Động Hương Tích |
1. Nên tới chùa Hương khi nào
Hàng năm, Lễ hội chùa Hương tổ chức từ mùng 6 tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Nếu bạn mong muốn đi thưởng lãm phong cảnh và thư giãn thì nên đi vào các thời gian còn lại trong năm.
Các ngày không phải lễ hội, chùa Hương vẫn đón khách bình thường, các dịch vụ cáp treo, thuyền đò, bán vé thắng cảnh vẫn hoạt động.
Ngoài ra, chùa Hương còn được các bạn yêu nhiếp ảnh ghé thăm vào mỗi mùa hoa súng. Hoa nở đẹp ở dọc 2 bên dòng suối Yến, giai đoạn từ tháng 10 – 11 dương lịch là thời điểm thích hợp nhất để bạn có những bức ảnh đẹp về suối Yến.
2. Đi đến chùa Hương
Có nhiều cách để tới chùa Hương, nhưng do thắng cảnh chùa Hương không nằm trên các con quốc lộ lớn nên xe khách không có nhiều. Sẽ có 2 tuyến đường chính đi tới chùa Hương là đi theo quốc lộ 1A (Pháp Vân Cầu Giẽ), đường này dành cho ô tô, xe máy không được đi. Đi xe máy bạn đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì, tới thị trấn Đồng Văn thì rẽ vào quốc lộ 38, rồi rẽ tiếp vào tỉnh lộ 74.
Hai là đi theo đường Nguyễn Trãi tới Ba La, bạn rẽ trái đi Vân Đình, rồi tới Chùa Hương. Đường này thì xe máy và xe bus công cộng đi được. Ngày hội đường này khá đông và hay tắc đường. Về phương tiện thì có các phương tiện sau:
Xe bus đi chùa Hương
Nhiều bạn sinh viên hay chọn cách đi chùa Hương bằng xe buýt. Đây là cách đi tiết kiệm nhất, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn đi các phương tiện khác.
Xe bus số 78, lịch trình chạy: Bến xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung – Quốc lộ 6 – Ngã ba Ba La – Quốc lộ 21B – Tế Tiêu (Thị trấn Đại Nghĩa). Như vậy là bạn có thể bắt xe từ đầu tuyến tại bến xe Mỹ Đình, hoặc đi xe bus số 1 hoặc 2 qua Nguyễn Trãi dừng ở bến xe Hà Đông cũ để bắt xe số 78 này. Từ Tế Tiêu bạn đi thêm khoảng 11km tới bến suối Yến (đi xe ôm hoặc taxi).
Ngoài ra còn có xe 75 đi từ bến xe Yên Nghĩa đi thẳng tới bến xe Hương Sơn. Từ bến xe Hương Sơn bạn đi bộ khoảng 300m là tới suối Yến. Gần hơn đi xe 78, nhưng bạn phải xuống tận bến xe Yên Nghĩa (bạn có thể bắt xe bus số 01 và 02 để tới bến xe Yên Nghĩa).
Để thuận tiện thì bạn có thể đi xe 78 tới Tế Tiêu rồi lại bắt xe 75 đi bến xe Hương Sơn.
Đi xe máy tới Chùa Hương
Bạn đi theo hướng quốc lộ 1A theo hướng dẫn ở trên hoặc đi theo đường xe bus 78, 75 đi Hương Sơn, qua thị trấn Vân Đình. Lưu ý đường này có nhiều chú áo vàng đứng nên các bạn tuân thủ qui định giao thông như tốc độ ở các điểm nút ra vào thị trấn, gương xe, mũ áo đầy đủ.
Bản đồ tuyến du lịch chùa Hương |
3. Du lịch chùa Hương
Chùa Hương tấp nập đông du khách vào mùa lễ hội. Nếu đi bộ hành hương lên Hương Tích thì sẽ khá vất vả để chen chân, cáp treo cũng đông khách mua vé đi cáp. Nhưng trong không khí Xuân và lòng thành kính đi lễ Phật thì đó sẽ không phải vấn đề quá quan trọng.
Du lịch chùa Hương được chia ra làm các tuyến tham quan chính như sau, tùy vào số ngày đi nhiều hay ít mà các bạn có thể tham quan được nhiều tuyến.
Các tuyến thăm quan thắng cảnh Hương Sơn
- Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng (tuyến chính), đi trong 1 ngày từ Hà nội và về lại Hà Nội.
- Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài
- Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm (tuyến nên đi thứ 3)
- Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn (tuyến nên đi thứ 2)
Với tuyến 1 thì bạn có thể đi trong ngày từ Hà Nội, nếu đi 2 ngày thì ngày 2 đi thêm tuyến Tuyết Sơn hoặc Long Vân. Các tour du lịch hay đi tuyến Hương Tích (tuyến chính) với 2 điểm thăm quan là chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Kết hợp đi chùa Hương và Hồ Quan Sơn
Nếu bạn có dự định đi 2 ngày chùa Hương thì bạn có thể đi chùa Hương ngày đầu tiên, ngày thứ 2 bạn đi Hồ Quan Sơn. Đây là 1 thắng cảnh đẹp, nơi bạn có thể ngồi thuyền thưởng lãm phong cảnh đẹp.
Giá vé thắng cảnh chùa Hương
Giá thông thường là 40.000đ/người cho vé đò và 50.000đ/người vé thắng cảnh. Nếu bạn đi đoàn đông có thể thuê thuyền to khoảng 15 – 20 người ngồi. Ngoài ra có cả dịch vụ xuồng máy nữa đấy. Giá cáp treo là 140.000 cho 2 chiều và 90.000 cho 1 chiều.
4. Ăn gì ở chùa Hương
Khi đi vào mùa lễ hội thì vấn đề này khá dễ dàng với nhiều hàng quán dọc 2 bên đường từ Bến Trò lên tới tận động Hương Tích. Một số quán ăn ngon và phục vụ chu đáo thường nằm ngay dưới chân núi, gần chùa Thiên Trù. Đây cũng là điểm thuận lợi về ăn uống khi đi chùa Hương, vì bạn có thể thăm Hương Tích xong thì xuống ăn. Gợi ý nhà hàng Mai Lâm, phục vụ quanh năm, ngay cả vào thời điểm không lễ hội nhà hàng vẫn phục vụ ăn uống cho các đoàn tour.
Cầu Hội chùa Hương |
5. Lưu ý khi đi chùa Hương
Vào các ngày lễ hội thì tình trạng chặt chém và chèo kéo khách khá phổ biến. Do vậy các bạn đi nên chuẩn bị tinh thần trước để không bị bỡ ngỡ và bực mình. Một số ví dụ có thể gặp phải như:
Xe ôm bám theo xe ô tô từ tận Hà Đông để mời đi đò. Họ hỏi bạn cứ trả lời bình thường, họ có thể bám theo, nhưng ko vấn đề gì.
Giá cả ăn uống tăng cao gấp đôi (ko tính giá đò và vé thắng cảnh).
Nạn xin tiền bo của lái đò khi đi thuyền.
Lễ hội đông nên các bạn nhớ bỏ rác đúng nơi qui định.
Hạn chế đặt tiền lễ quá nhiều, chỉ cần đặt công đức ở 1 số hòm là ok.