06:54 20/09/2024

Làng mã Vân Hội nhộn nhịp sắm Tết cho... người âm

11:50 27/04/2018

Những ngày này, người thợ làm mã làng Vân Hội (Thường Tín, Hà Nội) lại bận rộn, tất bật chuẩn bị Tết cho người âm. Với họ, hàng mã không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là niềm tự hào, sự đam mê những món đồ mang màu sắc tâm linh, huyền bí.

Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Việt Nam là một trong số ít những nước có nghề vàng mã phát triển thành làng nghề, được lưu giữ qua các thế hệ như một thứ hồn cốt của dân tộc.

Mỗi mã gắn với một tích cổ

Từ trung tâm thành phố Hà Nội chạy xe xuống huyện Thường Tín mất chừng hơn 20 cây số. Những ngày giáp Tết, không khí làng nghề trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn. Nhà nhà đan cốt (khung, xương của “mã”), người người khéo léo mặc quần áo cho “nhân”, trang trí, hoàn thiện những công đoạn cuối để cho ra thành phẩm là những “mã” đẹp từ kiểu dáng đến màu sắc. Đồ thờ cúng, đặc biệt là những bộ ông Công ông Táo, mũ thờ, hình nhân được làm với số lượng lớn. Trung bình mỗi người thợ lành nghề có thể làm được 100 hình nhân/ngày, 40-50 bộ ông Công ông Táo.

Đến làng Văn Hội, hỏi nhà cụ Ty làm vàng mã không ai là không biết, vì “mã” nhà cụ Ty là mã cổ được lưu truyền trong nội bộ gia tộc gồm 5 thế hệ đã hàng trăm năm nay. Những dáng “mã” nhà cụ Ty đều được làm theo mã cổ, đảm bảo chính xác tuyệt đối về kích thước, tỉ lệ; chỉ khác ở những họa tiết trang trí để sản phẩm được bắt mắt và thu hút.

Làng mã Vân Hội nhộn nhịp sắm Tết cho... người âm - 1

Cảnh rộn rã, nhộn nhịp ở làng nghề chuyên lo đồ tết cho người âm

Làng mã Vân Hội nhộn nhịp sắm Tết cho... người âm - 2
Đồ Tết cho người âm đã sẵn sàng 

Trong 2 tháng cận Tết, nhà bà Ty có thể làm đếm 6000 bộ ông Công ông Táo. Anh Nguyễn Đình Quyết (cháu nội của cụ Ty – đời thứ 5 làm mã) tâm sự: “Tất cả đều làm theo mã cổ. Mã cổ có cốt, số đo khung cụ thể, phân chia theo tỷ lệ cố định. Không phải ai cũng nắm được những nguyên tắc về làm mã cổ. Ví dụ, làm mã cổ phải biết phân biệt đầu trên, đầu dưới của một thanh nứa, cách đặt thanh nứa sao cho đúng, hình dáng mã đứng, mã ngồi phải như thế nào… không phải ai cũng làm được”.

Làng mã Vân Hội nhộn nhịp sắm Tết cho... người âm - 3
Làng nghề vàng mã Vân Hội những ngày này luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua

Mỗi “mã” đều được làm dưạ trên tích cổ “không phải muốn làm gì thì làm”. Ví dụ mã Bà chúa Thượng Ngàn cũng gắn với một tích cổ: Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình (con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương), khi còn trẻ là một cô gái đức hạnh, có tài sắc. La Bình thường được cha đưa đến mọi nơi, từ miền núi đến trung du, đồi bãi. Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương theo lệnh Ngọc Hoàng về trời thì La Bình được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha cai quản, trông coi 81 cửa rừng. Do đó, trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Bà chúa Thượng Ngàn có vai trò phù trợ cho đời sống hàng ngày của người dân, giúp nông dân làm ăn được mùa, đời sống ấm no hạnh phúc. Cũng có tích kể rằng, Mẫu Thượng Ngàn còn phù trợ cho các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt trong các triều đại.

Anh Quyết tỏ ra buồn bã khi giờ đây người dân đổ xô đi làm mã một cách máy móc, rập khuôn, xô bồ theo kinh tế chứ ít ai hiểu được những giá trị văn hóa trong nghề làm vàng mã: “Mỗi lễ đều có tích của nó, cần những mã gì và như thế nào. Người ta không biết làm, không hiểu về mã và các tích cổ gắn liền. Ví như ông Tướng, bà Chúa phải mặc áo màu gì, kiểu ống tay áo ra sao, cử chỉ, điệu bộ phải phù hợp. Không phải cứ sáng tạo và phối màu lung tung là được. Sáng tạo chỉ là cách trang trí thêm những chi tiết ở dải quạt, tay cầm…để làm sản phẩm đẹp hơn, bắt mắt hơn chứ không phải nghĩ và tưởng tượng ra một hình nhân, một “mã” hoàn toàn mới. Duy tâm một chút, nếu không biết cách làm có thể làm bài lễ bị sai dẫn đến sái lễ”.

