Tọa lạc tại cố đô Polonnaruwa của Sri Lanka, Gal Viharaya được coi là một trong những kỳ quan Phật giáo cổ xưa và độc đáo bậc nhất thế giới.
Còn có tên gọi là đền đá, Gal Viharaya vốn là một phần của một tự viện được Parakramabahu Đại đế (1153-1186) của vương quốc Tích Lan cho xây dựng trong thời kỳ trị vì của mình.
Những gì còn lại của công trình này là bốn pho tượng Phật ở các thế ngồi, đứng, nằm tạc sâu vào vách núi. Mỗi pho tượng đều sử dụng tối đa diện tích mặt đá và từng có điện thờ riêng mà bằng chứng là các hốc hõm và tường gạch, được gọi là các động.
Đầu tiên, ở động Vijjadhara là pho tượng cao 1,4 mét khắc họa Đức Phật đang nhập định trên đài sen được đỡ bởi một chiếc ngai trang trí hình hoa sen và sư tử dưới một mái vòm có các vị Bồ Tát đang đảnh lễ Ngài từ trời cao, xung quanh là các biểu tượng của Phật giáo Đại thừa như các viên kim cương, hoa sen đôi và ngọn lửa thần.
Kế tiếp, ở động Nissina Patima Lena cũng có một pho tượng Phật ngồi lớn gấp bốn lần, miêu tả Đức Phật đang tọa thiền trên đỉnh Linh Thứu. Tượng cao 4,6 mét an định trên đài sen có đế trạm hình tia sét và sư tử. Phía sau là một vòm cung với cảnh núi sông, thành trì, Phật tháp và những con thủy quái - mình cá đầu voi tung tăng bơi lội.
Cách tượng Phật ngồi không xa là một pho tượng Phật đứng sừng sững cao 6,9 mét tọa trên đài sen, dựa lưng thư thả vào vách núi, hai tay khoanh trước ngực. Đây là bức tượng được làm đầu tiên trong quần thể tượng Phật ở Gal Viharaya.
Cạnh tượng Phật đứng, ở động Nipanna Patima là tượng Phật nằm. Đây là pho tượng Phật nhập Đại Bát Niết Bàn lớn nhất ở Sri Lanka cũng như Đông Nam Á. Tượng dài 14,1 mét đặc tả Đức Phật trong giờ phút viên tịch, nằm nghiêng về bên phải, tay phải đỡ đầu trong một thế kinh văn gọi là dáng nằm của loài sư tử và tay trái đặt song song dọc mạn sườn.
Giới chuyên môn đánh giá, đây là những tác phẩm đầu tiên của thế giới khắc họa thành công nhất những thời điểm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Đức Phật và quá trình chuyển biến về nhận thức và hành động để dẫn tới sự dìu dắt và cứu độ của Ngài đối với chúng sinh.
Dù đã trải qua 1.000 năm dưới tác động của mưa gió và nắng nóng song quần thể tượng vẫn được bảo tồn rất nguyên vẹn. Di tích này là minh chứng điển hình nhất cho nghệ thuật chạm khắc đá của các nghệ nhân Tích Lan xưa.
Theo Kienthuc