Người ta nói: nhân sâm, rong biển và kim chi là ba loại nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong ẩm thực Hàn Quốc. Trong đó, kim chi là món mà du khách đến Hàn Quốc sẽ bắt gặp và thưởng thức nhiều nhất.
Hàn Quốc chào đón chúng tôi bằng món điểm tâm là mì Udon ăn kèm kim chi cải thảo và đu đủ. Thoạt nhìn theo quan điểm ăn uống của người Việt, chúng tôi thấy là lạ nhưng khi ăn mới thấy người Hàn không phải không có lý cũng như không hề tuỳ tiện khi kết hợp những thứ tưởng chừng không liên quan với nhau.
Trên bàn ăn ở Hàn Quốc luôn có vài đĩa kim chi dọn sẵn |
Vào nhà hàng, thực khách sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng có khi đến 4-5 món kim chi được dọn sẵn cùng lúc. Dẫu món chính là barbecue hay món thịt xào một loại sốt đặc biệt, xương bò hầm với miến hoặc gà nhồi nếp tiềm nhân sâm hay món bulgogi trứ danh thì kim chi vẫn là món ăn kèm không thể thiếu.
Với barbecue, kim chi càng không thể thiếu |
Hành trình của chúng tôi có ghé thăm lớp dạy làm kim chi theo cách đơn giản. Người hướng dẫn là một phụ nữ trạc ngũ tuần, có khoảng hai mươi cái đĩa với nguyên liệu là cải thảo đã ngâm muối trước từ 3-4 tiếng cho héo còn nguyên bắp và ớt xay đặt sẵn trên dãy bàn dài.
Học viên tại lớp dạy làm kim chi và sản phẩm vừa hoàn thành |
"Cô giáo" hướng dẫn mọi người phết ớt xay đều lên hai mặt của từng lá cải thảo rồi đem ủ. Tùy theo thời tiết, mùa đông có thể ủ kim chi trong 2 ngày hay lâu hơn. Mùa hè, chỉ cần ủ khoảng 1 ngày là dùng được. Những sản phẩm kim chi cả lớp vừa "chế biến" sẽ được làm từ thiện.
Nhắc đến kim chi, nhiều người nghĩ ngay đến kim chi cải thảo trong khi kim chi ở Hàn Quốc được cho là có khoảng 200 loại, bao gồm tất cả các loại dưa chua, rau củ muối với gia vị nói chung. Vì vậy, kim chi Hàn Quốc rất đa dạng, từ kim chi cải thảo, củ cải, su hào, rong biển, giá, đu đủ, cà rốt, dưa leo, mộc nhĩ...
Ăn lẩu cũng có 3 loại kim chi đi kèm: mộc nhĩ, giá, cải thảo |
Không như kim chi được chế biến tại Việt Nam, kim chi ở Hàn Quốc không quá đậm đà với nhiều loại gia vị và ớt cũng không quá cay nên ai cũng có thể ăn được nhiều mà không ngán. Ở Hàn Quốc, bữa ăn nào cũng có vài món kim chi được dọn lên để ăn kèm món chính. Đối với du khách Việt, nhờ có món phụ này mà các món ăn ở đây mới không ngán vì người Hàn ăn rất nhiều thịt nhưng không có nhiều rau củ tươi để ăn kèm như món Việt.
Kim chi cải thảo và đu đủ ăn kèm mì Udon |
Do mùa đông Hàn Quốc rất khắc nghiệt và kéo dài, khó có thể trồng rau củ nên người Hàn thường làm kim chi để dành từ những mùa trước. Kim chi giúp người Hàn cân đối bữa ăn vào thời điểm khan hiếm rau quả, vị cay nồng của ớt còn có tác dụng giúp giữ ấm cơ thể trong giá lạnh mùa đông.
Tuy nhiên, như cô hướng dẫn người bản địa cho biết, dù là xứ sở của kim chi nhưng không ít sản phẩm kim chi trên thị trường Hàn Quốc lại có xuất xứ từ... Trung Quốc!
Biết tôi đi Hàn Quốc, câu đầu tiên mà nhiều người hỏi thăm là "Sao, đi Hàn Quốc ăn kim chi đã không?". Và điều làm tôi nhớ nhất khi trở về quê hương cũng là món ăn kèm giản dị ấy. Mỗi khi ngồi vào bàn ăn, tôi lại nhớ hình ảnh những đĩa kim chi đỏ rực màu ớt, hương vị không quá đậm đà nhưng đủ để khó quên.
Theo PNO