Có lẽ, chính sự thần bí nhuốm màu huyền thoại của những tích cổ đã thu hút sự quan tâm, niềm đam mê của cậu bé Quyết từ khi mới 5 tuổi. Những tích cổ đã mang đến bài học về nét đẹp văn hóa của dân tộc, cả lịch sử dân tộc cũng được thể hiện và khái quát trong đó.

Trăn trở nỗi lo “mất” nghề

Trước năm 1995, nghề làm vàng mã trở nên điêu đứng vì Nhà nước đánh thuế cao, do một số người lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tâm linh để cổ xúy cho tình trạng mê tín dị đoan, đốt vàng mã giải hạn, gây nên những tổn thất to lớn về kinh tế, “tiền mất tật mang”. Nghề làm vàng mã ở Văn Hội cũng phải gắng gượng chống đỡ, nhiều hộ đã bỏ nghề, chỉ còn số ít duy trì. Anh Quyết tâm sự: “Do thời kỳ trước, tín ngưỡng bị đánh đồng là mê tín dị đoan, gia đình tôi gặp khó khăn. Có những đêm bố tôi không ngủ, canh cánh nỗi lo mất nghề. Sau này, nhờ kinh tế phát triển, vấn đề tín ngưỡng, tâm linh được hiểu rõ, nghề lại được phục dựng và phát huy”.

Để phát huy và giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, bố mẹ đã hướng Quyết đi theo nghề ngay từ khi còn nhỏ. “Ngay từ tấm bé, tôi đã được định hướng theo nghề của gia đình. Tôi đam mê nghề từ nhỏ, yêu nghề và tin vào đạo mẫu. Lớp trẻ ở làng giờ chỉ còn mình thôi là theo nghề, hầu hết đi làm kinh tế ở phương xa”.

Say nghề, ham nghề, năm nào cũng vậy đến 30 Tết gia đình anh Quyết mới nghỉ để sắm sửa và lo Tết. Còn trước đó, anh và mọi người trong nhà từ cô dì, chú bác đến các em nhỏ, mỗi người một tay hoàn thành “mã” theo đơn đặt hàng để phục vụ cho các dịp thờ cúng trong đình, miếu, chùa chiền, thờ cúng gia tiên, thay lời tri ân đến những người đã khuất núi nhưng vẫn phù hộ cho con cháu một năm làm ăn thuận lợi, yên bình.

Làng mã Vân Hội nhộn nhịp sắm Tết cho... người âm - 4
Anh Nguyễn Đình Quyết đang thực hiện những thao tác cuối cùng để hoàn thành mã Bà chúa Thượng Ngàn

Với bàn tay khéo léo của mình, hình Bà chúa Thượng Ngàn dần hiện lên qua những động tác thoăn thoắt của anh Quyết. Anh hào hứng cho biết có ý định truyền nghề lại cho con cái sau này để giữ lấy nghề của cha ông: “Nhìn thì đơn giản thế thôi. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và kiên nhẫn. Không kiên nhẫn không làm được vì mã cổ đòi hỏi sự chính xác đến những chi tiết nhỏ nhất. Ngay như 3 dải dây phía trước mặt Bà chúa cũng không được để dài bằng nhau mà phải cắt theo tỷ lệ”. Anh không tin tưởng người ngoài, vì bây giờ họ làm vì cái lợi kinh tế trước mắt. Tâm nguyện của anh là truyền nghề cho những người có tâm, có đức và thực sự đam mê, bởi: “Nó là vấn đề tâm linh, làm không cẩn trọng thì sẽ bị “người trên” quở phạt, sợ lắm”.

Ngày nay người ta làm vàng mã nhiều, nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa của nó. Không đơn thuần chỉ là món hàng hóa phục vụ tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân mà quá trình làm nghề cũng là quá trình tâm linh. Chính những nghệ nhân đã thổi “hồn thần, hồn thánh” vào những vật vô tri vô giác. “Có hiểu nghề thì mới làm đúng, mới phát huy được những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề mà ông cha ta đã dày công xây dựng, vun đắp. Ước mong của tôi là những người làm nghề hiểu được giá trị công việc họ đang làm. Không cổ vũ cho nạn mê tín, không buôn thần bán thánh, không vì lợi lộc..., làm vì tưởng nhớ tổ tiên, hướng đến cội nguồn, đấy mới là ý nghĩa của làng nghề vàng mã mà ông cha ta gây dựng” – anh Nguyễn Đình Quyết trăn trở.

Minh Phương

Điểm đến

Phong cách

Ảnh-Video

Cộng đồng

Check in

Tình yêu - Đôi lứa

Timeout news

Đang thu hút

Homestay Đà Lạt