1. Nên tới Cù Lao Câu vào thời gian nào?
Ở đảo chia ra thành 2 mùa rõ rệt: mùa gió nam và mùa gió bấc. Vào khoảng tháng 1 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, biển êm sóng lắng, có nhiều tàu thuyền neo đậu tấp nập qua đảo, khí hậu trong lành và mát mẻ, rất thuận tiện cho việc đi chơi ở đảo.
Từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch thì là mùa gió bấc, biển động, cây cối khô cằn nên không nên đi vào thời gian này.
Ngoài ra, trên đảo còn có lễ hội đền thờ Thần Nam Hải vào ngày 15-16 tháng 4 âm lịch hàng năm nên nếu bạn quan tâm đến những lễ hội tâm linh hay những tín ngưỡng dân gian thì nên ghé thăm đảo vào thời gian này.
2. Cách đến Cù Lao Câu như thế nào?
Xuất phát từ cảng cá Cà Ná ra Cù Lao Câu mất khoảng 1h15’. Cà Ná thì có bãi đậu xe lớn và các loại hình dịch vụ tốt nhất.
Xuất phát từ bến đò ở thị trấn Liên Hương thì các bạn đi ca nô của Trung tâm bảo tồn biển. Các bạn có thể gọi trước số này 0918335617 (Anh Lập) để đặt ca nô, giá 250.000đ/người/ khứ hồi.
Từ cảng cá Phước Thể có thể đi tàu gỗ của ngư dân Cù Lao Câu hoặc đi nhờ tàu chở nước ngọt và thực phẩm ra đảo, mất khoảng 30’. Có một nhà hàng trên đảo của ông Tư Hữu cũng có tàu riêng ra đảo mà các bạn có thể gọi trước để hỏi thông tin. Số điện thoại 0932 144 454.
Cù Lao Câu không có bến tàu dân sự mà chỉ có bến tàu quân sự, rất cao nên các tàu cá hoặc ca nô không cập vào bờ ở đó được mà thường thì tàu sẽ dừng cách bờ 1 quãng hơi xa rồi các bạn được di chuyển vào bờ bằng thuyền thúng, hay còn gọi là mủng.
3. Nhà nghỉ, khách sạn trên Cù Lao Câu
Thường các nhóm chỉ ra đảo vào buổi sáng và chơi đến chiều thì quay về đất liền. Trong trường hợp bạn muốn ở lại đây qua đêm thì cần lưu ý:
- Cù Lao Câu nhỏ và thuộc quyền quản lý của bộ đội biên phòng nên nếu muốn ở lại đảo qua đêm, các bạn cần xin phép bộ đội biên phòng trên đảo.
-Trên đảo không có dịch vụ lưu trú nào nên muốn ở lại thì các bạn cần tự mang theo lều, túi ngủ…
- Các bạn cũng có thể xin ngủ nhờ ở đồn biên phòng. Các anh bộ đội ở đây khá thân thiện và luôn giúp đỡ mọi người.
4. Địa điểm tham quan trên Cù Lao Câu
- Hang Yến: Đây là một cái hang có hàng trăm con chim yến làm tổ. Ngày trước, dân đi biển hoặc dân lấy yến thường ra đây để khai thác trứng và tổ yến. Hiện tại, sự bảo vệ của doanh trại bộ đội biên phòng trên đảo nên việc khai thác yến không còn, yến sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều.
- Hang Ba Hòn: Đây là một địa điểm chụp ảnh lưu niệm lý thú, hang Ba Hòn được tạo ra bởi ba hòn đá lớn dựng đứng, hình dáng rất thú vị. Nếu đến đây bạn hãy chụp cho mình những bức hình thật đẹp nhé!
- Lặn biển ngắm san hô: Xung quanh đảo là những bãi san hô với nhiều loại, hình dáng phong phú. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý hiếm. Nếu đến đây, bạn nhớ trải nghiệm cảm nghiệm cảm giác lặn biển để ngắm san hô nhé. Theo kinh của mình, nếu các bạn không sử dụng dịch vụ lặn biển thì bạn nhớ mang đồ lặn kèm theo. Việc lặn biển không thu phí nhưng bạn nhớ đừng làm tổn hại đến thiên nhiên ở đây.
