Phố Hàng Mã ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Phố dài khoảng 0,3 km. Đầu phía Đông của phố là ngã tư giao với Hàng Đường, Hàng Ngang và Hàng Chiếu. Đầu phía Tây là ngã ba giao với Phùng Hưng và đường xe lửa.
Hàng Mã ngập tràn sắc màu lung linh của đủ các loại đồ chơi dân gian. |
Ngày xưa, phố Hàng Mã thuộc đất thôn Vĩnh Thái và thôn An Phú, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Sau đó, thôn Vĩnh Thái đổi thành thôn Vĩnh Hanh. Hai thôn này nằm hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn sông này đã bị lấp, hình thành dải phố với hai dãy nhà đối diện. Thời Pháp, phố Hàng Mã được đặt tên chung là Rue du Cuivre với phố Hàng Đồng bây giờ. Dân ở đây gồm một số gia đình người làng Tân Khai đến định cư, mở cửa hàng bán giấy và đồ mã dùng cho công việc cúng lễ theo tập tục phương Đông.
Lịch sử Hàng Mã còn nổi tiếng với kiến trúc đặc trưng của phố cổ Hà Nội là những ngôi nhà hình ống và nhà chồng diêm. Nhà hình ống với bề rộng có hạn, nhưng người dân đã khéo léo kết hợp không gian ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản xuất và công việc buôn bán.
Việc buôn bán trên phố Hàng Mã thực sự đông đúc bắt đầu trước ngày Rằm tháng bảy Âm lịch khoảng một tháng và từ ngày 24 tháng Chạp (ngay sau tết ông Công ông Táo) đến tận trưa ngày 30 tết. Vài chục năm nay, phố Hàng Mã lại được xem như là phố Trung thu cho trẻ mỗi khi sắp đến dịp phá cỗ trông trăng.
Vào những ngày giáp Trung thu, trẻ em, người lớn lại rủ nhau về con phố ấy. Các em bé mua đồ chơi, người lớn thì bồi hồi với những hoài niệm trẻ thơ. Không đâu khiến người ta háo hức bằng Hàng Mã bởi không gian bạt ngàn đèn ông sao, đèn lồng, đầu sư tử và thậm thình tiếng trống ếch vang xa…
Phố Hàng Mã, Hà Nội vốn rực rỡ sắc màu, vào dịp Trung thu lại lung linh hơn bao giờ hết. Trung thu năm nào cũng thế, người Hà Nội lại theo nhau lên phố Hàng Mã ít nhất một lần. |
Khung cảnh nhộn nhịp hòa lẫn trong dòng người tấp nập. Một Tết Trung thu nữa lại đến với những đứa trẻ Hà Thành. |
Đồ chơi trung thu năm nay ở phố Hàng Mã hầu như không còn bóng dáng của những chiếc đèn nhựa không rõ nguồn gốc hoặc biểu tượng chữ Trung Quốc. |
Đèn ông sao là thứ đồ chơi không thể thiếu trong cỗ trông trăng nên hầu như ai đi mua đồ cũng chọn một vài chiếc về cho bọn trẻ. |
Các loại đồ chơi được phân theo kích cỡ to nhỏ. Chẳng hạn, đèn ông sao loại nhỏ có giá từ 15 – 20 nghìn đồng/chiếc, đèn lớn hơn có giá là 45 - 110 nghìn đồng/chiếc. Trong khi đó, đầu lân được bán với giá 55 - 200 nghìn đồng/chiếc, những chiếc đầu lân lớn có giá hàng triệu bạc, trống tay Sơn có cũng có mức giá từ 50 - 120 nghìn đồng/chiếc. |
Nhiều gia đình đưa con đến Hàng Mã mua đồ chơi và đi dạo phố |
Để du khách được thảnh thơi dạo phố trung thu, lực lượng chức năng đã có mặt từ sáng sớm ở phố Hàng Mã để đảm bảo giao thông và an ninh. |
Theo Dantri