Ngày 2: Tuy Hoà - Núi Đá Bia - Cảng Vũng Rô- Hải đăng Đại Lãnh - Cửa sông Đà Nông
Lịch trình ngày thứ 2 sẽ đi về phía Nam của Phú Yên, các bạn nên xuất phát theo đường quốc lộ 1 và đi về bằng đường ven biển. Đường quốc lộ 1 thì hơi bụi một chút do có một vài quãng còn đang làm dở, nhưng thẳng và ngắn.
Buổi sáng các bạn đi thẳng tới khu di tích núi đá Bia (Thạch Bi Sơn) để có nhiều thời gian chơi và tham quan ở đây. Khu di tích này nằm trên đèo Cả, con đèo nối Phú Yên với Khánh Hòa. Từ Tuy Hòa các bạn đi theo quốc lộ 1 về phía Khánh Hòa, lên đèo Cả, qua hồ Hảo Sơn ở bên tay phải sẽ nhìn thấy khu du lịch sinh thái núi đá Bia ở bên tay trái. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80m trên đỉnh núi mà đứng từ rất xa vẫn có thể nhìn thấy.
Theo nhiều tài liệu, bia này do vua Lê Thánh Tông vào năm 1471 trong cuộc chiến tấn công Champa, đã cho quân lính khắc lên đó ranh giới giữa nước Đại Việt và Champa.
Khi vào khu du lịch sinh thái Đá Bia, các bạn leo bộ khoảng 1,5-2 giờ tùy vào sức khỏe sẽ lên tới vị trí bia đá. Từ đây, có thể ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Vũng Rô ở ngay chân núi và vịnh Vân Phong phía Khánh Hòa. Cảnh tượng có thể nói là hết sức ấn tượng.
Tuy nhiên, với các bạn không thích leo trèo (như mình chẳng hạn) thì các bạn có thể bỏ qua khu vực này mà dành nhiều thời gian hơn để khám phá khu vực ven biển thuộc vịnh Vũng Rô.
Buổi trưa các bạn có thể thưởng thức món đặc sản lẩu mực Đại Lãnh ngay chân đèo Cả. Các bạn có thể vào bất cứ quán nào, gọi 1 nồi lẩu mực, chỉ khoảng 200.000 – 250.000đ/ nồi cho 3-4 người là các bạn sẽ được thưởng thức món mực Đại Lãnh nổi tiếng. Mực ở đây nhỏ, chỉ hơn ngón tay nhưng cực kỳ tươi ngon nên hương vị chắc chắn sẽ rất khác biệt.
Hoặc các bạn vượt qua đèo Cả, rẽ vào đường ven biển đi vào cảng Vũng Rô, khu vực này cũng có nhiều quán hải sản ngon. Quán ngon nhất là quán nằm ngay cạnh cảng, quán cuối cùng trên đường đi vào nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Hải sản được phục vụ trong những quán này là hải sản được đánh bắt từ sáng sớm ở ngay cảng Vũng Rô.
Sau bữa trưa các bạn có thể bắt đầu khám phá con đường ven biển nối đèo Cả với thành phố Tuy Hòa, còn gọi là đường Phước Tân – Bãi Ngà.
Các bạn có thể ghé thăm lần lượt các điểm trên đường đi của mình:
Cảng Vũng Rô: Nếu có cơ hội đến khu vực này vào lúc sáng sớm các bạn có thể xem cảnh tàu cá về cảng rất nhộn nhịp. Vũng Rô xưa là địa điểm tiếp nhận vũ khí bí mật từ miền Bắc chuyển vào bằng các con tàu không số huyền thoại.
Vì vậy, nơi đây cũng có Đài tưởng niệm bến tàu không số.
Hải đăng Đại Lãnh – Bãi Môn: đây là điểm phải đến trong lịch trình ngày thứ hai này. Hải đăng Đại Lãnh nằm ở mũi Đại Lãnh, hay còn gọi là Mũi Điện, điểm suýt được coi là cực Đông của nước ta. Các bạn gửi xe ở dưới chân hải đăng, quán nhà chú Mười (057.6288322), rồi leo bộ lên hải đăng. Có 2 đường để đi lên hải đăng:
- Một đường các bạn băng qua bãi Môn và trèo tắt lên núi.
- Một đường đi theo bậc cầu thang lên.
