riêng Nam Bộ, thanh trà miền Trung cho đến cà-phê Tây Nguyên; tất cả đều được bày bán sẵn.
Ảnh: Hữu Thắng |
Ảnh: Hữu Thắng |
Các bà, các mẹ đến chợ Đồng Xuân để mua những thực phẩm, hàng hóa ngon cho gia đình. Các bạn trẻ đi chợ Đồng Xuân là để lê la khám phá thiên đường ăn vặt với đủ mặt hàng mang nét tinh hoa ẩm thực lâu đời của người dân gốc Hà Thành như bún chả que tre, các loại chè, bánh, bún, phở…
Ảnh: internet |
Với lịch sử lâu dài gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long, chợ Đồng Xuân không đơn thuần là điểm giao thương mà còn phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội, hội tụ những nét văn hóa từ bắc chí nam theo chân những người buôn bán để tỏa đi khắp nơi.
Thảo Phương