Trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, chúng tôi hạ cánh ở sân bay Phố Đông, một trong hai sân bay của Thượng Hải không hề thua kém các sân bay châu Âu. Thượng Hải được ví như thành phố kinh tế hàng đầu và là một trong bốn thành phố cấp 1 của Trung Quốc. Theo lịch sử Trung Hoa, Thượng Hải thuộc vùng đất Giang Nam ngày xưa, vua Càn Long thích đến đây “vi hành” nhất vì phong cảnh và mỹ nữ.
Mặc dù rất hiện đại, Thượng Hải vẫn đủ nét quyến rũ phương Đông đầy thú vị để khám phá trong những ngày cuối năm. |
Những điều tôi biết về Thượng Hải là qua những thước phim được xem hồi bé, với những ngôi nhà cao tầng vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Hồi đó những tòa nhà cao tầng đối với tôi là một điều gì đó xa xỉ, lớn lao.
Thượng Hải nằm bên con sông Hoàng Phố. Là thành phố có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc, Thượng Hải luôn phô bày một cuộc sống rộn ràng với những ánh đèn màu từ các tòa nhà chọc trời, những khu phố đi dạo đẹp lung linh chạy dọc theo đôi bờ Bến Thượng Hải, và những ngôi đền cổ xưa giàu giá trị văn hóa và lịch sử.
Khu Phố Đông nằm ở bờ Đông con sông Hoàng Phố, vốn trước đây là vùng đất rất cằn cỗi, nhà cửa tồi tàn lụp xụp, gần như không có nhà cao tầng, người dân rất nghèo nàn, cực khổ nên người Thượng Hải bấy giờ có câu "thà có một chiếc giường ở Phố Tây còn hơn có cả mẫu đất ở Phố Đông".
Thượng Hải giống như một mô hình đồ chơi được xếp bởi các tòa nhà cao tầng, mà quên xếp sân chơi, hay khoảng không gian và cây cối. Năm 1992, Phố Đông được qui hoạch và xây dựng, phát triển. Chỉ trong khoảng 18 năm, Phố Đông đã hoàn toàn đổi khác với các tòa nhà không dưới 10 tầng, những cao ốc chọc trời, đặc biệt trong đó có tòa tháp Kim Mậu và Tòa tháp Trung tâm Tài chính Thế giới. Tòa tháp Kim Mậu có 88 tầng, cao 421m và là tòa tháp cao thứ 5 trên thế giới.
Đêm xuống, Thượng Hải lộng lẫy, rực rỡ sắc màu, hoàn toàn khác với một Thượng Hải ban ngày |
Cùng với đó, Tòa tháp Trung tâm Tài chính Thế giới cao 492m với 101 tầng, cao nhất Trung Quốc và thứ 4 thế giới, là dấu ấn lớn nhất trong lịch sử kiến trúc thế giới, cũng là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách kiến trúc truyền thống Trung Hoa và công nghệ cao của thế giới. Về Tòa tháp chọc trời này, chúng tôi được biết: vốn trước đây, Tòa tháp có hình lưỡi dao, do một kiến trúc sư người Mĩ thiết kế.
Cái tên Phố Đông là do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đặt cho. Cũng từ đó, Nam Phố được biết đến với cái tên Phố Tây. Phố Đông là niềm tự hào về một Trung Quốc hiện đại với đặc khu kinh tế, khu công nghiệp thương mại hoạt động hiệu quả nhất Trung Quốc. Người Thượng Hải bây giờ lại có câu "một tòa nhà ở Phố Tây không bằng một chiếc giường ở Phố Đông". Hiện có hàng chục nước trên thế giới đến làm việc ở Phố Đông. Theo thống kê, Thượng Hải có hàng ngàn tòa nhà từ 20-40 tầng, khoảng 600 tòa nhà từ 40 tầng trở lên.