Một số bạn nói là hải đăng thu phí tham quan nhưng nói như vậy chưa chính xác lắm, các chú bộ đội biên phòng có giải thích và phí này thu để bảo dưỡng, duy tu hải đăng. Ngoài ra, nếu các bạn muốn nghỉ lại ở hải đăng để ngắm hoàng hôn hay bình minh sáng hôm sau đều có thể đăng ký. Nếu không ăn nghỉ trên hải đăng thì các bạn cũng có thể gọi trước cho chú Mười để đặt ăn uống hoặc chỗ nghỉ đêm, giá cả rất dễ chịu. Gần đây mình thấy nhiều đoàn các bạn mang theo lều trại đến cắm trại ở khu vực bãi Môn này và sử dụng các dịch vụ do nhà chú Mười cung cấp cũng có phản hồi rất tốt. Vì vậy, nếu các bạn có nhiều thời gian hơn, có thể ở lại Đại Lãnh một đêm để có cơ hội đón nhận ánh nắng đầu tiên của một ngày mới tại nơi đây, đó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị.
Hải đăng Đại Lãnh |
Con đường ven biển từ Đại Lãnh về bãi Gốc – Cửa Biển Đà Nông là con đường rất đẹp, được trải nhựa phẳng lỳ, ít xe cộ đi lại, các bạn vừa đi vừa có thể dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh tùy thích.
Từ cửa sông Đà Nông về thành phố thì là đường xuyên qua các xã ngoại thành của thành phố Tuy Hòa, qua mỗi một khu vực các bạn cũng có thể thấy được những điểm giống nhau hay khác biệt về lối sống, nhà cửa của vùng đất Phú Yên này.
Hành trình của ngày thứ 2 này các bạn cũng có thể đi ngược lại, lúc đi bằng đường ven biển, về bằng quốc lộ 1, hãy theo cách nào mà các bạn muốn và hãy dừng lại chỗ nào mà các bạn thấy thú vị chứ không nhất thiết phải điểm danh theo đúng lộ trình mình đã gợi ý. Như vậy, chuyến đi của các bạn mới thực sự là sự trải nghiệm.
Ngày 3: Tuy Hoà - Gành Đá Dĩa - Nhà thờ Mằng Lăng - Cầu gỗ An Hải - Đầm Ô Loan
Ngày thứ 3 ở Phú Yên các bạn có thể đi về phía Bắc, cũng đi đường ven biển chiều đi và đường quốc lộ 1 chiều về. Đi về hướng này, các bạn sẽ đi qua nhiều bãi biển đẹp của Phú Yên. Điểm đặc biệt là những bãi biển này rất vắng người, khung cảnh yên tĩnh, hoang sơ, dịch vụ không có nhiều chứ không phải là những bãi biển chật ních người với vô vàn các loại hình dịch vụ phá hỏng đi cảnh quan của thiên nhiên. Đây cũng là điểm mình thích ở Phú Yên hơn những tỉnh ven biển miền Trung khác.
Đi về phía này thực sự là có rất nhiều điểm nên dừng lại. Nhưng để đi hết tất cả các điểm thì các bạn phải cân nhắc về mặt thời gian. Nếu chỉ có một ngày các bạn hãy lựa chọn các điểm mình muốn đi nhất.
Trên đường đi của mình các bạn sẽ gặp bãi biển như bãi biển Long Thủy, bãi Xép, bãi Gành Yến (nhìn ra hòn Yến), Cù Lao Mái Nhà… Bãi biển nào cũng rất đẹp, nếu có thời gian, các bạn có thể dừng lại phơi nắng, tắm biển, thuê thuyền ra hòn Chùa, hòn Dứa… chơi.
Đi tiếp theo đường ven biển các bạn sẽ tới Gành Đá Dĩa (Ghềnh Đá Đĩa):
Gành Đá Dĩa được hình thành do nham thạch chảy từ khu vực núi lửa ra đến biển, gặp nước biển lạnh đột ngột nên đông cứng và co rút lại tạo thành những cột đá lửa hình lục lăng có màu đen xếp chồng lên nhau. Hiện tượng địa chất đặc biệt này ở trên thế giới không có nhiều nên có thể coi đây là khu danh thắng nổi tiếng nhất ở Phú Yên. Gành Đá Dĩa nhìn từ xa trông giống như những chồng đĩa trong lò gốm nên người xưa đặt tên như vậy. Tới đây, các bạn có thể gửi xe với giá 2.000đ/ xe máy và đi bộ xuống dạo chơi trên những tầng đá. Khi xuống đến nơi thì các bạn có cảm giác gành nhỏ hơn so với các bức hình hay quảng cáo trên các trang du lịch. Nhưng chụp ảnh từ trên xuống thì sẽ thấy rất đẹp. Khu vực này có nhiều trẻ em bán dạo mấy món vỏ sò, vỏ ốc hay những viên đá đẹp, cũng không đáng bao nhiêu tiền nên nếu các bạn thích cũng có thể mua cho các em nhỏ đó.