- Đền thờ thần Nam Hải: Đây là đền thờ Cá Ông, nơi tín ngưỡng của ngư dân Cù Lao Câu với ý niệm sẽ che chắn cho ngư dân nếu trời có bão. Đây là một phong tục tín ngưỡng phổ biến của ngư dân trên cả nước. Mỗi năm, vào ngày rằm tháng tư người dân thường tổ chức lễ hội rất lớn.
- Cắm trại ngắm sao đêm bên bờ biển: Nếu cắm trại ở đây, các bạn sẽ có cơ hội nằm nghe sóng vỗ rì rào bên dưới bầu trời sao lấp lánh. Trải nghiệm này có thể nói là khó tìm thấy ở các thành phố lớn hay các khu du lịch luôn sáng ánh đèn.
5. Ăn gì ở Cù Lao Câu?
Quanh đảo có nhiều loại hải sản sinh sống nên nếu thích phiêu lưu, bạn có thể trang bị cho mình một cây cần câu và chút mồi để tự kiếm đồ ăn. Hoặc bạn đi dọc bờ biển bắt còng về nấu cháo. Còn gì tuyệt vời hơn khi đốt lửa trại vào đêm và ăn món cháo với mồi tự mình kiếm được.
Còn nếu không, các bạn có thể ghé quán đặt đồ ăn. Trên đảo có 2 quán mở thường xuyên. Trong đó, quán Sóng Biển của ông Tư Hữu được nhắc đến ở phía trên nấu ăn rất ngon. Ông là người rất dễ mến, thân thiện và nhiệt tình. Ông sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch cho các bạn cả ngày trên hòn đảo này vì với ông, đây giống như ngôi nhà, nơi mà ông thương yêu nhất.
Các món đặc sản mà các bạn nên thử là ốc vú nàng, giá chỉ khoảng 50.000đ/kg. Món này mình tưởng chỉ có ở Cù Lao Chàm hay Côn Đảo nhưng hóa ra ở đây rất nhiều và rẻ hơn những nơi kia.
Cua Mặt Trăng – một loại cua có đốm trên mai, nhiều người cho rằng ngon như cua huỳnh đế nhưng giá thì rẻ hơn đến mấy lần.
Quán còn có món cùi sò rắc lạc giã vụn ăn rất thơm ngon và lạ, chưa thấy ở đâu có món này.
Các loại hải sản khác ở đây cũng rất phong phú và có giá thành rẻ.
6. Lịch trình du lịch Cù Lao Câu 1 ngày 1 đêm
- 9h tối: Bạn ra bến xe miền Đông đón xe đi Phan Rang.
- 4h sáng: Đến ngã ba Đại Hòa, bắt xe đi cảng cá Phước Thể (khoàng 3km), tranh thủ nghỉ ngơi.
- 6h sáng: Ăn sáng, cafe, đi dạo quanh cảng cá, liên hệ ngư dân đón tàu ra đảo.
- 8h sáng: Lên tàu ra đảo (đi thuyền thúng ra tàu lớn vui lắm).
- 9h sáng: Tới đảo, tắm biển và đi dạo quanh đảo, tận hưởng không khí trong lành, lặn biển ngắm san hô.
- 14h: lên tàu về lại đất liền.
- 15h: Đi tham quan chùa Cổ Thạch hay còn gọi là chùa Hang, trên đường từ Phước Thể chạy qua thị trấn Liên Hương để tới chùa. Những cơn gió mát lạnh phả vào mặt cùng với mùi của đất, của cỏ cây và cả mùi phân bò, tất cả hòa quyện làm ta nhớ đến quãng thời gian thơ ấu, những ngày còn ở quê.
Lưu ý: Cù Lao Câu có nhiều rắn độc, chủ yếu là rắn lục, rắn hồ. Chúng thường nằm dưới những lớp cỏ và trong các bụi cây rất khó phát hiện ra. Lúc trời nóng nực, rắn sẽ bò lên các thân cây để trốn nắng. Vì vậy khi tới nơi đây, bạn phải cẩn thận, nên đi theo lối mòn và đi theo một hàng dọc dài. Tuyệt đối không được tách đoàn để lên những bãi cỏ, bụi cây chụp hình.
Lê Long/TH