Nếu Phố Đông hiện đại thì Phố Tây cổ kính nằm ở phía Tây con sông Hoàng Phố. Nam Phố hiện rõ dấu tích của thời Thượng Hải còn là tô giới của các thế lực ngoại bang như Anh, Mĩ, Pháp với hàng chục tòa nhà được kiến trúc theo kiểu Gothic, Phục hưng… Phố Tây từng được mệnh danh là “Phố Wall” của Trung Hoa và đến giờ vẫn gọi là Ngoại Than - vốn là Trung tâm Tài chính của Thượng Hải. Nếu Ngoại Than kiêu sa thì Dự Viên rất Á Đông. Phố Tây gồm 9 quận lâu đời nhất Thượng Hải, mặc dù tổng diện tích không bằng Phố Đông nhưng chiếm đến 90% dân Thượng Hải.
Đặc trưng trên khắp đường phố Thượng Hải là những hàng cây ngô đồng cổ thụ. Những cây ngô đồng tạo nên một nét duyên thầm của thành phố hiện đại này. |
Đã bước vào mùa đông, thời tiết Thượng Hải lạnh như cắt da. Ngày tôi đến, Thượng Hải mưa sì sầm cả ngày. Mưa rét, nhiệt độ ngoài trời vào buổi tối có lúc xuống dưới 5 độ C. Có lẽ vì thế buổi tối ở đây, hàng quán ít hơn, chỉ có những chiếc quán nướng co ro bên vỉa hè, nơi góc phố.
Cũng phải thôi, bởi sang đến đây đã thuộc về phương Bắc xa xôi rồi và cũng bởi vậy nước da của những cô gái Thượng Hải thật trắng đẹp và mịn màng. Chẳng thế mà, anh nghệ sĩ nhiếp ảnh đi cùng với tôi cứ mải mê với những cô gái trên phố đi bộ Nam Kinh. Dương Tiểu Cường, người bạn đồng hành đến từ Bắc Kinh nói với tôi rằng, phố Nam Kinh dài 7 km được chia làm ba khu: Nam Kinh Trung Lộ, Nam Kinh Đông Lộ và Nam Kinh Tây lộ. Khu phố đi bộ ấy nằm ở khu phố Nam Kinh Đông Lộ dài chừng hơn 1km. Ngày bình thường ở khu phố này vốn đã đông người, nhưng thứ 7 khu phố này càng đông hơn.
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Thượng Hải là kinh đô thời trang của châu Á. Ở đây bạn có thể mua sắm tất cả những đồ hiệu nổi tiếng trên thế giới từ đồng hồ Thụy Sĩ, tới thời trang Pháp, Italia...
Đặc trưng trên khắp đường phố Thượng Hải là những hàng cây ngô đồng cổ thụ. Những cây ngô đồng tạo nên một nét duyên thầm của thành phố hiện đại này.Người dân Thượng Hải bây giờ ở nhà chung cư cao mấy chục tầng và di chuyển chủ yếu bằng ô tô và tàu điện ngầm. Để giữ gìn môi trường của thành phố, ở Thượng Hải tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của xe máy. Với những công chức, thành phố này quy định, nếu nhà gần công sở dưới 1km họ phải đi bộ đến cơ quan, còn nếu xa hơn 5 km họ phải đi bằng xe đạp.
Trải dài 1,5km men theo bờ sông Hoàng Phố, khu vực Bến Thượng Hải là trung tâm kinh tế sầm uất nhất của Thượng Hải trước kia, bao gồm nhiều công trình nguy nga xây dựng theo kiến trúc Gothic, Ba Rốc… còn nguyên vẹn giúp tôi phần nào mường tượng nhịp sống sôi động từng diễn ra ở đây. Tòa tháp Oriental Pearl nổi tiếng của Thượng Hải cũng ở rất gần khu vực này. Bên dưới những tòa cao ốc chọc trời vẫn còn những ngõ nhỏ xinh xinh. Đứng ngắm ánh mặt trời rực rỡ trên sông Hoàng Phố, thấy nhịp sống hối hả nơi đây.
Mặc dù rất hiện đại, Thượng Hải vẫn đủ nét quyến rũ phương Đông đầy thú vị để khám phá trong những ngày cuối năm.
Theo Dantri