Cách Gành Đá Dĩa không xa là hải đăng Gành Đèn. Hải đăng Gành Đèn không hoành tráng như Hải đăng Đại Lãnh, cũng không có kiến trúc nổi bật nhưng vị trí của hải đăng khá đẹp, là điểm báo hiệu cho các tàu thuyền ra vào vịnh Xuân Đài và vịnh Chào của Phú Yên.
Từ hải đăng Gành Đèn, các bạn không quay trở về đường cũ mà đi về phía quốc lộ 1 để ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng – một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, được xây từ cách đây 120 năm.
Nhà thờ giáo xứ Mằng Lăng được xây dựng theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí đặc sắc, được sơn màu xám nằm trong khuôn viên rộng 5000m2, là một công trình công giáo nổi bật của tỉnh Phú Yên cũng như trên cả nước.
Gành Đá Đĩa |
Nhà thờ hiện còn lưu giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt, là cuốn Phép giảng tám ngày của linh mục Đắc Lộ. Cuốn sách được trưng bày dưới một hầm mộ nhỏ trước sân nhà thờ. Nhưng hôm mình đến nhà thờ thì thấy cửa hầm mộ khóa, không vào được bên dưới, lúc đó cũng là chiều muộn nên mình không tìm được ai để hỏi.
Tiếp tục đi về hướng quốc lộ 1, các bạn có thể nhìn thấy Đập Tam Giang.
Rồi ghé thăm cầu gỗ Tuy An, cây cầu gỗ dài nhất Phú Yên. Nếu các bạn đi xe máy qua cầu đóng phí 3.000đ/ xe, có thêm người ngồi sau xe là 4.000đ.
Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể đi xa hơn về phía Bắc đến thị xã sông Cầu, thị xã nằm bên cạnh vịnh Xuân Đài. Khu vực này có các nhà hàng, trạm nghỉ ven biển được xây dựng hiện đại, sạch sẽ mà giá cả các dịch vụ đều rất rẻ.
Nếu không còn thời gian để đi quá xa về phía Bắc, các bạn có thể xuôi về hướng thành phố, dừng lại thưởng thức đặc sản hàu và sò huyết Đầm Ô Loan.
Các bạn đi đến khu vực cầu An Hải thì rẽ vào khu đầm, tìm quán Tuấn, quán này có rất nhiều người dân Phú Yên trong thành phố ra đây ăn. Giá cả không đắt, phục vụ nhanh chóng, khách hàng có thể vừa thưởng thức các món đặc sản vừa ngắm cảnh mặt đầm Ô Loan.
Đây là lịch trình mình gợi ý đối với các bạn đi du lịch Phú Yên – Tuy Hòa ít ngày. Còn nếu các bạn có nhiều thời gian hơn thì Phú Yên còn rất nhiều điểm hấp dẫn. Hoặc cũng những điểm này nhưng các bạn đi một cách chậm rãi hơn để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất còn gọi là Xứ Nẫu này.
Một số điểm các bạn có thể tham khảo
- Khu du lịch thủy điện Sông Hinh
Từ quốc lộ 1A các bạn đi về phía cầu Đà Rằng đến ngã ba Phú Lâm thì rẽ phải theo đường 645 đến thị trấn Hai Riêng. Đây là trung tâm hành chính của huyện Sông Hinh. Sông Hinh là một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, là địa bàn sinh sống của 20 dân tộc thiểu số. Khi đến với khu vực này các bạn có thể thăm khu vực tam giác thủy điện Sông Hinh – thủy điện Ba Hạ – thủy điện Krong Năng; tham quan hồ Tân Lập, hồ Eadin; thác H’Ly… Ngoài ra, khu vực này rất thích hợp với các bạn thích loại hình du lịch văn hóa.
- Địa đạo Gò Thì Thùng
Từ quốc lộ 1A đi về phía Bắc đến ngã ba Chí Thạnh các bạn rẽ tay trái, đi khoảng 15km lên cao nguyên Vân Hòa là đến khu di tích này. Đây là 1 trong 3 địa đạo lớn nhất ở Việt Nam, bao gồm địa đạo Củ Chi và địa đạo Vĩnh Mốc.
- Thác Vực Hòm
Nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45km, thác là những cột đá bazan có lịch sử hình thành địa chất giống với khu vực Gành Đá Dĩa. Các bạn đi quốc lộ 1A về hướng Bắc, đến ngã ba Hòa Đa thì rẽ trái, đi thêm khoảng 10km thì rẽ sang đường đất. Đi khoảng 10-15km thì hỏi thăm đường vào thác. Các bạn phải gửi xe bên ngoài rồi đi bộ vào khoảng 1km sẽ đến thác Vực Hòm.
- Hồ chứa nước Phú Xuân và suối nước nóng Trà Ô thuộc huyện Đồng Xuân.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Krong Trai thuộc huyện Sơn Hòa.
Ngoài ra, từ Tuy Hòa, các bạn cũng có thể đi sang các khu vực lân cận thuộc Khánh Hòa như trekking Mũi Đôi – điểm cực Đông của Tổ quốc bằng cách đi vào hướng Đầm Môn. Hoặc sang nghỉ ngơi ở khu vực bãi biển Đại Lãnh, Khánh Hòa.
Cá nhân mình đánh giá, Phú Yên có vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị các loại hình dịch vụ xô bồ làm xấu đi vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên nên mình thích Phú Yên hơn hẳn các thành phố biển khác. Phú Yên phù hợp với những người muốn đi du lịch theo kiểu về với thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng, không ồn ào. Còn nếu các bạn thích sự sôi động, náo nhiệt, có lẽ Nha Trang hay Vũng Tàu sẽ là một sự lựa chọn thú vị hơn.
Khách sạn nhà nghỉ ở Tuy Hòa
Với lịch trình 3 ngày ở Phú Yên trong đó ngày đầu các bạn chơi ở trung tâm thành phố, ngày thứ 2 đi về phía Nam và ngày thứ 3 đi về phía Bắc thì tốt nhất các bạn nên thuê khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực trung tâm thành phố.
Tuy Hòa không phải là một điểm nóng về du lịch như Đà Nẵng hay Nha Trang nên giá phòng ở đây không đắt, các bạn có rất nhiều sự lựa chọn nếu ở khu vực trung tâm thành phố. Khách sạn 5 sao ở đây cũng chỉ có giá chưa tới 1 triệu/ phòng, ví dụ như: khách sạn Cendeluxe Tuy Hòa (số 2 đường Hải Dương), Khách sạn Kaya 4 sao (số 238 đại lộ Hùng Vương) có giá 6-700.000đ/ phòng. Ý kiến cá nhân của mình thì Tuy Hòa tuy là thành phố biển nhưng với lịch trình gợi ý như trên thì các bạn cứ chọn khách sạn ở trong thành phố mà ở, không nên ở khách sạn sát biển vì biển ở đây cũng không phải là đẹp để bơi.
Còn nếu bạn vẫn muốn ngắm biển, có thể chọn khách sạn Công Đoàn (số 53 đường Độc Lập) với giá 300.000đ/phòng bao gồm cả ăn sáng. Khách sạn 1, 2 sao ở đây giá chỉ dao động từ 120-300.000đ/ phòng. Năm 2013, mình ở khách sạn An Phát (số 35 Lê Lợi) có 120.000đ/ phòng 2 giường, mà phòng rộng mênh mông chứ không phải kiểu phòng đặt có mỗi cái giường đã chật. Tất nhiên với giá này thì nội thất chỉ ở tầm trung bình chứ không thể đẹp được, nhưng cũng đủ các tiêu chuẩn về phòng tắm, nước nóng, điều hòa…
Từ đầu năm 2014 đến nay thì các bạn trên các diễn đàn du lịch có phản hồi khá tốt về khách sạn Nhiệt Đới (số 216 đường Nguyễn Huệ).
Khi lên kế hoạch cho chuyến đi, các bạn có thể tham khảo các website đặt phòng như agoda.com để chủ động việc đặt phòng, và tham khảo giá.
Coi như vậy là đã xong những vấn đề cơ bản nhất khi các bạn đến Tuy Hòa, Phú Yên, bây giờ chúng ta sẽ thưởng thức các cảnh đẹp Phú Yên theo lịch trình đã lên sẵn.